bna_img_9814-4b9218fc97fda175b7c2e05a195d70a4.jpg
Cán bộ, công chức xã Vạn An làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Ảnh: Thành Duy

Khi cấp xã đổi mới, chuyển mình

Ông Lê Xuân Hương bước ra khỏi Trung tâm Phục vụ hành chính công xã với nụ cười nhẹ nhõm. Không phải vì thủ tục giấy tờ được hoàn thành một cách dễ dàng, mà bởi ông cảm nhận rõ sự thay đổi căn bản trong cách bộ máy chính quyền phục vụ người dân.

Trước đây từng là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hùng Tiến, ông nghỉ công tác trong quá trình sáp nhập các xã Hùng Tiến, Nam Cát, Nam Giang, Xuân Hồng và Kim Liên thành xã Kim Liên mới.

Khi biết Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 154/2025/NĐ-CP ngày 15/6/2025, có hiệu lực từ 16/6/2025, quy định rõ các nhóm đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc, ông Hương đã chủ động lên xã để làm các thủ tục liên quan.

Dù trụ sở xã mới cách nhà hơn 5km, xa hơn địa điểm xã Hùng Tiến cũ, ông vẫn hoàn toàn đồng tình và ủng hộ việc tổ chức lại chính quyền.

bna_img_9512-9486642a1f6d3e5088b9d4ab448d70a6.jpg
Cán bộ xã Kim Liên hướng dẫn thủ tục cho ông Lê Xuân Hương. Ảnh: Thành Duy

Với ông, quãng đường ấy không còn là vấn đề khi đi kèm với một phương thức vận hành mới. “Thủ tục rõ ràng, quy trình minh bạch, thái độ cán bộ tận tình”, ông chia sẻ ngắn gọn nhưng đầy tin tưởng. Niềm tin ấy ở một cựu cán bộ từng gắn bó lâu năm với hệ thống chính trị cấp cơ sở không đơn thuần là sự hài lòng cá nhân mà phản ánh kỳ vọng lớn.

Tại xã Vạn An, đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất thị trấn Nam Đàn và các xã Xuân Hòa, Thượng Tân Lộc cũng đang đi theo quỹ đạo đó.

Trung tuần tháng 7, chúng tôi gặp ông Nguyễn Trọng Nam (quê xã Xuân Hòa cũ), thương binh hạng 1/4, đang làm thủ tục liên quan đến chế độ chính sách tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã.

“Khi biết tôi là thương binh, cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công đã chủ động thực hiện các thủ tục, tôi chỉ ngồi chờ và nhận kết quả”, ông Nam nói.

Sự ưu tiên dành cho ông Nam không phải là đặc ân cá nhân mà là sự thể hiện nguyên tắc pháp lý đã được khẳng định trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành: Thương binh là đối tượng được ưu tiên khi thực hiện thủ tục hành chính. Họ được hỗ trợ tiếp nhận sớm, được hướng dẫn tận tình, được miễn hoặc giảm lệ phí, và đặc biệt là được đối xử với sự tôn trọng, biết ơn.

bna_img_9486-a568cd050ce810d0d75872bf7f5a9a2f.jpg
Đại diện VNPT hướng dẫn sử dụng Kiosk dịch vụ công với nhiều tính năng thuận tiện, có thể đăng ký, in ấn và sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ công dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường số tại xã Kim Liên. Ảnh: Thành Duy

Câu chuyện của ông Hương, ông Nam mà chúng tôi được chứng kiến không phải là trường hợp đơn lẻ, mà đang phản ánh một chuyển động lớn và rõ rệt đang lan tỏa trên địa bàn Nghệ An khi chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào vận hành.

Dễ nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ ở cấp xã, không chỉ dừng lại ở việc tổ chức lại bộ máy hay điều chỉnh địa giới hành chính mà còn lan sâu vào phương thức điều hành, lề lối làm việc và đặc biệt là thái độ phục vụ biểu hiện rõ nét triết lý quản trị mới: Chính quyền phục vụ thay vì quản lý, lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm và hiệu quả phục vụ làm thước đo thực chất.

Đổi mới bộ máy đi cùng nâng cao năng lực thực thi

Tính đến nay, cùng với cả nước, Nghệ An đã chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp được tròn hai tuần.

Thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để nhận diện cả những kết quả bước đầu lẫn những vấn đề đặt ra trong quá trình chuyển đổi, đặc biệt ở cấp xã được phân cấp nhiều hơn về thẩm quyền, được giao thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ vốn trước đây thuộc cấp huyện.

Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải thích nghi nhanh chóng với một môi trường làm việc nhiều áp lực hơn, đa nhiệm hơn và đòi hỏi cao hơn về trình độ, kỹ năng, đặc biệt là công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó, nội dung được đặc biệt quan tâm là đào tạo về công nghệ thông tin, kỹ năng chuyển đổi số và cập nhật các quy định pháp luật mới.

bna_img_9861-dd33c2d365bcf31c31fa9136610c3d35.jpg
Cán bộ xã Vạn An và thanh niên tình nguyện hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã. Ảnh: Thành Duy

Tiếp thu ý kiến đại biểu và từ yêu cầu thực tiễn đặt ra, ngay sau kỳ họp, lãnh đạo tỉnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ cơ sở.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy và Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình tại một số xã thuộc cả vùng đồng bằng và miền núi; từ xã được sáp nhập từ nhiều đơn vị hành chính cũ đến xã giữ nguyên địa giới hành chính.

Mục tiêu của những chuyến kiểm tra không chỉ là đánh giá hiệu quả vận hành mà còn để kịp thời tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn và củng cố quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc đồng hành cùng cấp cơ sở, để bộ máy nhanh chóng vận hành trơn tru, ổn định và hiệu quả.

bna_screen-shot-2025-07-14-at-06.31.40.png
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung vừa có chuyến kiểm tra vận hành chính quyền tại các xã: Con Cuông, Lượng Minh, Chiêu Lưu. Ảnh: Phạm Bằng

Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo đầy đủ nhu cầu kinh phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc. Trước mắt, tỉnh sẽ phân bổ 141 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các xã, phường.

Đối với các nhu cầu lớn hơn như: Đầu tư thiết bị công nghệ thông tin, cải tạo trụ sở, chuyển đổi số…, Sở Tài chính đang tổng hợp, phân loại theo thứ tự ưu tiên để đề xuất Trung ương, đồng thời cân đối ngân sách tỉnh để hỗ trợ theo nguyên tắc đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải.

Một trong những vấn đề then chốt hiện nay là chất lượng và khả năng làm chủ công nghệ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quý Linh cho biết: Các nhà mạng, đơn vị viễn thông đã bố trí nhân lực túc trực tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công để "cầm tay chỉ việc", kèm cặp cán bộ cấp xã trong thao tác kỹ thuật và tiếp cận quy trình mới. Bên cạnh đó, Sở cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại cấp xã.

Đặc biệt, để tăng cường kết nối giữa tỉnh và cấp xã, Nghệ An đang khẩn trương hoàn thiện và dự kiến sẽ đưa vào vận hành chính thức Trung tâm Điều hành thông minh (Intelligent Operations Center - IOC) từ tháng 9/2025.

Đây là hệ thống đóng vai trò cầu nối công nghệ, giúp chính quyền tương tác kịp thời với người dân, đồng thời điều hành thống nhất hoạt động của các cấp hành chính.

bna_screen-shot-2025-07-14-at-06.36.44.png
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh vừa có chuyến kiểm tra vận hành chính quyền cấp xã tại các xã Kim Liên và Vạn An. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh phối hợp các sở, ngành tham mưu tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề theo lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Nội dung tập huấn sẽ bám sát thực tiễn địa phương, tập trung vào các tình huống cụ thể theo hình thức hỏi - đáp và “cầm tay chỉ việc”, nhằm giúp cán bộ cấp xã không chỉ hiểu luật, nắm quy trình mà còn biết cách vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công việc.

Việc Nghệ An chủ động rà soát, đầu tư đúng trọng tâm, tổ chức đào tạo sát thực tiễn và triển khai hệ thống hỗ trợ kỹ thuật kịp thời đang cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, bài bản.

Nếu tiếp tục được duy trì và điều chỉnh linh hoạt theo thực tế, đây sẽ là nền tảng quan trọng để bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp thực sự vận hành hiệu lực, hiệu quả, không chỉ đúng luật mà còn đúng kỳ vọng của người dân.