Do vậy, không chỉ với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, mà toàn bộ dự thảo Luật đều cần được tiếp tục rà soát, hoàn thiện nhằm bảo đảm tính khả thi cao nhất, sớm đi vào cuộc sống.
Làm rõ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công

Cho biết về tiến độ thực hiện tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ Tư, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 45 Điều; bổ sung 2 Điều; chuyển nội dung 2 Điều sang điều khác; bãi bỏ 2 Điều và sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, đáng lưu ý, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, quy định về trách nhiệm của người tiêu dùng (khoản 3, Điều 5) được bổ sung theo hướng yêu cầu phải có trách nhiệm bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trường hợp người tiêu dùng đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc pháp luật có liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết, để làm rõ hơn việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

tran-manh-hung-ct-luat-quoc-te.jpg
Ông Trần Mạnh Hùng, đại diện Công ty Luật Quốc tế Baker McKenzie Việt Nam

Có áp dụng người tiêu dùng là tổ chức không?

Qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, hiện còn hai vấn đề còn cần xin ý kiến là khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3) và thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Mục 5 Chương V). Trong đó, đối với khái niệm người tiêu dùng, có luồng ý kiến đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật. Bởi, trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức.

Quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của cách quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, quy định này kế thừa quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành và Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999. Đồng thời, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặc dù quy định về vấn đề này tương đối khác nhau nhưng pháp luật một số nước vẫn điều chỉnh người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức.

Tuy nhiên, ở phía còn lại đồng tình với phương án được Chính phủ trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư là không đưa "tổ chức" vào khái niệm người tiêu dùng. Nguyên nhân do, tại báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công thương đã nêu rõ, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít.

Bên cạnh đó, pháp luật tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới chỉ tập trung điều chỉnh đối tượng người tiêu dùng là cá nhân. Chính vì thế, các quy định trong dự thảo Luật nên tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cá nhân. Do vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất hai phương án tiếp thu trong dự thảo Luật để xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Hội thảo lấy ý kiến mới nhất về dự án Luật do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, đại diện Công ty Luật Quốc tế Baker McKenzie Việt Nam Trần Mạnh Hùng thể hiện sự đồng tình với phương án không đưa "tổ chức" vào khái niệm người tiêu dùng. "Các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đức, Nhật Bản, Singapore đều chỉ quy định theo hướng điều chỉnh người tiêu dùng là cá nhân, không bao gồm tổ chức", ông Trần Mạnh Hùng nói.

Bên cạnh đó, ông Trần Mạnh Hùng cũng cho rằng thuật ngữ "người tiêu dùng" đang có phạm vi quá rộng, bao gồm cá nhân hoạt động mua, sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ ở bất cứ đâu trên thế giới, không giới hạn ở đối tượng là người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, để hoàn thiện quy định về định nghĩa người tiêu dùng, đại diện công ty Luật Quốc tế Baker McKenzie Việt Nam kiến nghị bổ sung cụm từ "tại Việt Nam" hoặc "trên lãnh thổ Việt Nam" vào sau cụm từ "người tiêu dùng là cá nhân" tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật.

Có thể thấy, trọng tâm của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng chính là người tiêu dùng, nên nội hàm của khái niệm này sẽ là kim chỉ nam cho các nội dung khác được quy định trong dự án Luật, nhất là phạm vi điều chỉnh. Trong khi đó, vấn đề áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nếu đối chiếu với quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể tìm được phương án xử lý chính xác và khoa học. Tất nhiên, khi lựa chọn bất kỳ phương án nào đều cần cân đối nhiều yếu tố để bảo đảm có tính khả thi cao nhất, không chỉ nhìn vào nhu cầu của các chủ thể pháp luật.