Người dân cần phải cảm thấy họ là chủ
Từ 16-17/2, tại Hải Phòng đã diễn ra loạt sự kiện quan trọng liên quan đến Chương trình xây dựng nông thôn mới trong toàn quốc giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đáng lưu ý là các nội dung được đại biểu trao đổi tại hội nghị toàn quốc về hệ thống văn phòng điều phối NTM các cấp và hội nghị toàn quốc về quy hoạch xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2021-2025.
Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM Trung ương, đến hết năm 2022, cả nước có 73% số xã đạt chuẩn NTM, 18 tỉnh và thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Hơn 12 năm qua, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt được những thành tựu “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần đưa Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào thực tiễn.
Những kết quả đạt được của Chương trình xây dựng NTM đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện và cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.
Mặc dù vậy, trong xây dựng NTM vẫn lộ ra những bất cập, hiện tại một số địa phương có xu hướng “đô thị hóa nông thôn, đồng bằng hóa miền núi, bê tông hóa làng quê” dẫn đến phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc truyền thống, bị pha tạp... Một số công trình hạ tầng mẫu như nhà văn hóa, nhà ở… được áp dụng một cách rập khuôn, cứng nhắc.
Trong khi những nội dung này vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có hướng dẫn xây dựng trong bộ tiêu chí xây dựng NTM đối với khu vực ven đô, chưa lượng hóa được các quy định, hướng dẫn về kiến trúc nông thôn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hội nghị lần này là để nhìn lại cách tiếp cận từ cấp cơ sở lên tới cấp quốc gia, lấy sự năng động, đổi mới sáng tạo ở cơ sở làm động lực để cho tất cả các địa phương cùng chia sẻ, cùng kích hoạt, kích thích địa phương mình lên để tránh đi câu chuyện đang đồng phục hóa tất cả Chương trình xây dựng NTM cho 63 tỉnh, thành.
“Đây là câu chuyện lớn, mọi sự thay đổi từ cơ sở, từ địa phương, tôi mong muốn chúng ta có cách tiếp cận mới, tương tác, chia sẻ. Với cách tiếp cận đó, chúng ta còn dư địa một không gian rất lớn, ngay tại hội nghị này”, Bộ trưởng lưu ý.
Muốn người dân năng động thì những người lãnh đạo phải năng động trước, muốn NTM là văn hóa thì những người thực hiện chương trình này phải có văn hóa trước.
Những lãnh đạo tham gia vào xây dựng NTM cần thường xuyên tương tác với nhau qua nhiều hình thức, chỉ có tương tác mới ra được vấn đề, mới tạo ra được sự năng động.
Bộ trưởng nêu vấn đề: Từ hội nghị lần này cần nhìn lại cách tiếp cận về NTM, về ý nghĩa, mục tiêu, trong đó có cái hữu hình, có cái vô hình. Nhiều địa phương mới chỉ nhìn thấy phần cứng thôi, còn những giá trị khác chưa?
Ví dụ như khẩu hiệu “thay đổi diện mạo nông thôn” chẳng hạn, từ này chưa diễn tả hết ý nghĩa, diện mạo là bề ngoài, là những gì nhìn thấy được, nhưng chưa đi được vào chiều sâu, về bản sắc nông thôn và những giá trị của nông thôn.
Theo Bộ trưởng, địa phương nào có điều kiện năng lực tới đâu thì tiếp cận tới đó, cần khảo sát những mô hình, những địa phương làm tốt để chia sẻ, lan tỏa.
Người dân cần phải cảm thấy họ là chủ, được làm chủ thể trong quá trình xây dựng NTM, phải cảm thấy xóm, làng là của mình và người dân tự thấy phải có trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng tốt đẹp lên.
Trong xây dựng NTM phải hài hòa từ trong nhà ra ngoài phố, rồi hài hòa cho xã hội, tránh khẩu hiệu sáo rỗng, đâu đâu cũng kêu gọi toàn dân chung tay xây dựng NTM, rồi xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
“Quan trọng nhất là sức sống cộng đồng, sức sống mới mới là cái NTM hướng đến. Chúng ta phải thay đổi từ những khẩu hiệu để tạo ra cảm xúc, để mỗi người dân đều thấy mình ở trong đó, phải để người dân cảm thấy xây dựng NTM là của mình, từ đó mới trân quý, bộn phận và trách nhiệm”.
Chương trình NTM cần đi sâu hơn nữa, cần nhìn lại những khó khăn khác nhau. Chúng ta không dễ dãi nhưng cần ngồi lại xem xét cụ thể nếu có thể thì linh hoạt, chia sẻ. Chúng ta không đồng phục nữa nhưng làm sao để người dân có thu nhập cao hơn, đời sống tinh thần cao hơn, tri thức hóa hơn. Bà con nông dân ở nhiều nơi đang lúng túng trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng cũng cho rằng: "Chúng ta đâu đó đang có sự nhầm lẫn giữa kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Chúng ta cân đo, đong, đếm, sản xuất, năng suất, sản lượng là chấm hết. Cái này chúng ta phải trăn trở, phải tạo ra kinh tế nông thôn, không gian còn rất rộng.“Nông nghiệp đâu cứ phải làm ruộng, có nhiều thứ để làm và có thể làm giàu. Phải thay đổi tư duy, tri thức của nông dân. Cần chia sẻ tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm với người nông dân”.
Chúng ta đang dần đóng lại không gian ở nông thôn
Liên quan đến quy hoạch xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hoá giai đoạn 2021-2025, trong giai đoạn vừa qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được những kết quả nổi bật, cả nước có 93,6% số xã đạt tiêu chí quy hoạch, là một trong những tiêu chí có kết quả khá cao trong Bộ tiêu chí NTM và có khoảng 1/3 số huyện đã có quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Kéo theo những kết quả này, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được thực hiện theo quy hoạch đã có những đổi thay vượt bậc, hiện đại hóa một bước theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, từng bước thu hẹp dần khoảng cách với khu vực đô thị.
Quy hoạch NTM trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề, là cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác quy hoạch nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Dù những hạn chế này này đã được cụ thể hoá trong nội dung của Chương trình và Bộ tiêu chí xây dựng NTM các cấp của giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung bổ sung thêm nhưng một số nội dung hiện vẫn đang còn bỏ ngõ như chưa có hướng dẫn xây dựng NTM đối với các khu vực ven đô, chưa lượng hoá được các quy định/hướng dẫn về kiến trúc nông thôn…
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện tại ở Việt Nam chưa có đào tạo chuyên sâu về vấn đề quy hoạch, những người làm nông nghiệp chưa hiểu sâu về quy hoạch, những người làm quy hoạch thì chưa hiểu sâu về nông nghiệp nông thôn.
Chúng ta đang quy hoạch mặt phẳng, sau đó chuyển từ không gian 2 chiều sang 3 chiều. Nhưng thực tế, nông thôn còn chiều thứ 3, thứ 4 nữa, chúng ta không nhìn ra nên mới đồng phục trong quy hoạch và đã đến lúc chúng ta nhìn lại quy hoạch nông thôn.
“Đô thị là không gian đóng, kín cổng cao tường, còn nông thôn là không gian mở nhưng chúng ta đang dần đóng lại không gian ở nông thôn. Chúng ta xem lại, tại sao quy hoạch nông thôn thời gian qua lại như vậy, cần nghiên cứu lại, quy hoạch nông thôn, tiêu chí cứng quá không”.
Cũng theo Bộ trưởng, câu chuyện xung đột đô thị nông thôn, thế giới gặp phải rồi nhưng người ta đi qua rồi, vì thế tại một số quốc gia mới có chương trình chấn hưng nông thôn, hồi sinh nông thôn.
Về đề này nếu không cẩn trọng, mất là mất luôn, một làng nghề có thể không tạo ra nhiều giá trị nhưng là hồn cốt của làng quê, mất rồi không thể tìm lại được. Tư duy ngày xưa nông thôn là nông nghiệp, còn nông thôn nay là tích hợp đa giá trị, phát triển kinh tế nông thôn, cho làng nghề, cho OCOP, tăng kinh tế cho nông dân.
Không gian kinh tế nông thôn rất rộng, không hẹp, do vậy, các bộ ngành, cần ngồi lại để tìm ra giải pháp trong thời gian sớm. Trước tiên phải quy hoạch nông thôn thế nào, sau là quản lý, có cách quản lý vừa cứng vừa mềm, có tình có lý.
Về quy hoạch nông thôn, đừng tạo ra sự xung đột giữa đô thị và nông thôn, giữa nông nghiệp và công nghiệp mà phải kết nối với nhau, tạo ra một thứ gọi là “nông thị”, đô thị nhưng vừa có những điều kiện đô thị vừa có điều kiện nông thôn.
Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ là một chuỗi, nếu để mất cái này thì sẽ mất luôn cái khác. Kinh tế nông nghiệp là một chuỗi ngành hàng, mất sản xuất nông nghiệp thì mất luôn chế biến sản phẩm đó và mất luôn những người kinh doanh dịch vụ đó, mất đầu này sẽ mất luôn đầu kia.
“Mọi vấn đề phải đối thoại, để người dân hiểu. Đừng lấy cách quy hoạch đô thị để quy hoạch nông thôn, đừng lấy cách quản lý quy hoạch đô thị để quản lý nông thôn. Đừng quá cầu toàn, cứng nhắc khi đưa ra chính sách, sẽ gây khó khăn cho địa phương khi triển khai”, Bộ trưởng khẳng định.
"Xây dựng NTM từ năm 2010 đến nay có nhiều đổi mới, ngày càng thực chất hơn. Có nhiều chỉ đạo để ngày càng đi vào thực chất hơn.
Việc lập quy hoạch và quản lý quy hoạch có nhiều vấn đề, chất lượng làm quy hoạch chưa cao, kể cả quy hoạch đô thị. Thường thì quy hoạch của chúng ta là đầu tư xây dựng, còn nội dung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tích hợp nhiều thứ, giúp tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân nhưng chúng ta chưa quan tâm đúng mức.
Có lẽ chúng ta phải nghiên cứu chuyên sâu về quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phải có những quy định cụ thể. Quy hoạch về vật thể rất rõ, nhưng liên quan đến sản xuất nâng cao trách nhiệm của người dân lại chưa được quan tâm tương xứng".
(Ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng)
ĐINH MƯỜI