Quy định để xác định thế nào là hành vi bạo lực gia đình là một nội dung quan trọng của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Điều 3 dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hành vi được xác định là bạo lực gia đình. Dù hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của các nhóm hành vi bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục hoặc kinh tế, song Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu thực tế hành vi bạo lực gia đình tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau nên nếu quy định khái quát thành bốn nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình của từng vụ việc. Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các hành vi để tránh trùng lắp và bỏ sót các hành vi bạo lực gia đình.
Tán thành với cách tiếp cận trên, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần cân nhắc khi quy định mở rộng áp dụng Khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật đối với thành viên gia đình là cha mẹ, con, anh chị em, vợ chồng đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng và con của họ và người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.
Thực tế có những người không còn quan hệ gia đình về mặt pháp lý, nhưng vẫn có những mối quan hệ ràng buộc, nhất là khi có con chung nên vẫn có những quan hệ mang tính chất gia đình. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến một số trường hợp không hợp lý. Ví dụ, hành vi bỏ mặc không quan tâm nuôi dưỡng, chăm sóc phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ (Điểm d Khoản 1 Điều 3) xảy ra giữa các thành viên gia đình hợp pháp thì sẽ không có gì phải băn khoăn, nhưng nếu mở rộng áp dụng đối với các đối tượng nêu trên có lẽ không phù hợp.
Làm rõ hơn vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, không phải tất cả mọi hành vi được liệt kê ở Khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật đều đương nhiên áp dụng với những đối tượng không còn trong quan hệ hôn nhân gia đình. Việc xác định hành vi bạo lực gia đình đều được xem xét trong những trường hợp, hoàn cảnh cụ thể, gắn với trách nhiệm của các đương sự trong mối quan hệ đó.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, để quy định về hành vi bạo lực gia đình phù hợp hơn thì cần minh định bạo lực gia đình gồm hai yếu tố: bạo lực và gia đình. Nếu dự thảo Luật không quy định rõ những người đã ly hôn không chung sống với nhau trong cùng một gia đình thì phạm vi điều chỉnh tại Điều 3 là chưa phù hợp với thực tiễn. “Cần rà soát, nghiên cứu để quy định rõ chỉ xác định có hành vi bạo lực của người đã ly hôn trong một số trường hợp nào đó”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Nhận diện cụ thể, bao quát toàn diện hành vi bạo lực gia đình
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng băn khoăn với quy định hành vi bạo lực gia đình tại dự thảo Luật. Bởi tại Điểm e Điều 3 quy định hành vi "ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh". Khi thảo luận tổ về dự án này có đại biểu Quốc hội đã chỉ ra việc "có con, cháu 16 - 17 tuổi cuối tuần không chịu đi học mà cùng nhóm bạn đi chơi song gia đình không cho. Khi gia đình không cho đi thì con, cháu tố cáo là bị bạo lực gia đình. Vậy trong trường hợp này có xác định là bạo lực gia đình hay không?". Hay như quy định về cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, thực tế rất nhiều bố mẹ, gia đình ngoài việc học chính thức ở trường sẽ bắt con đi học thêm suốt. "Những hành vi đó mà con tố cáo thì có phải là hành vi bạo lực gia đình không?". Hay việc cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính cũng được coi là bạo lực gia đình. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, ở nước ngoài mặc dù là vợ chồng nhưng cũng không thể biết, không thể kiểm soát thu nhập của nhau, chồng có tài khoản riêng, vợ có tài khoản riêng. Trong khi đó, ở Việt Nam, vợ chồng có tài khoản chung, thậm chí vợ lấy luôn thẻ ATM của chồng thì hành vi này có phải bạo lực gia đình không?
Giải trình các vấn đề được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc nhận diện hành vi cụ thể có phải là bạo lực gia đình hay không rất khó. Ngay các cơ quan truyền thông cũng đặt vấn đề liệu không nghe điện thoại có phải là bạo lực không. “Nếu như cứ đi vào từng vụ việc cụ thể để cố gắng khu trú lại từng hành vi thì quả thực là rất khó. Cơ quan soạn thảo cố gắng phân ra làm 4 nhóm và nhận diện thành 16 biểu hiện, cơ bản bao quát được tình hình lĩnh vực, đặc biệt nhận diện sâu hơn về bạo lực tinh thần”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Do còn có những băn khoăn đối với quy định cụ thể về các hành vi bạo lực gia đình, kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp rà soát kỹ lưỡng hơn để bảo đảm quyền của công dân nhưng cũng phải tránh bỏ sót hành vi bạo lực gia đình trong thực tế.
Thanh Hải Nguồn: Báo ĐBND