Là một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, mỗi khi gặp khó khăn, đồng chí luôn nhớ lời Bác Hồ dạy về công tác Dân vận:“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Nhân kỷ niệm 73 năm Bác Hồ viết bài Dân vận (15/10/1949- 15/10/2022), xin giới thiệu đôi nét về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Trương Khoát - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch tỉnh Nghệ An, người luôn học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Truyền thống gia đình và quá trình hoạt động cách mạng

Nguyễn Trương Khoát sinh ngày 7-2-1913 tại làng Nại, tổng Thượng Xá (nay là xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), khi tham gia hoạt động cách mạng lấy bí danh và bút danh là Duy Ninh. Nguyễn Trương Khoát sinh ra trong một gia đình và dòng họ có truyền thống yêu nước và khoa bảng. Thân phụ là cụ Nguyễn Trương Diễm (1877- 1931). Cụ Diễm là một nhà nho thông minh, chính trực, có tinh thần yêu nước và khảng khái. Vì hai lần đậu Tú tài nên Nhân dân quanh vùng thường gọi cụ Hàn Diễm là cụ Tú kép hoặc cụ Hàn Hai. Học rộng tài cao và đức độ, nhưng bất hợp tác với giặc Pháp, cụ không chịu ra làm quan mà trở về quê mở trường dạy học để đào tạo và hướng lớp con trẻ tham gia phong trào Đông du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Vì có công trong việc bồi dưỡng nhân tài và vận động Nhân dân quyên góp, tuyển chọn thanh niên đi xuất dương trong phong trào Đông Du và làm nhiều việc có ích cho xã hội nên cụ được Nhân dân quanh vùng rất yêu mến, được triều đình Nhà Nguyễn phong ba đạo Sắc: “Hàn lâm đại chiếu” (ngang tòng Cửu phẩm), “ Hàn lâm Cung phụng” (ngang Chánh Cửu phẩm) và “Hàn lâm Kiểm bộ” (ngang Chánh Bát phẩm). Thân mẫu Nguyễn Trương Khoát là cụ bà Nguyễn Thị Nhã, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Xí quê ở Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc. Bà là con gái nhà nho, thông minh, tần tảo, nhân hậu, hết lòng vì sự nghiệp của chồng con và luôn chăm lo cho công việc của họ tộc Nguyễn Trương ở Thượng Xá ngày một phát triển thịnh vượng. Được sự rèn luyện và dạy dỗ của các cụ, tất cả các con của cụ Hàn Diễm luôn học tập và noi gương cha mẹ, khi lớn lên đều tham gia cách mạng, ba người con trai là đảng viên lớp tiền bối và giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước.

daihoi10-a5.jpg

Nguyễn Trương Khoát (1913-2008)

Ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Trương Khoát đã nổi tiếng thông minh sáng dạ, đặc biệt là học môn văn và ngoại ngữ (Hán học và Pháp học). Sau khi học xong bậc Tiểu học tại Trường Pháp -Việt huyện Nghi Lộc, Nguyễn Trương Khoát thi đỗ vào học tại Trường Quốc học Vinh. Năm 1925, Nguyễn Trương Khoát hăng hái tham gia cuộc đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, đi mít tinh tại Chùa Diệc để truy điệu cụ Phan Chu Trinh và biểu tình chống lại lệnh của Đốc học Michel đuổi các thầy giáo Trần Văn Tăng, Hà Huy Tập không được dạy học ở thành phố Vinh (1926). Từ năm 1927, được Nguyễn Thức Mẫn dìu dắt, Nguyễn Trương Khoát đã tham gia các hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Tân Việt. Mùa thu năm 1929, dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Xứ ủy Trung kỳ đã lập ra tổ chức Sinh Hội Đỏ. Để cổ vũ tinh thần đấu tranh và tuyên truyền đường lối, chủ trương hoạt động, Hội đã ra tờ báo Xích Sinh, đặt trụ sở in ấn tại nhà bà Võ Thị Túc (tức Lộc) ở xóm Bến Đền do đồng chí Nguyễn Tiềm làm chủ bút. Các đồng chí Chu Văn Biên, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Đình Hoành (Siêu Hải), Nguyễn Trương Khoát cùng tham gia viết bài. Bọn mật thám ráo riết theo dõi mọi hoạt động yêu nước và cách mạng của tổ chức Sinh Hội Đỏ, chúng lập sổ đen ghi chép những học sinh chúng đã tình nghi có tham gia các hoạt động Cộng sản chống lại“nước mẹ đại Pháp”. Nguyễn Trương Khoát nằm trong danh sách 25 học trò của trường Quốc học Vinh, Cao Xuân Dục và Nguyễn Trường Tộ bị đuổi học. Hoạt động cách mạng của Nguyễn Trương Khoát đã liên quan đến gia đình, em trai là Nguyễn Trương Bờn cũng bị đuổi học. Không chịu ngồi yên để các con trai bị đuổi học và ngừng tham gia cách mạng, cụ Nguyễn Trương Diễm đã giao cho Nguyễn Trương Thúy (làm giáo viên dạy học ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đưa hai anh em Nguyễn Trương Khoát và Nguyễn Trương Bờn ra tỉnh Nam Định để tiếp tục học tập.

Năm Canh Ngọ (1930), phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh lên cao, để cho anh trai Nguyễn Trương Thúy có thời gian xây dựng các cơ sở Đảng ở tỉnh Nam Định, Nguyễn Trương Khoát lại đưa em Nguyễn Trương Bờn về quê để cùng các anh, chị: Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc, Lê Huy Điệp và Nguyễn Đức Dương tham gia phong trào cách mạng. Nguyễn Trương Khoát, Lê Huy Điệp, Bùi Khắc Thựu tham gia trong bộ phận ấn loát, in tài liệu, viết báo, truyền đơn, vận động Nhân dân đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Thức Mẫn, Bí thư Huyện ủy giao đồng chí Hoàng Văn Tâm và Hoàng Văn Ủy bồi dưỡng, tháng 6-1930, Chi bộ Lò đã kết nạp Nguyễn Trương Khoát vào đội ngũ những người Cộng sản tại Nhà thờ Họ Hoàng Văn (Cửa Lò).

Ngày 2-1-1931 Nhân dân huyện Nghi Lộc đấu tranh giết chết tri huyện Tôn Thất Hoàn và đồng bọn. Trần Mậu Trinh lên thay tri huyện, để trả thù cho tri huyện Tôn Thất Hoàn và bọn lính vừa bị Tự vệ Đỏ Nghi Lộc giết chết, tri huyện Trần Mậu Trinh đã mở cuộc đàn áp khủng bố trắng. Hàng trăm chiến sĩ cách mạng bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, trong đó có đồng chí Nguyễn Trương Khoát. Tại các nhà tù đế quốc, mặc dù bị giam cầm, đánh đập cực hình, nhưng Nguyễn Trương Khoát vẫn luôn tin tưởng vào con đường cách mạng vô sản mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn nhất đinh sẽ thành công. Trong tù, Nguyễn Trương Khoát đã sáng tác nhiều bài thơ để khích lệ tinh thần cho anh em tù chính trị giữ vững niềm tin, tiếp tục đấu tranh chống lại mọi âm mưu thủ đoạn tra tấn và chia rẽ nội bộ của kẻ địch. Với tinh thần lạc quan cách mạng, tại nhà lao Vinh, Nguyễn Trương Khoát đã sáng tác “Bài thơ cảnh tù”: “Trong lao ai bảo cảnh âu sầu ? / Ngẫm kỹ mà xem cũng sướng ru / Lúc tới sân lao quan đứng chực, / Khi ra cửa tía lính theo hầu. / Cơm ngày hai bữa người dâng tới / Ngủ suốt năm canh trống điểm thâu / Trường học anh hùng khi tạm trú / Rồi ra vai cánh với năm châu ”.

Năm 1934, đồng chí Nguyễn Trương Khoát được ra tù đúng dịp Ban Hải ngoại Trung ương Đảng cử các đồng chí Võ Nguyên Hiến và Ngô Tuân (tức Ba Đốc) trở về Nghệ Tĩnh để khôi phục và xây dựng lại các cơ sở Đảng sau thời kỳ Xô viết Nghệ tĩnh bị đàn áp khủng bố trắng. Sau Đại hội đại biểu Mặt trận Việt Minh (8-8-1945), dưới sự lãnh đạo của đồng chí Bí thư Nguyễn Xuân Linh, Nguyễn Trương Khoát và em trai Nguyễn Trương Bờn được chỉ định trong Ban khởi nghĩa, lãnh đạo Nhân dân Nghệ An đấu tranh giành chính quyền. Tháng 3- 1947, đồng chí Nguyễn Trương Khoát được Tỉnh ủy Nghệ An điều động lên Tỉnh ủy. Ngày 6-1-1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ V họp tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, đồng chí Nguyễn Trương Khoát được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy, là Ủy viên trẻ nhất (35 tuổi). Năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Tỉnh ủy Nghệ An tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ VI, đồng chí Nguyễn Trương Khoát được bầu vào BanThường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng Đoàn Chính quyền của tỉnh Nghệ An.

Từ năm 1950 đến 1951, Đảng bộ tỉnh Nghệ An diễn ra hai lần Đại hội. Đại hội lần thứ VII (tháng 5-1950) và Đại hội lần thứ VIII (8- 1951) cả hai lần Đại hội Tỉnh Đảng bộ đồng chí Nguyễn Trương Khoát đều được bầu vào Ban Thường vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 9-1952, đồng chí Nguyễn Trương Khoát được Trung ương Đảng cử sang Trung Quốc nghiên cứu lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin thời gian hai năm. Tốt nghiệp loại xuất sắc, khi trở về, được Trung ương Đảng phân công làm Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Từ tháng 1 năm 1955 đến tháng 7 năm 1956, để thực hiện nhiệm vụ chiến lược lâu dài của hai nước Việt Nam-Campuchia, Trung ương Đảng cử đồng chí Nguyễn Trương Khoát cùng ông Sơn Ngọc Minh, (Chủ tịch Mặt trận Campuchia) đi khảo sát và đã chọn vùng Trịnh Điện tỉnh Thanh Hóa để mở “Lớp huấn luyện đặc biệt”. Trung ương Đảng cử đồng chí Nguyễn Trương Khoát phụ trách lớp huấn luyện đặc biệt này, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “ Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, đồng chí Nguyễn Trương Khoát đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tấm gương sáng về “dân vận khéo”

Sau cải cách ruộng đất, do một số sai lầm nghiêm trọng nên tình hình chính trị trật tự trị an của tỉnh Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn. Lợi dụng sự mâu thuẫn mất đoàn kết trong Đảng, trong dòng họ và ngay cả anh em trong các gia đình, bọn phản động đã xúi dục Nhân dân chống lại Đảng cộng sản, gây mất lòng tin của Nhân dân vào thành quả cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Phần lớn những gia đình tích cực ủng hộ kháng chiến và nhiều gia đình đảng viên trung kiên trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong thời kỳ cải cách ruộng đât đã bị xử oan. Nỗi đau lòng đó đã làm Bác Hồ đau đớn phải rơi lệ. Để ổn định tình hình chính trị và đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, lấy lại lòng tin cho cán bộ và Nhân dân, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã kiên quyết sửa sai. Trong buổi gặp mặt thân mật của Bác Hồ và Trung ương Đảng với đoàn cán bộ sửa sai sau cải cách ruộng đất của hai tỉnh Nghệ - Tĩnh tại Phủ Chủ tịch, sau lời dặn dò, Bác Hồ đã nói: Nếu sửa sai tốt thì Bác sẽ về thăm quê. Biết rằng công việc sửa sai sau cải cách ruộng đât rất khẩn trương, nhưng phải thận trọng và khôn khéo, vừa vận động, tuyên truyền, phải kiên trì thuyết phục. Muốn làm được điều đó thì phải gần dân, nghe dân nói, khôn khéo giải đáp những thắc mắc của Nhân dân. Để được dân tin thì phải củng cố tinh thần đoàn kết trong Đảng từ cấp cơ sở là Chi bộ đến Đảng bộ, Huyện bộ và Tỉnh Đảng bộ, đi đầu là Ban chấp hành các cấp. Qua trải nghiệm và thực tiễn, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chọn đồng chí Nguyễn Trương Khoát, một cán bộ lãnh đạo cao cấp từng trải trên nhiều lĩnh vực hoạt động cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đặc biệt là làm công tác dân vận rất tài giỏi, kiên trì tuyên truyền và gần gũi, biết tin yêu Nhân dân, được cử về Nghệ An trực tiếp lãnh đạo công tác sửa sai.

a8ba12756db7aae9f3a6.jpg
TP Vinh gắn biển tên đường Nguyễn Trương Khoát

Đồng chí Nguyễn Trương Khoát được bổ nhiệm chức vụ là Bí thư Tỉnh ủy về tăng cường cho Nghệ An chỉ đạo công tác sửa sai. Chấp hành lệnh điều động của Trung ương Đảng và Chỉ thị sửa sai của Trung ương, đồng chí Nguyễn Trương Khoát trở về quê hương gánh vác một nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn và phức tạp. Với đức tính điềm đạm, biết lắng nghe, đoàn kết, gần gũi với anh em, bạn bè, đồng chí và Nhân dân; bền bỉ, chân thành, lý luận sắc bén, có tính thuyết phục cao, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trương Khoát luôn kề vai sát cánh cùng Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ Quế và Ban chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An, học tập để quán triệt chủ trương, Chỉ thị sửa sai của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Mỗi lần họp và trao đổi, đồng chí Nguyễn Trương Khoát luôn nhắc nhở các cấp lãnh đạo phải quán triệt tinh thần “dân vận khéo” của Bác Hồ khi tuyên truyền và tiếp xúc với Nhân dân. Để làm gương cho các cấp lãnh đạo học tập công tác “dân vận khéo”, Nguyễn Trương Khoát luôn chọn những điểm “nóng”, đó là các địa phương có nhiều đồng bào giáo dân như vùng Xã Đoài (huyện Nghi Lộc), Quỳnh Thanh (huyện Quỳnh Lưu) và những nơi có nhiều chiến sĩ cách mạng bị xử bắn, bị tịch thu tài sản, quy sai thành phần, oan trái. Sau những ngày đêm gian nan vất vả, gian khổ, nguy hiểm, các đồng chí lãnh đạo Quân khu 4 và Tỉnh ủy Nghệ An rất lo lắng cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Võ Thúc Đồng đã đề nghị với đồng chí Nguyễn Trương Khoát: Những nơi khó khăn, bọn phản động kích động Nhân dân nổi loạn thì nên điều động lực lượng quân đội về khống chế. Đồng chí Nguyễn Trương Khoát không muốn sửa sai bằng vũ trang trấn áp đối với Nhân dân khi họ đang mất lòng tin. Học tập và noi gương Bác Hồ, Nguyễn Trương Khoát đã bình tĩnh và tự tin, trao đổi với đồng chí Võ Trọng Ân (đảng viên 1930, đang giữ chức“Trưởng Công an đặc biệt”) và Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ Quế để thống nhất chọn phương pháp vận động và thuyết phục Nhân dân bằng tuyên truyền, vận động và thuyết phục (hòa bình). Kiên quyết không sử dụng lực lượng vũ trang, gây ảnh hưởng không tốt cho Nhân dân. Làm theo lời Bác Hồ đã dạy “Dân vận khéo”, đồng chí Nguyễn Trương Khoát đã kiên trì lắng nghe dân nói trong mỗi cuộc họp, thái độ khiêm tốn, tin dân. “Mưa dầm thấm lâu” Nguyễn Trương Khoát đã được dân nghe, dân tin và dân ủng hộ. Trong các cuộc họp đánh giá công tác sửa sai, đồng chí Nguyễn Trương Khoát tươi cười nói với các đồng chí đảng viên rằng: Đúng là:“Khó trăm lần dân liệu cũng xong” quả không sai. Và Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sửa sai, lấy lại niềm tin cho quần chúng Nhân dân đối với Đảng, lập lại trật tự trị an như lòng mong mỏi của Bác Hồ và Chính phủ. Năm 1957, những thành sửa sai ở Nghệ An là món quà quý dâng lên Đảng và Bác Hồ kính yêu. Niềm vui mừng đến với Đảng bộ và Nhân dân khi được Bác Hồ về thăm quê hương sau hơn 50 năm xa cách. Tối 13-6-1957, được ở gần Bác Hồ tại nhà khách Tỉnh ủy Nghệ An đã để lại cho đồng chí Nguyễn Trương Khoát những dấu ấn, tình cảm và bài học vô giá về đạo đức, phong cách của Người ...

Giữa năm 1961, Trung ương Đảng đã điều động đồng chí Nguyễn Trương Khoát ra Trung ương, phụ trách Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Trương Khoát đã có nhiều đóng góp trên lĩnh vực khoa học cho nền kinh tế nước nhà, góp phần cùng toàn dân đánh thắng cuộc leo thang của giặc Mỹ ra miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam với ý chí: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Ngày 02-7- 2008, đồng chí Nguyễn Trương Khoát đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 96 tuổi, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội. Để học tập và nêu gương tinh thần yêu nước và cách mạng của đồng chí Nguyễn Trương Khoát - Nhà cách mạng, Nhà Thơ, Nhà khoa học, vị đại biểu Quốc hội đức độ, đa tài, người con ưu tú của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An; Đảng, Chính phủ, các đoàn thể đã tôn vinh và tặng thưởng đồng chí:

- Huân chương Hồ Chí Minh(Truy tặng năm 2012).

- Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

- Huân chương Độc lập hạng Nhất (1986).

- Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.

- Huân Chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

- Kỷ niệm Chương các chiến sỹ cách mạng bị tù đày và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nhà thờ Chi nhánh Họ Nguyễn Trương (làng Nại, Nghi Xá huyện Nghi Lộc ), nơi đồng chí NguyễnTrương Khoát đã chọn làm địa điểm hoạt động cách mạng thời kỳ chống Pháp đã được cấp bằng là di tích Lịch sử Văn hóa của tỉnh Nghệ An; Đồng chí Nguyễn Trương Khoát cũng đã được đặt tên cho một đường phố (địa bàn phường Hà Huy Tập) của thành phố Đỏ Anh hùng; Tỉnh ủy Nghệ An đã vinh danh cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Trương Khoát trong sách: “Nghệ An những tấm gương Cộng sản” Tập III./.