Tiếp tục chương trình làm việc tại huyện Qùy Châu, chiều 06/9, Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc với UBND huyện về tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2016. Về phía Đoàn giám sát có bà Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Trưởng đoàn và các ông, bà Ủy viên Hội đồng Dân tộc, chuyên viên Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội), đại diện Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về phía tỉnh Nghệ An có đại diện Thường trực HĐND; Đoàn ĐBQH; lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Ban Dân tộc tỉnh; Chi cục Kiểm lâm; lãnh đạo huyện Qùy Châu và các phòng, ban liên quan.

Từ năm 2006 - 2016, huyện Qùy Châu đã giao cho 78 cộng đồng bản quản lý 1.418,31 ha đất rừng,đạt 100% kế hoạch, toàn bộ diện tích này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cùng thời gian này, huyện cũng giao cho 8.335 hộ với tổng số 40.023 ha đất rừng. Hiện tại, đã có 4.250 hộ với 20.516,728 ha đã được cấp quyền sử dụng đất (chiếm 51%).

images1996525_hoi_don_dan_toc_2.jpg
Bà Cao Thị Xuân lưu ý huyện Quỳ Châu cần đẩy nhanh công tác giao đất, giao rừng và làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất, ưu tiên những hộ nghèo và dân tộc thiểu số. Ảnh: Công Kiên

Sau khi được giao đất, giao rừng, các cộng đồng dân cư và hộ gia đình đã tổ chức quản lý, bảo vệ theo đúng quy định. Diện tích rừng trồng tăng từ 815,5 ha (năm 2006) lên 1.623,1 ha (năm 2016); độ che phủ rừng tăng tương ứng từ 70,4% lên 74,6%. Quyền lợi của cộng đồng và hộ gia đình được thực hiện tương đối đầy đủ và kịp thời. Người trồng rừng và khoanh nuôi, bảo vệ được hưởng lợi từ các sản phẩm rừng và từ chi trả dịch vụ môi trường rừng.

images1996418_hoi_dong_dan_toc_1--n1.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Công Kiên

Từ thực tế vừa nêu, UBND huyện Qùy Châu đánh giá chủ trương, chính sách giao rừng cho cộng đồng và gia đình phù hợp với yêu cầu thực tiễn và được nhân dân ủng hộ. Nhờ đó, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống, đồng thời việc quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện khá nghiêm túc.

Trên cơ sở đó, UBND huyện kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành có cơ chế chính sách hỗ trợ về nguồn kinh phí và chuyển đổi một số diện tích rừng tự nhiên để nhân dân có đất sản xuất. Tạo điều kiện trong việc lập hồ sơ cấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho dân, tiếp tục rà soát diện tích các lâm trường trên địa bàn, đất rừng phòng hộ xung yếu chuyển giao cho địa phương để giao cho các hộ nghèo, dân tộc thiểu số còn thiếu đất sản xuất.

images1996467_hoi_dong_giam_sat_5.jpg
Ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An trao đổi về việc quản lý quỹ đất lâm nghiệp của các lâm trường trên địa bàn Qùy Châu phát sinh những khó khăn cho nhân dân trong quá trình sản xuất. Ảnh: Công Kiên

Các thành viên trong Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội và ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã chất vấn một số vấn đề liên quan như: Làm rõ hơn việc sử dụng 16.000 ha đất rừng; trách nhiệm trong việc chậm trễ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; nêu cụ thể về các chủ thể đang quản lý diện tích rừng; mức thu nhập việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng mối quan hệ giữa người dân và Lâm trường Qùy Châu, Lâm trường Cô Ba và giải pháp giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất.

images1996495_hoi_dong_gam_sat_6.jpg
Ông Lang Văn Chiến - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu trao đổi về những vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh hơn nữa chủ trương, chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Ảnh: Công Kiên

Thay mặt Đoàn giám sát, bà Cao Thị Xuân lưu ý địa phương cần đẩy nhanh công tác giao đất, giao rừng và làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất, ưu tiên những hộ nghèo và dân tộc thiểu số. Về số lượng đất đai các lâm trường đang quản lý không phát huy hiệu quả còn lớn cần có giải pháp thu hồi để bàn giao cho nhân dân./.

Công Kiên