Những vụ việc bạo lực học đường liên tiếp xảy ra thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn vốn gây nhức nhối nhiều năm nay. Câu hỏi: “Làm thế nào để bảo vệ con em chúng ta khỏi bạo lực học đường?” đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Tâm lý học, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) để trả lời câu hỏi trên, cũng như có cái nhìn đa chiều hơn về vấn nạn bạo lực học đường.

nth_2733-1681975825063.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý học, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - (Ảnh: Trần Hiệp)

Vì sao các vụ bạo lực học đường vẫn liên tiếp xảy ra?

- Thưa PGS.TS Trần Thành Nam. Có thể nói, với vấn nạn bạo lực học đường, chúng ta đã bàn luận nhiều năm nay. Mỗi vụ việc xảy ra, chúng ta đều thấy dư luận bức xúc lên tiếng, các trường học và đơn vị có liên quan sau đó cũng đưa ra các giải pháp để xử lý, ngăn chặn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các vụ việc vẫn liên tiếp xảy ra dưới nhiều hình thức. Theo ông, nguyên nhân là gì?

PGS.TS Trần Thành Nam: Công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn bạo lực học đường giống như “đẩy xe lên dốc”. Nếu dừng lại, chúng ta có thể bị lùi lại ngay.

Có thể thấy rằng sau bối cảnh đại dịch Covid-19, mặc dù cả nước đã trở lại giai đoạn bình thường mới nhưng tỷ lệ học sinh gặp những vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần (như căng thẳng, stress, lo âu, trầm cảm,…) khi quay lại trường học lại cao hơn.

Lý do bởi khi sau 2 - 3 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, tất cả nguồn lực hoặc dịch vụ cho công tác phòng ngừa bạo lực học đường trong nhà trường có thể chưa được tái kích hoạt một cách đầy đủ. Ví dụ như các hệ thống, phòng tâm lý học đường đã có một số bộ phận bị tê liệt. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy bản thân các gia đình, về an sinh, tài chính của họ đã gặp những vấn đề, bởi vậy bố mẹ dường như thiếu cam kết hơn trong việc chú ý đến vấn đề của con cái.

Trong khi đó, sau khoảng thời gian học online, các em đang có thói quen gắn kết quá mức với không gian mạng xã hội, mà không gian ấy tràn ngập các chủ đề liên quan đến bạo lực hay những nội dung không phù hợp. Điều này có thể làm thay đổi cách nhìn của rất nhiều em rằng: mình có thể ứng xử theo cách bạo lực với người khác để đạt được điều mình muốn, đây là điều mình có thể chấp nhận được,…

Như vậy, đây là giai đoạn rất nhạy cảm với các vấn đề về bạo lực học đường. Chính tổ chức Y tế thế giới cũng đã nói rằng sau khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 sẽ đến khủng hoảng về sức khỏe tâm thần, dẫn đến một số vấn đề về hành vi trong xã hội.

- Ở góc độ chuyên gia tâm lý, ông có thể cho biết, những đứa trẻ khi bị bạo lực học đường đã phải trải qua những gì? Vì sao nhiều em lại có tâm lý muốn kết thúc cuộc đời?

PGS.TS Trần Thành Nam: Những nạn nhân của bạo lực học đường sẽ trải qua rất nhiều tổn thương về mặt thể chất. Bên cạnh đó, vấn đề khó nhận diện hơn là những tổn thương về mặt sức khỏe tâm thần.

Nạn nhân của bắt nạt bao giờ cũng ở trong tâm trạng rất lo lắng, bất an, cảm thấy tự ti, thấy mình không có giá trị, thấy bị cô lập, không được yêu thương. Và những kẻ bắt nạt luôn tìm đủ mọi cách làm cho nạn nhân lo lắng, sợ hãi, không dám tiết lộ các vụ việc với người xung quanh. Do đó, nạn nhân thường có xu hướng hơi trầm cảm hoặc lo lắng.

untitled-1681975864122.jpg
Nạn nhân của bạo lực học đường thường có xu hướng trầm cảm hoặc lo lắng (Hình minh họa)

Trong một số tình huống, khi sự việc bị tiết lộ ra nhưng người xung quanh không có những hành vi hỗ trợ tâm lý và trợ giúp để dừng việc bắt nạt lại một cách phù hợp, sẽ dễ làm cho nạn nhân rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Ở trong trạng thái tuyệt vọng đó, nạn nhân có thể nảy sinh ý tưởng tự hại bản thân, thậm chí là tự sát.

Về hoạt động chức năng, tất cả học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường hay của bắt nạt, hoạt động chức năng của các em đều bị đi xuống như: các em không có khả năng tập trung học tập, không có khả năng phát huy tư duy sáng tạo. Các em cũng có thể phản ứng một cách thiếu thân thiện, dễ cáu gắt với bất cứ hướng dẫn hoặc yêu cầu nào đó trong lớp,…

Rất nhiều thủ phạm bắt nạt trước đây cũng là nạn nhân

- Vậy nhìn từ phía những đứa trẻ đi bạo lực bạn, ông có thể phân tích tâm lý của những đứa trẻ này? Nguyên nhân nào có thể khiến các em có xu hướng bạo lực?

PGS.TS Trần Thành Nam: Có thể nói, bắt nạt không tự nhiên sinh ra, mà được tập nhiễm theo cơ chế học tập xã hội. Rất nhiều thủ phạm bắt nạt trước đây cũng là nạn nhân, tức là người bị bắt nạt.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhóm này đầu tiên có thể bị bắt nạt trong chính gia đình, tức bố mẹ cũng dùng những hành xử, trừng phạt rất khắc nghiệt với các em; hay chịu sự bắt nạt từ những người xung quanh (như anh em trong nhà, các bạn trong khu tập thể,…). Do đó, các em bắt đầu tập nhiễm dần thói quen ứng xử thiếu thân thiện với người khác.

Bên cạnh đó, thông thường, những thủ phạm của bắt nạt cũng bị tập nhiễm quá nhiều chất liệu bạo lực trong cuộc sống, ngoài trực tiếp từ người khác còn từ môi trường mạng. Người ta đã có những nghiên cứu cho thấy, với một đứa trẻ 6 tuổi, những lời nói, hình ảnh tiêu cực mang tính chất bạo lực có thể được các em tiếp cận nhiều hơn khoảng 14 lần so với những lời nói, sự kiện tích cực. Ở giai đoạn dậy thì (khoảng 12 tuổi), tỷ lệ thông tin tiêu cực các em tiếp nhận thậm chí gấp 30 lần so với thông tin tích cực.

Sự phổ biến, các thuật toán mạng xã hội làm cho tất cả những gì được mọi người xem và “nhấn like” sẽ xuất hiện trên bảng tin, được giới thiệu cho người khác. Những nội dung này nếu không được kiểm soát, là nội dung mang tính chất không phù hợp hoặc bạo lực sẽ ngày càng ảnh hưởng đến thế giới quan, nhận thức của giới trẻ về thế giới xung quanh. Từ đó, các em có thể vì mục tiêu, điều mình mong muốn mà sử dụng những cách hành xử không thân thiện, bạo lực để đạt được quyền lợi.

nth_2706-1681975911742.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam trong chương trình Talkshow của Báo Đại biểu Nhân dân (Ảnh: Trần Hiệp)

Dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị bạo lực học đường

- Có những dấu hiệu nào để nhận biết một đứa trẻ đang bị bạo lực học đường, nhất là những trẻ đang có suy nghĩ tiêu cực sau thời gian dài bị bạo lực không, thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi nghĩ rằng với sự để tâm của bố mẹ một cách chăm chú hơn, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các dấu hiệu con bị bạo lực.

Bạo lực thân thể dễ nhận ra hơn. Đơn cử như sách vở, quần áo của trẻ tự nhiên bị rách, hỏng hóc; đồ dùng học tập có thể bị hư hại. Rồi có thể con nói bị ngã, nhưng lại thấy có những dấu hiệu xây xát, bầm tím bất thường trên cơ thể.

Dấu hiệu khó nhận diện hơn là ở mặt tinh thần. Nếu chúng ta thấy cảm xúc của con thay đổi một cách đột ngột, những gì trước đây hứng thú nay không còn hứng thú nữa; hay đứa trẻ cứ nói rằng không thích đến trường hoặc từ chối đến trường, đề nghị bố mẹ chuyển lớp, chuyển cô giáo cũng là dấu hiệu cần phải nghi ngờ. Một dấu hiệu khác là đứa trẻ tìm cách trốn học, tìm cách bỏ tiết; con luôn phải đi đường xa, đường vòng để đến trường.

Rồi trong hành vi ứng xử hằng ngày, đột nhiên đứa trẻ thu mình lại, không tương tác với những người bạn mà trước đây con từng tương tác nữa. Đôi lúc, chúng ta cảm thấy con trở nên cảm xúc quá mức hoặc cáu gắt quá mức. Rồi con có nhiều điều bí mật giấu cha mẹ, ví dụ chúng ta vào phòng đột ngột thì thấy con có phản xạ bất bình thường như giật mình quá mức.

Tất cả những dấu hiệu này, bố mẹ đều cần đặt ra giả thuyết liệu rằng có vấn đề gì xảy đến với con hay không. Và trong rất nhiều vấn đề, bạo lực học đường hay bị bắt nạt, tẩy chay, cô lập ở trường là giả thuyết chúng ta nên đưa ra để kiểm tra.

Cần sự phối hợp giữa cả gia đình, nhà trường và xã hội

- Thưa PGS.TS Trần Thành Nam. Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là chúng ta cần làm gì để phòng ngừa bạo lực học đường, bảo vệ con em mình? Ông có thể đưa ra giải đáp?

PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi cho rằng chúng ta cần có sự phối hợp giữa cả gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội để ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường.

Đối với nhà trường, cần thiết lập một hệ thống sàng lọc định kỳ để xác định được học sinh nào đang có những vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần, có nguy cơ về các vấn đề tâm lý, hay vấn đề hành vi có thể dẫn đến bạo lực.

Chúng ta phải có một quy trình, trong đó có phương thức thuận lợi để mọi người khiếu nại về các hành vi thiếu thân thiện hoặc bạo lực trong nhà trường. Sau đó, phải có quy trình từ khi tiếp nhận thông tin phản ánh khiếu nại về bạo lực, đến biện pháp xử lý thế nào. Xử lý ở đây không phải chỉ theo cách kỷ luật kẻ bắt nạt. Đừng nghĩ rằng chuyển kẻ bắt nạt đi là xong, vì có thể sẽ có những nhóm khác, những người “a dua” lên thay thế. Quan trọng ở đây, cần giáo dục cho học sinh về sự thấu cảm.

Cụ thể: Khi nhận được một khiếu nại, các bên xử lí thế nào? Hỗ trợ tâm lý, tìm hiểu nhu cầu của nạn nhân thế nào? Tiếp cận với thủ phạm ra sao? Giáo dục cho thủ phạm về sự thấu cảm như thế nào? Có biện pháp để ngăn ngừa, không chỉ thủ phạm tái diễn hành vi mà cả những kẻ đồng lõa, những người a dua bắt nạt?

Chúng ta cũng nên có những chương trình giáo dục cho giáo viên về cách thức quản lý lớp tích cực, giáo dục cho cha mẹ cách ứng xử với con theo kỷ luật tích cực để không làm hình mẫu xấu, hình mẫu bạo lực cho con cái. Bên cạnh đó, phải đưa ra những nguyên tắc ứng xử cho học sinh. Những giá trị yêu thương, an toàn , tôn trọng cần được cụ thể hóa trong các hành vi ở lớp học, ngoài lớp học.

Nếu trong trường có những góc khuất là nơi kẻ bắt nạt thường xuyên kéo bạn học vào đó để tiến hành hành vi bạo lực, nhà trường nên bố trí camera và phải có những biện pháp để quản lý mọi lúc, mọi nơi.

Đặc biệt, không chỉ từ phía nhà trường, gia đình, chúng ta cũng cần các tổ chức địa phương tham gia vào quy trình này. Bởi bạo lực học đường không chỉ diễn ra trên trường, mà có thể diễn ra trên đường các em về nhà, từ nhà đến trường, rồi có thể diễn ra trên mạng xã hội. Tất cả mọi người cùng chung tay mới có thể giúp cho môi trường học đường trở nên an toàn hơn.

Tôi nhấn mạnh lại, cần có sự nhất quán trong chương trình từ phòng ngừa đến can thiệp, giáo dục, thuyết phục và những chương trình đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng chống bạo lực học đường. Chúng ta nên có sự tiếp thu những mô hình đã được quốc tế và những nghiên cứu trong nước chứng minh để áp dụng vào trong các nhà trường.

Công tác bảo vệ học sinh khỏi bạo lực học đường cũng liên quan đến nguồn lực, tức phải có một số hoạt động cần nguồn tài chính. Cho nên theo tôi, nội dung về xây dựng trường học hạnh phúc hay phòng chống bạo lực học đường phải là nội dung được đưa vào những báo cáo về tài chính, là một đầu mục cần có nguồn lực duy trì để vận hành.

Cần trả lại vai trò, vị trí của nhà tham vấn trong trường học

- Trước tình hình bạo lực học đường đã trở thành vấn đề cấp bách hiện nay, theo ông, đâu là giải pháp trọng tâm cần thực hiện sớm để giảm thiểu thực trạng này?

PGS.TS Trần Thành Nam: Khi vấn đề bạo lực học đường đã trở thành vấn đề cấp bách, chúng ta cần đặt ra những giải pháp trọng tâm.

Tôi cho rằng, việc trả lại vai trò, vị trí của nhà tham vấn trong trường học cũng như vai trò của phòng tâm lý tư vấn học đường là giải pháp rất cần thiết.

Nhà tham vấn phải trở thành kiến trúc sư của ngôi trường hạnh phúc, là người thiết lập ra các quy trình phòng ngừa can thiệp ban đầu, can thiệp chuyên sâu, kết nối các nguồn lực, làm việc với giáo viên và cha mẹ để điều hòa tất cả mối quan hệ. Từ đó, giúp cho học sinh có thể “vệ sinh” sức khỏe tâm thần, có kỹ năng giải quyết vấn đề và kiểm soát cảm xúc; điều hòa tất cả mâu thuẫn, xích mích nhỏ không trở thành những vụ việc nghiêm trọng.

Và trong công cuộc phòng chống bạo lực học đường, chúng ta cần sự tham gia, sự cam kết của cả phụ huynh và các cơ quan, cộng đồng xã hội. Không thể để nhà trường “đơn độc” trong hành trình này.

- Với các học sinh đang là nạn nhân của bạo lực học đường, đã phải trải qua nhiều tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, ông có lời nhắn nhủ gì dành cho các em?

PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi muốn nhắn nhủ rằng, các em phải tự nhủ trong đầu, việc chúng ta chia sẻ với người khác là điều dũng cảm. Các em không làm gì sai và xứng đáng được ứng xử, đối xử một cách tốt hơn.

Những hành động của các em, từ việc báo cáo với người xung quanh, đấu tranh với những hành vi bắt nạt hoặc bạo lực không chỉ giúp em trưởng thành, phát triển hơn mà còn góp một phần nhỏ cho việc giảm vấn nạn bạo lực học đường với tất cả học sinh khác.

Hãy tiếp tục cố gắng để có những ứng xử đúng đắn, chia sẻ với những người có trách nhiệm, những người có thể giúp đỡ các em. Hãy bảo vệ bản thân mình thật an toàn vì tương lai vẫn còn chờ các em ở phía trước.

- Xin cảm ơn PGS.TS Trần Thành Nam!