Quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 2 Điều 9, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ) là một trong những nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến trong các phiên thảo luận tại hội trường và tại tổ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã có văn bản xin ý kiến Đại biểu Quốc hội về nội dung này trước khi dự án luật được Quốc hội thông qua. Trong đó, có 2 phương án được xin ý kiến.

Phương án 1: Quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Phương án 2: Quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tương tự quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

nong-do-con-mung-2-tet-500-1467.jpg?width=0&s=gwmrWXx759rE7roj56rE9g
CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn với tài xế dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Đình Hiếu

Với phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ưu điểm là tiếp tục kế thừa quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Quy định góp phần phòng ngừa vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, làm giảm tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm ẩn do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản.

Khi áp dụng phương án 1 đang phát huy kết quả tốt, được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện. Không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tốt hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định...

Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn có thể làm thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người dân Việt Nam trong sinh hoạt văn hóa như đám hiếu, hỷ, liên hoan, lễ, Tết…; làm giảm mức tiêu thụ đồ uống có cồn và tác động tới việc làm, thu nhập của một bộ phận người lao động và người chủ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.

Có 31/50 Đoàn Đại biểu Quốc hội và 9 Đại biểu Quốc hội phát biểu, thảo luận tại hội trường tán thành với phương án 1. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an (cơ quan soạn thảo) nhất trí với phương án 1. 25 thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến, trong đó có 22 thành viên nhất trí.

Với phương án 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ưu điểm là không làm thay đổi thói quen của một bộ phận người sau khi đã sử dụng rượu, bia vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Ít tác động tới mức tiêu thụ đồ uống có cồn, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn và tác động tới người lao động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là tiếp tục có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các vụ TNGT đường bộ, dẫn đến nguy cơ làm tăng hậu quả, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Ngoài ra, người uống rượu, bia khó xác định ngưỡng để dừng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý; nguy cơ xảy ra các vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có va chạm giao thông bị kích thích do đã sử dụng rượu, bia.

Có 19/50 Đoàn Đại biểu Quốc hội và 7 Đại biểu Quốc hội phát biểu, thảo luận tại hội trường đồng ý với phương án này. 3 Đại biểu Quốc hội đề nghị đưa ra 2 phương án xin ý kiến; có 25 thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến, trong đó 3 thành viên nhất trí phương án 2.

Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào sáng 27/6.