Theo ông Hiểu, để chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hai năm qua, việc đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu đã không được thực hiện. Hiện nay, với việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động bình thường. Ngoài các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, đã có một bộ phận doanh nghiệp phát triển tốt, có doanh nghiệp có đột phá về doanh thu, lợi nhuận do là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh.
Do đó, ông Hiểu cho rằng, yêu cầu tăng lương tối thiểu càng trở nên cấp thiết và không để lỗi hẹn với sự mong chờ của người lao động. Doanh nghiệp phải coi tăng lương là đầu tư, hãy chia sẻ khó khăn với người lao động, chấp nhận ít lợi nhuận, không lợi nhuận, thậm chí có thể lỗ trong ngắn hạn vì người lao động, vì người lao động không thể thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện phục vụ nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt, đời sống hàng ngày...

Không phải chỉ khi dịch Covid-19 bùng phát mà ngay cả trong điều kiện bình thường, mức lương cơ sở cũng chưa thể đáp ứng đời sống tối thiểu của người lao động. Bởi vậy, việc tăng lương là đòi hỏi chính đáng, thế nhưng có tăng hay không và nếu tăng thì mức tăng như thế nào còn tùy thuộc vào cách nhìn của các bên.

Thực tế, việc đàm phán mức tăng lương tối thiểu vùng những năm trước đây thường khó tìm được tiếng nói chung giữa đại diện người lao động và đại diện doanh nghiệp - ngoại trừ việc thống nhất không tăng lương năm 2021. Thường thì phía đại diện người lao động đề xuất một mức, phía doanh nghiệp đề xuất một mức, thậm chí đề nghị không tăng. Ví dụ như tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia về tăng lương tối thiểu năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị mức lương tối thiểu từ 160.000 - 330.000 đồng, tức khoảng 7,06%. Phương án khác là mức tăng lương tối thiểu sẽ từ 180.000 - 380.000 đồng, tương đương tăng 8,18%.

Phía đại diện doanh nghiệp thì cho rằng, việc chi trả lương thực tế của các doanh nghiệp nhiều năm qua đã cao hơn mức lương tối thiểu, trong khi đó, tăng lương tối thiểu làm tăng chi phí của doanh nghiệp... Bởi vậy, các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị không nên điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng mà nên thực hiện thương lượng tập thể. Hoặc nếu có tăng thì nên căn cứ vào khả năng để doanh nghiệp phát triển, bởi thực tế hiện nay, cứ 3 doanh nghiệp thành lập mới thì 2 doanh nghiệp không thể tồn tại... Hay như năm 2015, dù mất tới 4 tiếng để tranh luận nhưng phiên họp ngày 25.8.2015 của Hội đồng Tiền lương quốc gia nhằm thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã không đạt kết quả...

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tác động lớn đến việc làm của người lao động. Do vậy, khó có thể yêu cầu tăng lương nếu doanh nghiệp vẫn đang thực sự khó khăn. Nhưng cũng không thể không tăng lương khi đời sống của người lao động chưa được bảo đảm, dù ở mức tối thiểu. Bởi vậy, cái chính ở đây là đưa ra mức tăng, thời điểm hợp lý hoặc có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm đời sống cho người lao động vì xét cho cùng, doanh nghiệp sẽ không tồn tại, không phát triển nếu không tuyển dụng được lao động. Về phía người lao động, sẽ không thể kiếm được việc làm, không có thu nhập nếu không có doanh nghiệp.

Ninh Hà