1. Cử tri Sầm Hải Lan, UBMTTQ xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu kiến nghị khắc phục tình trạng sạt lở bờ Sông Hiếu đoạn Tạ Chum, bản Minh Tiến, xã Châu Tiến. Cử tri kiến nghị nhiều lần, các Sở, ngành cấp tỉnh đã kiểm tra nhưng chưa có giải pháp cụ thể.

085802_bien-doi-khi-hau-nghe-an-hang-chuc-nha-co-nguy-co-bi-cuon-troi-do-sat-lo-copy.jpg
Dọc bờ sông Hiếu xuất hiện nhiều đoạn sạt lở

UBND tỉnh trả lời:

UBND tỉnh đã có văn bản số 3330/UBND-NN ngày 27/5/2021, về việc kiểm tra, tham mưu xử lý sạt lở bờ sông Hiếu đoạn qua xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, với nội dung: Giao UBND huyện Quỳ Châu khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1568/SNN-XDCT ngày 12/5/2021; kịp thời báo cáo, đề xuất các Sở, ngành xem xét, xử lý các vấn đề liên quan theo thẩm quyền đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.

2. Cử tri xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng công trình hồ chứa nước bản Mồng, công trình đã kéo dài hơn 12 năm chưa hoàn thành, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người dân.

ho-thuy-loi-ban-mong-1_1642133678-1642133972.jpg
Hồ chứa nước bản Mồng

UBND tỉnh trả lời:

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An nằm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá, đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, đây là công trình thuỷ lợi đa mục tiêu, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An. Dự án khởi công năm 2010, đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 cho dừng giãn tiến độ, chọn điểm dừng kỹ thuật (trong 6 năm, từ 2011-2016). Đến năm 2017, dự án được bố trí vốn trở lại theo tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2009 (3.744 tỷ đồng). Quá trình triển khai thực hiện chế độ chính sách có nhiều thay đổi, tổng mức đầu tư tăng và khó khăn về nguồn vốn nên phải kéo dài thời gian thực hiện. Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 244/TB-VPCP ngày 11/8/2022 thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Theo đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ kế hoạch đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư Pháp, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Xây dựng, rà soát cơ sở pháp lý, thẩm quyền và nhu cầu thực tế cần xử lý đối với dự án, thống nhất phương án phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các văn bản số 7786/BKHĐT-KTNN ngày 31/10/2022; 9084/BKHĐT-KTNN ngày 14/12/2022, gửi Thủ tướng Chính Phủ, trong đó đã báo cáo để Dự án kéo dài thời gian bố trí vốn và thực hiện đến 31/12/2025. Hiện nay dự án đã được ghi khoảng 1.850 tỷ đồng (trung hạn giai đoạn 2021-2025). Dự án đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, xem xét, xử lý theo thẩm quyền, làm cơ sở cho Bộ Nông nghiệp và PTNT điều chỉnh dự án và bố trí vốn để tiếp tục triển khai.

3. Cử tri bản Quỳnh 1, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu kiến nghị sửa chữa, nâng cấp cầu dân sinh qua kênh tiêu đập phụ hồ chứa nước Bản Mồng tại bản Quỳnh 1 đã bị sạt lở, xuống cấp.

UBND tỉnh trả lời:

Hệ thống kênh tiêu Châu Bình là kênh đào mái đất tự nhiên, một số đoạn dọc theo chiều dài kênh có tính chất đất tương đối rời rạc. Do đó hiện tượng mưa lớn kéo dài xảy ra trong các năm vừa qua dẫn đến sạt lở, phá hỏng kết cấu mái kênh. Tại vị trí cầu dân sinh qua kênh tiêu Châu Bình bản Quỳnh 1 đã được gia cố mái bằng lát đá hộc trong khung bê tông, tuy nhiên vẫn đang tồn tại hiện tượng nứt gãy mái nguyên nhân do lượng nước ngầm trong lưu vực trước mố cầu thẩm thấu qua bờ kênh dẫn đến sạt lở theo cung trượt. Hiện nay công trình chưa được bàn giao đưa vào sử dụng đang trong giai đoạn bảo hành do đó công tác khắc phục sửa chữa sẽ được Nhà thầu thi công thực hiện trước thời điểm bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên để đạt được tính ổn định lâu dài và phát huy hiêu quả dự án cần có thời gian theo dõi hiện tượng sạt lở trước khi thực hiện khắc phục sửa chữa gia cố. Bên cạnh đó, cầu chịu lực bằng cọc khoan nhồi nên trước mắt chưa ảnh hưởng đến an toàn vận hành của cầu.

4. Cử tri bản Kẻ Nâm, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu kiến nghị đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cầu số 1 đến cầu số 2 dọc kênh tiêu đập phụ Hồ chứa nước Bản Mồng tại bản Kẻ Nâm.

UBND tỉnh trả lời:

Thời điểm khảo sát và thiết kế tuyến đường nối từ cầu số 1 đến cầu số 2 dọc kênh tiêu Châu Bình tại bản Kẻ Nâm trong khu vực này có 05 hộ sinh sống do đó dự án chỉ làm cầu 1A bắc qua kênh tiêu và làm đường nhựa nối từ Quốc lộ 48 đến hộ cuối cùng trong 5 hộ ở khu vực này. Từ cầu số 1 đến cầu số 2 tại thời điểm khảo sát lập dự án đầu tư và thiết kế bản vẽ thi công không có hộ dân sinh sống nên dự án không đầu tư đường nối liền. Đối với những hộ dân ở khu vực cầu số 2 đã được dự án làm đường nhựa nối từ Quốc lộ 48 đến cầu số 2 qua kênh tiêu Châu Bình. Đến thời điểm hiện nay có một số hộ đã xen giắm vào khu vực này, do đó trên cơ sở kiến nghị của Cử tri bản Kẻ Nâm Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiêp và PTNT sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ cần thiết, nếu cần sẽ trình các cấp có thẩm quyền bổ sung tuyến đường nối từ cầu số 1 đến cầu số 2.

5. Cử tri bản Kẻ Nâm, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu kiến nghị tu sửa, nâng cấp đập Khe Ngàng bị sạt lở, không thể tích nước, ảnh hưởng đến nước sản xuất vụ Xuân sắp tới.

UBND tỉnh trả lời:

Tại bản Kẻ Nâm có đập Bình Ba, không phải hồ chứa Khe Ngàng như phản ánh của cử tri. Hồ có dung tích chứa nhỏ, cấp nước tưới cho 7,5ha đất sản xuất nông nghiệp của bản Kẻ Nâm, xã Châu Bình. Đây là hồ chứa rất nhỏ không có tên trong danh mục hồ chứa của tỉnh (1061 hồ chứa theo NĐ114). Hiện nay trong lòng hồ, phía thượng lưu có 3 hộ gia đình đang sinh sống và sản xuất nông nghiệp nên việc tích nước của đập cũng hạn chế không thể tích cao được. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước vẫn cấp đủ cho diện tích tưới. Chi nhánh Thuỷ lợi Quỳ Châu mới cho sửa chữa, gia cố một số vị trí đập và cống lấy nước đảm bảo cấp nước. Việc đề xuất tu sửa, nâng cấp đập Bình Ba để đảm bảo ổn định đập chứ không thể nâng cao trình tích nước do ảnh hưởng các hộ dân trong lòng hồ và đất sản xuất nông nghiệp xung quanh hồ.

6. Cử tri bản Kẻ Tằm, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu phản ánh sau khi đập bản Mồng hoàn thành, nhiều diện tích đất sản xuất, đất nông nghiệp của nhân dân bị ảnh hưởng, thu hồi; đề nghị có chính sách hỗ trợ, quan tâm chuyển đổi nghề cho nhân dân.

UBND tỉnh trả lời:

Đối với công tác đền bù di dời GPMB dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được thực hiện trên cơ sở phạm vi đường viền giải phòng hồ tại các cao trình +71,86m và +76,4m. Quá trình thực hiện được đơn vị tư vấn tổ chức lập hồ sơ trích đo, trích lục đối chiếu kiểm đếm có xác nhận của từng hộ gia đình bị ảnh hưởng. Hội đồng đền bù GPMB huyện Quỳ Châu tiếp nhận kết quả trích đo, trích lục tiến hành lập, trình phê duyệt phương án – dự toán đền bù theo đúng quy định. Đồng thời công khai, công bố phương án đền bù theo thời gian quy định của Nhà nước; gồm các khoản chi phí:

+ Tiền bồi thường đất ở, đất khác, nhà vật kiến trúc, cây cối, hoa màu, thủy sản, mồ mả theo thực tế bị ảnh hưởng;

+ Tiền hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất, thuê nhà, di chuyển, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ khác.

Như vậy trong chi phí đền bù GPMB cho các đối tượng bị ảnh bởi dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đã bao gồm các chi phí hỗ trợ nói trên.

7. Cử tri thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu kiến nghị xử lý, khắc phục điểm sạt lở tại khu vực nhà ông Thái Doãn Văn, trú tại khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc thuộc hệ thống mương dẫn thoát nước rãnh dọc tuyến Quốc lộ 48 đoạn từ Km93 +200 đến Km93 + 200.

UBND tỉnh trả lời:

Hạng mục rãnh dẫn và cửa xả tại vị trí Km93+371,50 QL.48 tại khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu thuộc công trình sửa chữa hệ thống thoát nước trong đoạn Km87+660-Km98+00, QL.48, tỉnh Nghệ An được triển khai thi công và hoàn thành trong năm 2021. Với mục đích chống ngập úng cục bộ theo kiến nghị của nhân dân trên địa bàn, sau khi dự án hoàn thành tình trạng ngập úng đã được giải quyết, hệ thống rãnh thoát nước dọc phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, qua đợt mưa lớn vừa qua, do lượng nước đổ về lớn dẫn đến việc xói lở phần đất của các hộ dân từ cửa xả ra đến sông Hiếu. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thực hiện đào mương đất, dẫn dòng chảy tránh tình trạng nước chảy tràn trên phạm vi đất của người dân; chỉ đạo UBND huyện Quỳ Châu tuyên truyền đến các hộ dân và có phương án để đơn vị quản lý đưa máy móc, thiết bị đến vị trí thi công, đồng thời vận động các hộ dân di dời cây cối, hoa màu nằm trên phần đất canh tác để tránh ảnh hưởng trong quá trình thi công.

8. Bà Nguyễn Thị Tiếp, Hiệu trưởng Trường mầm non Diên Lãm, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu đề nghị quan tâm chế độ làm thêm giờ cho giáo viên Mầm Non như các cấp học khác.

UBND tỉnh trả lời:

Chế độ và định mức làm việc đối với giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tại Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo quy định phân cấp quản lý hiện hành, thẩm quyền giải quyết chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non thuộc trách nhiệm UBND cấp huyện.

Căn cứ chi trả chế độ làm thêm giờ đối với giáo viên được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập; Thông tư Liên tịch số 08/2005/TTLT -BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

9. Cử tri xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu phản ánh thủ tục chuyển từ bệnh viện huyện Quỳ Châu đi tuyến tỉnh còn khó khăn; đề nghị có sự linh hoạt, tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển tuyến.

UBND tỉnh trả lời:

Việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Sở Y tế: Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khi đến khám điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh, Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu đã tuân thủ về chuyên môn trong công tác khám chữa bệnh và chuyển tuyến bệnh nhân lên tuyến trên đảm bảo an toàn hợp lý và phù hợp quy định khi vượt quá khả năng chuyên môn.

10. Cử tri Vi Thị Huệ, trú tại bản Na Lạnh, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu đề nghị xem xét đưa danh mục bệnh “Tan máu bẩm sinh” để được hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

UBND tỉnh trả lời:

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 61/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An; theo đó, việc hỗ trợ được áp dụng theo quy định chứ không áp dụng theo mã bệnh/ Chẩn đoán bệnh; đối tượng được hưởng gồm:

- Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo;

- Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ;

- Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.