Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Gia đình Nghệ An như một tế bào xã hội nhỏ, gắn bó máu thịt với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng. Từ xa xưa, cũng như bao miền quê khác, gia đình ở Nghệ An đều gắn bó với nhau để trở thành làng, nhiều làng gắn bó với nhau thành nước. Ba trụ cột gia đình – làng - nước như một chỉnh thể, gắn bó với nhau cùng phát triển. Trong đó văn hoá gia đình là một nền tảng giá trị quan trọng.
Hiện nay, tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XVIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư tập trung triển khai các nhiệm vụ về công tác gia đình có chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, các Sở ban, ngành và sự đồng lòng của Nhân dân, công tác xây dựng gia đình của tỉnh đã đạt kết quả quan trọng. Đại đa số gia đình đều gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua do khu dân cư phát động; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tham gia đầy đủ phong trào đền ơn đáp nghĩa, hoạt động từ thiện, khuyến học khuyến tài; tích cực xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ và tương trợ, giúp đỡ lần nhau; hăng say lao động, sản xuất, kinh doanh... xây dựng gia đình ngày một no ấm, hạnh phúc.
Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng “Gia đình văn hóa” đã được các địa phương trong tỉnh triển khai một cách nghiêm túc, chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục theo quy định. Nhờ vậy, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển đời sống văn hoá cơ sở.
Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 84%, hơn 23.520 gia đình văn hoá xuất sắc được biểu dương, tôn vinh ở cấp xã, hơn 1965 gia đình văn hoá tiêu xuất sắc cấp huyện, 250 gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh, 30 gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen; 66,2% khu dân cư văn hoá; 1.774 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; 776 dòng họ văn hoá; hơn 72% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều gia đình văn hoá đã trở thành điểm sáng văn hóa tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Trước xu thế phát triển chung của toàn xã hội, các gia đình có nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi để tiếp cận kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống ngày càng văn minh, hiện đại. Chủ trương giao lưu, mở cửa hội nhập để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đã đem đến cho các gia đình nhiều cơ hội mới, điều kiện để phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến của các nước. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, nhân tố tiến bộ thì xuất hiện thách thức, những vấn đề tồn tại cần phải giải quyết. Đó là sự khủng hoảng về chức năng của gia đình, tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên gia đình, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; Việc bảo tồn các giá trị đạo đức lối sống, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của gia đình, dân tộc với việc tiếp thu các yếu tố mới mang tính hiện đại v.v... cũng gặp một số khó khăn.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải tiếp thu cái mới một cách chọn lọc, cân nhắc kỹ lưỡng để tránh làm ảnh hưởng đến tính ổn định của thiết chế gia đình, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội.
Trên tinh thần Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh”, tỉnh xác định xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung, giải pháp căn cơ cốt lõi để phát triển văn hoá, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, Nghệ An tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; Kế hoạch hành động số 467/KH-UBND ngày 28/7/2017 của UBND tỉnh; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về gia đình đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông tuyên truyền Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền về xây dựng gia đình văn hóa; phòng, ngừa tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình. Qua đó, giúp cho các gia đình có kiến thức, kỹ năng sống, chủ động phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trong gia đình, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Một số anh về buổi tọa đàm "Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa Nghệ An" vào sáng 24/6/2022 tại khách sạn Giao tế
Ba là, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa; Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2022-2026. Tiếp tục thực hiện việc đưa tiêu chí gia đình văn hoá làm tiêu chuẩn đánh giá, bình xét việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên hàng năm.
Bốn là, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo Hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xây dựng mô hình gia đình kiểu mẫu “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “gia đình hiếu học”, các điển hình các gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc. Tăng cường giáo dục nề nếp, lối sống tích cực, văn minh cho từng thành viên trong gia đình, tập trung vai trò nêu gương của ông bà, cha mẹ cho con cháu.
Năm là, đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy thực hiện công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo tinh gọn, thống nhất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Phát triển mạng lưới công tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở sở.
Sáu là, tăng cường công tác phối hợp hiệu quả của các ngành là thành viên Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa“ và công tác gia đình từ tỉnh đến huyện, xã và Ban vận động ở Khu dân cư để thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, làm cho phong trào trở thành mối quan tâm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Xây dựng gia đình bình an - xã hội hạnh phúc là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của đất nước và xu thế hội nhập toàn cầu, tỉnh Nghệ An phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, có đời sống kinh tế phát triển, đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra “Xác định và xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Phương Lan - Phương Anh
Phòng XD nếp sống VH và gia đình
Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Nghệ An