Từ khát vọng dân chủ của Nhân dân trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946                                                   

Cách mạng Tháng Tám đã chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, đưa chính quyền lại cho Nhân dân, tạo nền tảng xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà độc lập, tự do, hạnh phúc. Để thật sự là Nhà nước của dân, ngay từ những ngày đầu giành được nền độc lập, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tổ chức cuộc tổng tuyển cử để Nhân dân trực tiếp bầu ra các đại biểu xứng đáng thay mặt mình gánh vác việc nước. Người khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử.… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(1). Việc mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử cho thấy khát vọng về quyền tự do dân chủ cho Nhân dân, tôn trọng người có tài, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước vì quyền lợi tối cao của dân tộc.

Ngày 03/9/1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên, Chính phủ Lâm thời đã ban hành nhiều Sắc lệnh để xúc tiến các công việc chuẩn bị cho việc Tổng tuyển cử: Sắc lệnh số 39-SL; Sắc lệnh số 51-SL; Sắc lệnh số 71-SL; Sắc lệnh số 72-SL và Sắc lệnh số 76-SL. Theo Sắc lệnh số 76-SL, ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ấn định vào ngày 06 tháng 01 năm 1946. “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”(2).

Ngày 6/1/1946, công dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là CHXHCN Việt Nam (Nguồn: Trang TTĐT Đảng bộ TP HCM)

Trước Tổng tuyển cử một ngày (ngày 05/01/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu: "Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ... là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì Nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn... Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do"(3).

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 06/01/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước. Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 89%, cả nước đã bầu được 333 đại biểu.  

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới, một thiết chế dân chủ trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất; là sự khởi đầu cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đến xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

Quan điểm xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng đất nước. Từ dân chủ ở đây là nói đến chế độ dân chủ và quyền dân chủ của Nhân dân. Chế độ dân chủ là chế độ chính trị, trong đó, toàn bộ quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, do Nhân dân thực hiện trực tiếp hoặc thông qua cơ quan đại diện do Nhân dân bầu ra. Dân chủ được thực hiện bằng hai hình thức: Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, cả hai hình thức này đều đóng vai trò quan trọng bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ, không thể thiếu được trong việc quản lý, điều hành, kiểm soát và thực thi quyền lực của Nhân dân.

Cùng với lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, tư tưởng dân chủ được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1946; trong Hiến pháp 1992; trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nhiều Bộ luật, Luật, Pháp lệnh đã được ban hành, tạo khuôn khổ pháp lý để nhà nước quản lý bằng pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND.

Qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi phương diện. Trong đó, quá trình dân chủ hóa, tôn trọng và bảo đảm quyền dân chủ ngày càng được mở rộng và phát triển không ngừng. Dân chủ đại diện đã được thực hiện và bảo đảm ngày càng có hiệu quả. Nhân dân tham gia thảo luận, tham gia ý kiến xây dựng các dự án luật, trong hoạt động của báo chí ngày càng nhiều; ý kiến, nguyện vọng hợp pháp của Nhân dân ngày càng được giải quyết kịp thời, thấu đáo.

Bước sang thời kỳ mới Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, lần đầu tiên Đảng chính thức sử dụng khái niệm “Nhà nước pháp quyền”. Từ đó đến nay, qua các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn những yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, nội dung, giải pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Với quan điểm nhất quán “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Trong nhà nước pháp quyền, Nhân dân là chủ thể đích thực của quyền lực Nhà nước, Nhân dân trao quyền lực cho nhà nước bằng cơ chế dân chủ và giám sát việc thực thi quyền lực Nhà nước theo nguyên tắc dân chủ. Vì thế, nhà nước pháp quyền là biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ”(4), là trung tâm của hệ thống chính trị dân chủ. Trong giai đoạn hiện nay, muốn thực hành dân chủ, phát huy vai trò chủ thể Nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị dân chủ thì phải xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đó là phương thức chung mà thông qua đó công dân đạt tới xã hội dân chủ và khẳng định quyền làm chủ của mình một cách thực chất. Vì thế, Nhà nước pháp quyền được nhìn nhận như “một phương thức thực hiện quyền lực, một cách thức tổ chức nền dân chủ, cách thức tổ chức nhà nước và xã hội trên nền tảng dân chủ. Điều đó có nghĩa là Nhà nước pháp quyền gắn liền với một nền dân chủ, tuy không phải là một kiểu Nhà nước được xác định theo lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, nhưng không thể xuất hiện trong một xã hội không có dân chủ”(5).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực Nhà nước”(6). Để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền cần “mở rộng dân chủ phải đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; quyền lợi đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ, dân chủ được thể chế hoá thành pháp luật, dân chủ trong khuôn khổ pháp luật; khắc phục tình trạng vô kỷ luật, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ để gây rối.

Để thực hiện mục tiêu đó, điều quan trọng hàng đầu là “nâng cao chất lượng chế độ dân chủ đại diện, mở rộng và có cơ chế từng bước thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp một cách thiết thực, đúng hướng và có hiệu quả; “thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(7). Cần tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãnh phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội. Đây là một trong mười hai định hướng lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được khẳng định rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Sự khẳng định đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế.

 Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, “Nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tại Nghệ An.

Quán triệt chủ trương của Đảng về phát huy dân chủ trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, trong suốt những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc phát huy dân chủ đối với Nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX nêu rõ “Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân”. Thực hiện dân chủ trong việc ngày càng công khai minh bạch các chương trình, dự án, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình ở các địa phương, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia góp ý, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới, người dân đã phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong việc bàn bạc và quyết định việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch gắn với tình hình đặc điểm từng địa bàn. Ban Thường vụ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ phải trực tiếp đi cơ sở, tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, nắm bắt tình hình, nguyện vọng của Nhân dân để có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát đúng với tình hình thực tiễn.

Xác định, phát huy tốt dân chủ sẽ khơi dậy được sức mạnh tiềm tàng và vô tận trong Nhân dân. Để làm được điều đó, Đảng cần phải dựa vào Nhân dân, lắng nghe dân, phát huy vai trò của Nhân dân. Tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên. Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Môi trường chính trị phải dân chủ, ổn định, an toàn, an ninh để người dân yên tâm, nỗ lực hết mình trong học tập, làm việc, sản xuất, kinh doanh; phải “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ”. Để làm được điều này cần tạo điều kiện cho Nhân dân giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; khuyến khích các tầng lớp Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; nỗ lực phấn đấu, phát huy thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng XHCN vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.