nong-thon-moi-181344_535--n1.jpg

Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Theo đó, ông Ngô Trường Sơn cho biết, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, nhiều mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ đã có sự thay đổi.

Thứ nhất, bên cạnh 11 nội dung thành phần, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 chương trình chuyên đề, đây là các chương trình chuyên đề, có tính chất xác định nhiệm vụ và định hướng chỉ đạo để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện một số nội dung trọng tâm của của chương trình xây dựng NTM, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn.

Đến thời điểm này, đã có trên 70 văn bản pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình xây dựng NTM được ban hành, cơ bản đầy đủ để các các bộ, ngành trung ương và địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.

Thứ hai, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

xay-dung-ntm-giai-doan-2021-2025-co-nhung-diem-gi-moi-181925_148.jpg

Các đại biểu dự hội nghị tập huấn một số kiến thức mới về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Đinh Mười.

Điều này đặt ra nhiều yêu cầu trong công tác triển khai, đặc biệt là những định hướng chuyển đổi lớn mà lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định trong công tác chỉ đạo, như: Chuyển mạng từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và cơ cấu lại sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực; tập trung phát triển công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ; tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ ba, trong thời gian qua, nhiều giải pháp đã được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, như: phát triển sản phẩm OCOP, du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu tập trung và công tác bảo tồn, phát triển ngành nghề và đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn, tổ chức hệ thống Tổ khuyến nông cộng đồng,… được triển khai mạnh mẽ.

Đến nay, toàn quốc đã có 6.009/8.225 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 937 xã đạt chuẩn các tiêu chí nâng cao và 110 xã đạt chuẩn các tiêu chí kiểu mẫu. Ở cấp huyện, đã có 255 đơn vị thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (đạt 39,6% số huyện cả nước). Cả nước cũng đã có 18 địa phương cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

ĐINH MƯỜI