Có hơn 20 tỉ nhưng vẫn không quên nghề nông

Và không chỉ thế, ông còn phục hồi lại cái hợp tác xã (HTX) kiểu cũ, đang trên đà chết mà chẳng buồn viết điếu văn của Thọ Thành, bởi dân đã chán ngán nó lắm rồi. Lúc tôi đến, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp xã Thọ Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đang chan chát tiếng băm chặt, thơm lừng mùi xào nấu cho bữa liên hoan trưa. Trên cái bàn dài hàng loạt túi nylon đựng thịt để cho khách mang về và tôi cũng có một túi như vậy nếu không phải đi tiếp mấy ngày nữa.

38-184428_659.jpg

Ông Hồ Sỹ Quảng (phải) trao túi thịt cho khách đến ăn cỗ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước câu hỏi cắc cớ của tôi rằng sao 11 năm ăn bơ sữa của Tây mà ông vẫn tái diễn cảnh ăn cỗ mang phần về như thế? Ông Hồ Sỹ Quảng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cười ha hả: “Hiện đại nhưng vẫn phải giữ được truyền thống chứ chú?”. Buổi liên hoan hôm đó gồm các Bí thư, xóm trưởng cùng những thành viên tích cực trong HTX đến tập hợp chữ ký của dân làm cánh đồng mẫu lớn 360 ha.

Ông Tạ Duy Sự - Xóm trưởng xóm 7 nơi có 164 hộ thì cả 164 hộ đều đăng ký tham gia, bảo: “Khi có lợi là người dân tham gia ngay. Làm chung thì giống, thuốc, phân được hỗ trợ Nhà nước một phần. Làm chung thì dễ về thời vụ, tưới tiêu, phun phòng và gặt xe chỉ việc ghé vào bờ”. Kể về thời điểm có HTX mới ra đời, ông thực thà rằng lúc đầu bà con cũng không tin mấy mà có tâm lý chờ xem sao.

Trong khi nhiều HTX mạ khay máy cấy ở các nơi đồng loạt tan rã vì không biết cách tổ chức thì Giám đốc HTX ở quê mình sẵn sàng cởi áo làm cùng các thành viên. Gan của ông to đến mức có vụ làm dư tới 20.000 khay mạ vì dự đoán được sẽ rét đậm, nhờ đó mà nhiều HTX khác bị chết mạ mới có cơ hội mua dặm.

Khách hàng đến HTX dù chỉ mua một bao cám, một bao phân ông cũng đon đả mời nước, hỏi chuyện mùa màng và còn tự tay bê hàng ra xe; Cách ông điều hành HTX cũng rất khác người, thường tổ chức thịt lợn tọa đàm để rút kinh nghiệm, trao quà gắn kết.

Giữa trưa tháng 7 nắng chang chang, gió Lào thổi bỏng rát, tôi ngồi sau xe máy của ông Quảng đi một vòng cánh đồng xã Thọ Thành. Lúa đang chuẩn bị thì con gái lên xanh mơn mởn, còn nền trời thì xanh thăm thẳm.

34-184416_459.jpg

Ông Hồ Sỹ Quảng bên cánh đồng làng. Ảnh: Dương Đình Tường

“Yên Thành là mẹ là cha. Đói cơm rách áo thì ra Yên Thành”. Nếu như Nghệ An là vựa lúa của miền Trung thì Yên Thành là vựa lúa của Nghệ An, còn Thọ Thành là vựa lúa của Yên Thành với 487 ha, cấy vụ nào chắc ăn vụ đấy. Thế nhưng lúa có tốt mấy với cung cách làm ăn kiểu hợp tác ngày xưa dân vẫn túng. Ông Quảng xưa nghèo có tiếng do mẹ mất sớm, bố đi bước nữa, mấy anh em ở với nhau trong căn nhà nát, cơm không đủ ăn, áo rách buộc túm bằng lạt, xe đạp chẳng có mà đi, phải bỏ học sớm.

Thông minh lại chăm chỉ hơn người nên sau này ông đã cấy tới 1 mẫu lúa, thả 500 con vịt, thóc dư dả ăn và được dân tín nhiệm bầu làm xóm trưởng. Nhưng năm 2000 ông vẫn dứt áo đi Hungary xuất khẩu lao động bởi trong đầu luôn tò mò về chuyện tại sao dân Tây họ giàu mà dân Ta lại nghèo.

Sang đó, ông buôn quần áo ở chợ trời, nhờ biết tính toán mà làm ăn rất phát đạt. Tuy vậy hầu như thứ bảy, chủ nhật nào ông vẫn bỏ đấy mà đi xuống vùng nông thôn để tìm hiểu xem sao mà cả cánh đồng ngô, hướng dương hay lúa mì rộng bằng cánh đồng làng mình mà chỉ có 1 lao động.

Với nhiều loại máy móc khác nhau 1 nông dân Tây có thể làm đất, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch và tận dụng phụ phẩm của cây trồng để làm thức ăn chăn nuôi hay phân bón, cho hiệu quả kinh tế rất cao. Từ những năm tháng ấy ông đã nung nấu việc phải đưa mô hình sản xuất của Châu Âu về quê mình bởi nghề nông dường như đã ngấm vào máu.

Năm 2011 trở về quê với số vốn hơn 20 tỉ, nếu buôn đất dễ thành tỉ phú, nếu gửi ngân hàng thì an nhàn khi tuổi già, nhưng không, ông quyết định trở lại làm ruộng. Nhận thầu 20 ha đất xấu, sình lầy không ai thèm làm ở Rộc Dứa, ông cải tạo thành 5ha trang trại và ao hồ thả cá, nuôi lợn, nuôi bò cùng 15ha cấy lúa giống, lúa thương phẩm.

35-184417_999.jpg

Ông Hồ Sỹ Quảng đi thăm lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông liên kết với doanh nghiệp đưa cơ giới hoá đồng bộ vào từ khâu mạ khay cấy máy, làm đất đến phun thuốc sâu bằng máy bay không người lái, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn, đồng thời bao tiêu luôn sản phẩm cho bà con. Nhờ đó mà thu nhập của ông lên tới 7 tỉ đồng trong đó lợi nhuận xấp xỉ 1 tỉ đồng, thuộc vào hạng cao nhất về làm nông nghiệp của huyện Yên Thành.

Trong chuỗi liên kết sản xuất lúa và bao tiêu sản phẩm của HTX nay cả xã đã có 8 xóm tham gia. Họ được nhận hỗ trợ của Nhà nước với 50% giống và thuốc BVTV, 30% vật tư phân bón trị giá khoảng 200.000 đ/ sào.

HTX hấp dẫn nhưng khó học

Năm 2015 HTX kiểu cũ của Thọ Thành giải thể, ông được lãnh đạo huyện, mà nhất là Chủ tịch UBND xã, Bí thư xã Thọ Thành vốn là những người bạn thân trước đây cùng làm việc, vận động để tiếp quản: “Địa phương đang xây dựng nông thôn mới, tiêu chí là phải có HTX, anh giúp chúng tôi với!”.

Trước lời đề nghị ấy, ông cũng băn khoăn lắm. Gia đình mình đang làm ăn tốt, máy móc có, kinh tế có, chỉ thiếu mỗi tính pháp nhân trong làm ăn là không được như HTX. Nếu gây dựng lại HTX ông có thể nhân rộng mô hình của nhà ra cho bà con cùng hưởng lợi. Vậy là HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp xã Thọ Thành được ra đời trên cái nền đổ nát của HTX cũ với vốn điều lệ 2 tỉ đồng của chính ông.

36-184423_975.jpg

Các xóm trưởng đến đăng ký tham gia cánh đồng mẫu lớn với HTX. Ảnh: Dương Đình Tường.

Là thành viên của HTX khi làm dịch vụ được giảm 1.000đ/khay mạ, giảm 5.000đ/bao vật tư phân bón hay thức ăn chăn nuôi nên từ 58 người ban đầu, giờ đã tăng lên 1.000 người. HTX có 5 loại dịch vụ: tín dụng nội bộ, xây dựng, vệ sinh môi trường, chuỗi liên kết cơ giới hóa đồng bộ, chuỗi chăn nuôi giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm. HTX có 16 máy cấy, 2 máy cày, 1 máy gặt, 80.000 khay mạ, 2 máy gieo hạt, vụ xuân làm 500 ha lúa, vụ hè làm 300 ha lúa. Chăn nuôi từ năm 2018 đến năm 2021 hiệu quả với 4.000 lợn, 50.000 gia cầm nhưng nay kém đi, phải giảm đàn. Ngoài ra HTX còn cung ứng 500 tấn phân, 40 tấn giống cho thành viên.

Nếu không có HTX làm bà đỡ thì tư nhân sẽ ép bà con làm đất với giá 250.000đ/sào 500m2, trong khi HTX có 160.000đ/sào; cấy tay 400.000đ/sào mà chẳng có gì kèm theo, trong khi HTX vừa cấy vừa cung cấp mạ chỉ 390.000đ/sào; gặt 200.000đ/sào, trong khi HTX chỉ 170.000đ/sào. Thêm vào đó, HTX lại bao tiêu mỗi năm hàng ngàn tấn lúa tươi cho bà con, giá bán cao mà không phải sấp ngửa chạy mưa như trước.

Tôi liếc nhìn tờ thông báo dán ở trên bảng HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp xã Thọ Thành: “Trả cổ tức năm 2022, đăng ký mạ khay. Ai không là thành viên 31.000đ/khay, ai là thành viên 30.000đ/khay. Thu mua lúa tươi (hàng năm HTX thu mua được khoảng 1.200 tấn-PV)”. Mỗi năm sau đại hội, thành viên góp vốn 200.000đ được HTX trả cổ tức 20.000đ cùng 1 gói mì chính, thành viên góp vốn 2 triệu đ được HTX trả cổ tức 200.000đ cùng 1 gói mì chính. Ngoài ra HTX còn có quỹ tín dụng nội bộ để cho vay.

Đa dạng trong dịch vụ nên doanh thu mỗi năm của HTX khoảng 30 tỉ trong đó lợi nhuận cỡ 10%. Sau khi trả lợi tức 1 tỉ, trích quỹ dự phòng 300-500 triệu thì HTX trả lương 20 triệu/tháng cho 6 người trong Hội đồng quản trị gồm Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán, kiểm soát…Ai cũng như ai nhưng ai cũng phải đóng cổ phần 700 triệu mới có lương. Ai cũng phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, sáng từ 6h tới 11h30, chiều từ 13h30 tới 18h, mỗi tháng chỉ nghỉ 2 ngày tùy chọn, nghỉ thêm thì mỗi ngày trừ đi 500.000đ. Bộ máy 6 người của Hội đồng quản trị HTX hiện có 2 đại học, 2 trung cấp, 2 sơ cấp với độ tuổi bình quân 45-50.

Trụ sở HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp xã Thọ Thành xây năm 2018 rộng 600m2, cao 2 tầng trị giá 2,5 tỉ đồng trong đó đơn vị đối ứng 500 triệu đồng, còn lại Nhà nước hỗ trợ. Cơ ngơi ấy là niềm mơ ước của nhiều HTX khác, nhất là khi khu đất mặt đường giờ đang có giá trị khoảng hơn 10 tỉ đồng. Điều đặc biệt chắc là duy nhất ở Nghệ An, HTX này có sổ đỏ quyền sử dụng đất. Đó là do một tay ông Quảng đứng ra lo liệu khi dám đứng ra cho HTX vay tiền để làm.

“Vai trò của người đứng đầu HTX rất quan trọng. Làm không khéo là tư thương bóp chết liền. Nếu HTX không biết đoàn kết, không biết sống thật với nhau sẽ không thể trụ lại được. Nhiều lãnh đạo các HTX khác cũng đến đây tham quan mà đều lắc đầu bảo không thể học được. Không ai dám bỏ vốn riêng, mang sổ đỏ nhà mình ra cắm thì sao kêu gọi vốn?

37-184424_937.jpg

Ông Hồ Sỹ Quảng (trái) giới thiệu các loại vật tư của HTX. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi không đủ thời gian để lo trực tiếp cho các hộ làm ăn kiểu cá thể mà phải thông qua HTX. Trong chuỗi giá trị với doanh nghiệp, HTX đóng vai trò trung gian để tập hợp bà con chung một tiếng nói. Mới đây Nhà máy gạo của TH vụ đầu đã đăng ký mua 200 tấn thóc của chúng tôi.

Riêng về chăn nuôi, các tập đoàn lớn sẽ bóp chết nông hộ, đó là quy luật rồi. Còn với cây lúa, người dân đang không mặn mà nên Nhà nước cần nghiên cứu làm sao để hạ giá đầu vào, nâng giá đầu ra. Về HTX, Nhà nước nên đầu tư đồng bộ cho một mô hình rồi sau đó mở rộng chứ đừng có đầu tư kiểu rải mành mành. Giờ khâu sản xuất chúng tôi ổn, nhưng cần kho bãi, sấy, xay xát, đóng gói để tạo nên thương hiệu gạo Thọ Thành. Mọi thứ mới chỉ đạt 50% mong muốn...

Tôi năm nay đã 65 tuổi rồi nhưng vẫn làm việc ngày đêm bởi những câu dân nói như: “Trông cho ông sống lâu để dân được nhờ”, “Từ hồi ông có ông làm chúng tôi đỡ khổ”. Đó giống như những liều thuốc bổ cho tôi vậy”, ông tâm sự.