Đầu tư nguồn lực cho công tác trẻ em và giáo dục nghề nghiệp

Làm việc với Đoàn Giám sát của Quốc hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020 và năm 2021.

bna-thanh-le-7457.jpg

Đoàn Giám sát làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Thanh Lê

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trẻ em ngày càng được gia đình, cộng đồng và toàn xã hội quan tâm chăm lo, bảo vệ, giáo dục tốt hơn.

Về công tác giáo dục nghề nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 9 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp, 21 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 19 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Quy mô tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 88.530 học sinh, sinh viên/năm; trong đó, cao đẳng nghề 7.955 sinh viên/năm; trung cấp nghề: 15.655 học sinh/năm; sơ cấp và đào tạo: 64.920 học sinh/năm.

bna-dong-chi-doan-hong-vu-phat-bieu-thanh-le-9216.jpg

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao đổi nội dung đoàn giám sát quan tâm. Ảnh: Thanh Lê

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Từ việc phân tích những kết quả, hạn chế, rút ra nguyên nhân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ nghiên cứu nguồn lực cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm xâm hại trẻ em, nhất là kinh phí phục vụ đấu tranh các vụ án, tổ chức giải cứu và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại.

bna-dong-chi-ta-van-ha-phat-bieu-thanh-le-3667.jpg

Đồng chí Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiếp thu kiến nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Cùng với đó, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các gia đình trẻ em bị xâm hại thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; đưa vào văn bản quy phạm pháp luật các quy định về hành vi “mua bán bào thai” để phù hợp với tình hình thực tiễn; chỉ đạo các địa phương bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cấp xã.

Liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp, sở đề nghị các bộ, ngành Trung ương bổ sung chính sách đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện.

bna_hocmay8887049_2242022.jpg

Lao động trên địa bàn huyện Diễn Châu học nghề may. Ảnh: Thanh Lê

Bên cạnh đó, cần ban hành văn bản quy định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo điều kiện được tổ chức giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, nhất là các trường cao đẳng, trung cấp và chính sách ưu đãi đối với các trường dân tộc nội trú; ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Có cơ chế để thu hút giáo viên có trình độ, kỹ năng tay nghề cao vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quan tâm bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp,...

Phát huy giá trị di tích văn hóa gắn với du lịch

bna-toan-canh-cuoc-lam-viec-thanh-le-9734--n1.jpg

Đoàn Giám sát làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch. Ảnh: Thanh Lê

Nghệ An hiện có 2.602 di tích, danh thắng, trong đó, có 471 di tích, danh thắng được xếp hạng (gồm 5 di tích quốc gia đặc biệt, 144 di tích quốc gia và 322 di tích cấp tỉnh); trong đó, có những di tích, danh thắng tiêu biểu như: Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu Lưu niệm Phan Bội Châu, đình Hoành Sơn, danh thắng biển Cửa Lò, danh thắng Vườn Quốc gia Pù Mát...

Nghệ An cũng là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa dân tộc với hơn 31.000 hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An, trong đó, có 3 Bảo vật Quốc gia. Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh là bảo tàng chuyên đề duy nhất trong cả nước lưu giữ các tư liệu, hiện vật liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

bna-dong-chi-nguyen-thi-thanh-huong-phat-bieu-thanh-le-3173.jpg

Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch làm rõ những vấn đề đoàn giám sát quan tâm. Ảnh: Thanh Lê

Nghệ An nằm trong vùng văn hóa xứ Nghệ với bản sắc riêng, nơi có sự đa dạng sắc màu văn hóa của 6 dân tộc. Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An vô cùng phong phú như dân ca, dân nhạc, dân vũ, tín ngưỡng, tri thức dân gian... cùng với đồng bào dân tộc Kinh còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, với những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Thanh Liệt, Lễ hội Xăng Khan... Trong đó, tiêu biểu và đặc sắc nhất là Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

bna-dong-chi-chu-duc-thai-phat-bieu-thanh-le-5048.jpg

Đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An đề xuất các chính sách bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, chính sách cho nghệ nhân. Ảnh: Thanh Lê

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch, hệ thống pháp luật về văn hóa, thể thao hiện nay đã tương đối hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động văn hóa, thể thao. Nhiều chính sách mới được đưa ra, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân đều được tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, đảm bảo quyền tự do sáng tạo của công dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, thể thao vẫn còn bất cập, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội và công tác quản lý Nhà nước như: Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Một số lĩnh vực chuyên môn hiện đang điều chỉnh bằng Nghị định của Chính phủ, cần xây dựng thành luật như: Nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm... tạo hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả.

bna-dong-chi-nguyen-thi-mai-hoa-phat-bieu-thanh-le-6718.jpg

Đoàn Giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại Sở Văn hóa và Thể thao. Ảnh: Thanh Lê

Do đó, đề xuất bộ, ngành liên quan cần rà soát, sửa đổi và ban hành mới các Thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết các điều trong Luật Thể dục, thể thao, đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý, sát với thực tiễn, tránh gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.

Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất Đoàn Giám sát kiến nghị bộ, ngành, Quốc hội và Chính phủ quan tâm bố trí kinh phí đầu tư cho di tích cách mạng; kinh phí cho các hệ thống di tích di sản được phân cấp từ ngân sách quốc gia; có cơ chế, chính sách riêng đầu tư thiết chế văn hóa ở cơ sở sau sáp nhập đơn vị hành chính, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kinh phí đầu tư thiết chế văn hóa trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; đầu tư các thiết chế tập luyện thể thao.

Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách, nguồn lực để khai thác, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; quan tâm, chính sách cho nghệ nhân; bảo tồn phát huy Dân ca ví, giặm; bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể,...

Phát biểu kết luận tại các cuộc làm việc, đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao kết quả của sở, ngành ở Nghệ An trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực thuộc nội dung giám sát. Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp, xây dựng, đề xuất của đơn vị để tham mưu kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội, bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đối với các lĩnh vực này có tính khả thi cao.

Thanh