Nền kinh tế tiếp tục là điểm sáng

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ khẳng định nền kinh tế nước ta “vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu”. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, Chính phủ ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu về xã hội. Ủy ban Kinh tế, trong báo cáo thẩm tra, cũng ghi nhận “tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước”.

kte-vn.jpeg
Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng trưởng năm 2024 từ 6 - 6,5%. Nguồn: ITN

Trong số những “điểm sáng”, có thể kể tới kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. GDP cả năm dự báo đạt 5% - dù thấp hơn chỉ tiêu nhưng vẫn khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ước tăng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (4,5%). Vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 6,8% so với năm 2022; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 700 tỷ USD, xuất siêu ước khoảng 15 tỷ USD. Vốn FDI đến ngày 20.9 đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu dùng tăng trưởng tích cực…

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,68% (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn gần 110 nghìn tỷ đồng. Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Nhiều quy hoạch quan trọng đã được phê duyệt, quyết định, trong đó có Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII...

Phục hồi mong manh

Trong gần một năm qua, nước ta phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” từ bên ngoài, kéo theo những rủi ro về thu hẹp thị trường, sụt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động giá cả của các mặt hàng chiến lược cùng với sức ép lớn về tỷ giá, ổn định vĩ mô. Trong khi đó, các vấn đề bất cập nội tại tích tụ qua nhiều năm lại bộc lộ rõ hơn, nhất là liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế. Điều này khiến “tình hình kinh tế đang phục hồi mong manh sau đại dịch nay đã khó lại còn khó hơn”, Ủy ban Kinh tế đánh giá.

Đáng chú ý là, trong số 5 chỉ tiêu không đạt của năm 2023, có nhiều chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng như: tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu.

Đặc biệt, GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 (bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19) trong giai đoạn 2011 - 2023. Đây là mức tăng rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trong bối cảnh năm thứ 2 thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả này tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng cho quý cuối năm nay. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021 - 2030 trở nên hết sức khó khăn.

Một “nút thắt” khác là nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29.9.2023 chỉ đạt 6,92%. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao.

Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với 135,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động. Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1.9.2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số khó khăn, thách thức. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục triệt để.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Trước thực tế này, thúc đẩy tăng trưởng phải là nhiệm vụ ưu tiên trong những tháng cuối năm nay và cả năm 2024 sắp tới.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước thềm Kỳ họp thứ Sáu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tinh thần là phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2023 và 2024 để góp phần hoàn thành kế hoạch của cả nhiệm kỳ. Người đứng đầu Quốc hội cũng nhấn mạnh, năm 2024 tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn nhưng phải gắn với những vấn đề dài hạn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giai đoạn này rất phù hợp để đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Làm gì thì làm vẫn phải bám chuyện dài hạn. Tập trung củng cố, hoàn thiện thể chế, các nền tảng để chúng ta bắt được đáy và lên được sớm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bước sang năm 2024, quyết tâm của Chính phủ thể hiện ở việc xây dựng và trình Quốc hội phương án tăng trưởng từ 6 - 6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân là 4 - 4,5%. Mục tiêu này sẽ được Quốc hội xem xét và quyết định trong Kỳ họp này. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ trong những tháng cuối năm cần tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các “đầu tàu tăng trưởng”. Bước sang năm 2024 phải tập trung “tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế”.