Ngày 8/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

bna-z3863586614779-e8a57def191663f1dd6f0d9eee43433d-9880.jpg

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 8/11, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Theo đó, trong sáng nay, Quốc hội có các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo trên.

Qua các báo cáo cũng như thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy, năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật. Về tổng thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,69%.

bna-z3863586604637-536b448c676d62b6bd412a0b637f70f0-2170.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quang Khánh

Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97% cho thấy, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa.

Đối với việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Các cơ quan điều tra đã thụ lý 687 vụ án, 1.439 bị can; đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can; đã giải quyết 426 vụ/1.084 bị can.

Tòa án nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ /1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ /1.272 bị cáo; trong đó, đã xét xử 410 vụ/945 bị cáo. Công tác thi hành án đã thi hành xong 1.895 vụ việc (tăng 290% so với năm 2021).

bna-081120220918-z3863458775315-1b23752e64d8c1d5ebc479b05d4d812f-3300.jpg

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Ảnh: Quang Khánh

Qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp đánh giá: Năm 2022, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.

Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước gắn kết đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực.

bna-quang-khanh-9271.jpg

Các ĐBQH Đoàn Nghệ An tại phiên làm việc sáng 8/11 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có bước đột phá mạnh mẽ; kết hợp giữa xử lý kỷ luật, hành chính của Đảng, Nhà nước với xử lý hình sự; cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra phát hiện, làm rõ nhiều sai phạm và thi hành kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổ chức bộ máy các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Các cơ quan chức năng đã làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án, đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó, có nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng quản lý.

Nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài và những hành vi tham nhũng trước đây ít được phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ… đã được khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời…

bna-081120220902-z3863312230513-b8eb0c10dfd0cb1fadaaba5f84f02ab3-8231.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng còn có những hạn chế; một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất; cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý.

Một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về các nội dung này. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

bna-hoa-lac-2844.jpg

Các Đoàn ĐBQH Nghệ An, Phú Yên, Tây Ninh thăm, tìm hiểu sản xuất tại Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT). Ảnh: Thu Nguyễn

Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Yên, Tây Ninh đã đến thăm, làm việc tại Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc vào chiều tối 7/11.

Khu CNC Hòa Lạc là trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao cấp Quốc gia, là nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.

Trọng tâm phát triển của Khu CNC Hòa Lạc là các ngành công nghệ cao như: Công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử, sinh học, cơ điện tử, chế tạo máy, vật liệu mới, năng lượng mới… và danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Các đại biểu Quốc hội đã đến tham quan các doanh nghiệp, nhà máy trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT), Viện Thực phẩm chức năng (VIDS).

Thành Duy - Thu Nguyễn