Trong khuôn khổ thời gian 01 buổi, Hội nghị đã được nghe 12 tham luận, phát biểu của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp du lịch tham dự hội nghị; tập trung phân tích, đánh giá, góp phần làm rõ kết quả thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025 và kiến nghị về chính sách, giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch, du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Về thực trạng phát triển du lịch miền Tây Nghệ An
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội nhấn mạnh vùng miền Tây có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cả về tự nhiên và xã hội, nhân văn. Nơi đây có địa hình đa dạng, núi non hùng vĩ, sông suối mật độ dày, là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hoá… mang đậm nét văn hóa vùng miền của các dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu,…
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, du lịch miền Tây Nghệ An ngày càng phát triển, nhiều điểm du lịch đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân như mô hình Bảo tàng Thiên nhiên - Văn hóa mở tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Thác Kèm, Thác sao va, Thác Bảy tầng; Điểm du lịch cộng đồng, sinh thái Bản Xiềng - Pha Lài - sông Giăng (huyện Con Cuông); Khu du lịch sinh thái Hòn Mát (huyện Nghĩa Đàn), Khu du lịch sinh thái HDT (huyện Thanh Chương) và Du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu), Điểm du lịch tại xã Mường Lống 1 (huyện Kỳ Sơn)….
Tuy nhiên nhìn chung, sự phát triển của du lịch miền Tây Nghệ An vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế như: sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa tạo ra được các dịch vụ đi kèm; hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của khách; chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, nhiều bản sắc văn hóa bị mai một… vì vậy doanh thu từ du lịch còn khiêm tốn, chưa tạo được bước chuyển trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.
Về đánh giá kết quả đạt được sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025
Qua báo cáo đánh giá của Sở Du lịch và ý kiến phát biểu của các địa phương cho thấy sau 3 năm thực hiện Nghị quyết kết quả đã thực hiện hỗ trợ cho 36 hộ gia đình, 12 xóm, bản tại 9 huyện tại 12 điểm du lịch cộng đồng tại các huyện: Con Cuông, Qùy Hợp, Qùy Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong, Tân Kỳ, Nam Đàn, Anh Sơn, Tương Dương xây dựng điểm du lịch cộng đồng với tổng kinh phí thực hiện 6.420 triệu đồng. Việc thực hiện nghị quyết đã góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ cho sự phát triển du lịch cộng đồng còn nhỏ lẻ, phân tán, sản phẩm du lịch cộng đồng còn có sự trùng lặp giữa các địa phương…
6 nhóm giải pháp phát triển du lịch miền Tây Nghệ An theo tinh thần Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới
Đồng chí Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng trên cơ sở nghiên cứu thực trạng phát triển du lịch miền Tây Nghệ An với những khó khăn, bất cập đang tồn tại, các đại biểu dự hội nghị đã đề xuất nhiều định hướng, giải pháp thiết thực nhằm phát triển du lịch miền Tây Nghệ An theo tinh thần Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 6 giải pháp cụ thể như sau:
1. Quán triệt, cụ thể hóa và triển khai các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 08/CT-TTg, đặc biệt là định hướng phát triển xuyên suốt của Du lịch là: "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh thân thiện". Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cả vùng miền Tây Nghệ An nói riêng và của cả tỉnh nói chung. Tập trung phát triển du lịch vùng miền Tây Nghệ An với phương châm "Liên kết chặt chẽ - Phối hợp nhịp nhàng - Hợp tác sâu rộng - Bao trùm toàn diện - Hiệu quả bền vững”, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Rà soát, xây dựng quy hoạch phá
t triển du lịch vùng miền Tây Nghệ An, lựa chọn địa phương trọng tâm, xây dựng mỗi địa phương, mỗi điểm du lịch có điểm nhấn riêng để thu hút khách du lịch, tránh sự dàn trải, trùng lặp và không có điểm nhấn. Các địa phương được lựa chọn phát triển du lịch cần đánh giá tiềm năng, lợi thế du lịch để lựa chọn thống nhất loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng của mình để tránh trùng lặp về sản phẩm du lịch với các địa phương khác.
3. Phát triển du lịch trên cơ sở sự phát triển hài hoà, bền vững của các mục tiêu
kinh tế - xã hội của vùng miền Tây Nghệ An nói chung và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện. Khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch và chú trọng sản phẩm du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, nông thôn; đồng thời chú trọng các không gian phát triển du lịch của hai vùng: Nghĩa đàn, Thái Hoà, Tân Kỳ, Anh sơn, Con cuông, Tương dương, Kỳ sơn… phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn dọc Quốc lộ 7 và đường Hồ Chí Minh, Quỳ hợp, Quỳ châu, Quế phong trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
4. Rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND hoặc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ có tính đột phá hơn, mạnh hơn để phát triển du lịch vùng miền Tây Nghệ An. Đồng thời, đề nghị ngành du lịch chủ động sớm tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh các chính sách cụ thể để phát triển du lịch theo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh, trong đó tập trung các nhóm ưu tiên như: (1) khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; (2) phát triển sản phẩm du lịch; (3) nhóm nghiên cứu, phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch; (4) nhóm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...
5. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông kết nối từ các tuyến quốc lộ vào các điểm khai thác du lịch. Kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao (cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, Khu vui chơi giải trí, cơ sở sản xuất, giới thiệu các đặc sản của địa phương), khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng ở hai tuyến Quốc lộ 7A và Quốc lộ 48 để tạo điểm thu hút khách, từ đó lan tỏa ra toàn vùng.
6. Quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng đa dạng hơn. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong đó có người dân tham gia hoạt động du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá cho du khách trong và ngoài nước về những vẻ đẹp độc đáo của du lịch miền Tây Nghệ An thông qua các mạng xã hội, kênh truyền thông, báo chí trong và ngoài tỉnh, các ấn phẩm quảng bá du lịch và quà tặng du lịch. Đẩy mạnh liên kết ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch cộng đồng. Tăng cường định hướng liên kết du lịch giữa các địa phương, các vùng miền; gắn các địa điểm du lịch với các tua, các tuyến du lịch.