Sáng 23/3, tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2023, UBND tỉnh đã nghe, cho ý kiến và thống nhất thông qua dự thảo Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh.

hop-9528.jpg

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 3/2023. Ảnh: Phạm Bằng

Theo đó, phương án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh được UBND tỉnh thống nhất là điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò về thành phố Vinh quản lý.

Cùng đó, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong (Nghi Lộc) về thành phố Vinh quản lý. Thành lập 4 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của 4 xã: Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phú, Nghi Đức.

Kết quả sau khi mở rộng, thành phố Vinh có diện tích tự nhiên 166,24 km2 (đạt 110,67%); dân số 575.718 người (đạt 383,81%); có 36 đơn vị hành chính cấp xã (đạt 360%) gồm 27 phường và 9 xã. Huyện Nghi Lộc có diện tích tự nhiên 313,18 km2 (đạt gần 70%); dân số 206.042 người (đạt 171,70%); có 25 đơn vị hành chính cấp xã (đạt 192,31%) gồm 24 xã và 1 thị trấn.

bna-img-0953-5405--n1.jpg

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng báo cáo phương án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, không gian đô thị thành phố Vinh. Ảnh: Phạm Bằng

Trước đó, Sở Nội vụ đã xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh theo chủ trương, phương án được Ban chỉ đạo thống nhất và UBND tỉnh phê duyệt Đề cương nhiệm vụ.

Cụ thể, ngoài điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò về thành phố Vinh quản lý thì còn điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của 6 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Thạch và Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc) về thành phố Vinh quản lý.

Tuy nhiên, do thời điểm Ban chỉ đạo đề án tỉnh chốt phương án và UBND tỉnh phê duyệt Đề cương trước khi Nghị quyết 27/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được ban hành nên trong quá trình xây dựng Đề án đã có tiêu chí vướng mắc. Cụ thể, nếu tách 6 xã để nhập vào thành phố Vinh, diện tích tự nhiên của huyện Nghi Lộc không đảm bảo 70% tiêu chuẩn theo quy định.

mot-goc-khu-vuc-trung-tam-thanh-pho-vinh-nghe-an-anh-thanh-duy-8360.jpg

Một góc khu vực trung tâm thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Vì vậy, UBND tỉnh đã thống nhất thay đổi phương án theo hướng chỉ điều chỉnh 4 xã của huyện Nghi Lộc: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong về thành phố Vinh quản lý, không điều chỉnh 2 xã: Nghi Thạch và xã Khánh Hợp như Đề cương đã được phê duyệt. Từ đây, huyện Nghi Lộc có diện tích tự nhiên 313,18 km2, đạt 69,60% tiêu chuẩn (làm tròn thành 70%) theo quy định.

Theo Sở Nội vụ, việc nhập 4 xã của huyện Nghi Lộc về thành phố Vinh quản lý là phương án ít xáo trộn, ổn định trong việc quản lý cho các đơn vị hành chính có liên quan. 4 xã này cơ bản đồng nhất với thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò nên khi thành phố Vinh mở rộng sẽ trở nên liền mạch, thông suốt; đồng thời giúp huyện Nghi Lộc giảm ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố Vinh mở rộng sẽ có thêm không gian phát triển các khu, cụm công nghiệp, tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; từng bước phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo liên kết du lịch giữa các vùng miền và đa dạng loại hình du lịch.

daidien41541014_1942021.jpg

Việc điều chỉnh phương án sẽ giúp huyện Nghi Lộc đạt tiêu chí diện tích tự nhiên theo quy định. Ảnh tư liệu

Việc mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 52/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; Quyết định số 827/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Việc mở rộng thành phố Vinh nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để nâng vị thế và tầm ảnh hưởng của thành phố, là cơ hội để thành phố Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung phát triển nhanh và toàn diện hơn trong thời gian tới; xứng tầm là đô thị hạt nhân của tỉnh và của vùng.

Đây cũng là bước đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các tiềm năng, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương; là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng Bắc Trung Bộ.

Phạm Bằng