Bãi bồi Phú Xuân trước đây toàn năn lác, cỏ dại

“Làm nhà” gọi rươi về

Bãi bồi xóm Phú Xuân (xã Trung Phúc Cường) trước đây để hoang hoá, năn lác cao quá đầu người do vừa cách trở sông nước lại hay ngập lụt. Tình cờ, phát hiện ra vùng bãi bồi này có rất nhiều rươi, anh Phan Ngọc Anh (sinh năm 1987, xã Hưng Thành, Hưng Nguyên) đã hợp đồng thuê đất bãi bồi ở xã Trung Phúc Cường, cải tạo làm đầm nuôi rươi. “Quê em, vùng Châu Nhân nổi tiếng với đặc sản rươi, giá rươi lúc khan hiếm lên đến 700-800.000 đồng/kg, tương đương với 1 tạ lúa. Thế nhưng, nguồn thu này hoàn toàn thụ động, được mất đều phụ thuộc cả vào trời và chỉ chờ đến mùa đi vớt “lộc”. Đặc thù công việc, em tiếp xúc nhiều với người dân Hải Dương, trực tiếp ra thăm, trải nghiệm “vựa rươi” Tứ Kỳ, Thanh Hà và quen thân với anh Sửu người Hải Dương nên hai anh em nảy ra ý tưởng về Nghệ An khởi nghiệp bằng nghề nuôi rươi”, anh Ngọc Anh chia sẻ.

Sau khi thuê được đất, hai anh em đã đổ tiền tỷ vào bãi bồi rộng cả chục ha để cải tạo đất. Những vùng bãi bồi sình lầy, trũng sâu toàn năn, lác, cỏ dại được san bằng, đắp thành từng ô, thửa. Máy múc, máy cày làm việc suốt ngày đêm, hàng chục nhân công dùng bàn trang, cào sắt lên luống, san bằng bùn đất… Ròng rã cả năm trời, những ô, thửa nuôi rươi mới thành hình. “Nói là nuôi rươi nhưng thực chất là dưỡng, chăm rươi. Con rươi có sẵn trong lòng đất, là mình chỉ cải tạo ruộng, làm nhà cho rươi ở, tạo môi trường thuận lợi cho rươi sinh sống, phát triển. Cỏ dại, năn, lác dùng máy làm đất dập nát thành mùn làm thức ăn cho rươi; đất được cày sâu, san bằng, tạo độ tơi xốp để rươi có chỗ ở, sẵn thức ăn thì rươi to, béo hơn, bán được giá hơn”, anh Ngọc Anh cho biết.

Anh Phan Ngọc Anh đầu tư tiền tỷ thuê đất, cải tạo thành đầm rươi

Theo ước tính của anh Ngọc Anh thì nếu cải tạo xong 8 đầm rươi thì hết khoảng từ 4-5 tỷ đồng chi phí xây mương dẫn nước, lắp cửa cống và cải tạo đất, sử dụng mùn hữu cơ bón lót dưới đầm. Bỏ ra số vốn không ít nhưng theo anh Ngọc Anh thì nếu thành công, thu nhập từ con rươi là không hề nhỏ. Thay vì phụ thuộc vào sự may rủi của “lộc trời” hàng năm thì với kinh nghiệm hàng chục năm nuôi rươi ở Hải Dương, anh Nguyễn Văn Sửu cho biết: “Phải biết cách “gọi” rươi về, biết cách nuôi cho rươi to, béo. Đó là trồng lúa hữu cơ 1 vụ, vừa có thu nhập từ lúa, vừa tạo nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho rươi, giúp đất tơi xốp để con rươi dễ đậu, dễ phát triển. Trước, do không có bờ bao nên rươi nổi dềnh theo con nước,vớt không kịp thì thất thoát hết. Nay, bờ bao gia cố chắc chắn, có cống đón rươi nên khi rươi lên, được giá thì vớt bán; còn rươi rẻ thì đóng cống, “găm rươi”, chờ rươi lên giá thì tháo nước, vớt rươi để bán”.

Ngoài ra, người nuôi rươi phải nắm rõ đặc tính sinh trưởng, phát triển của con rươi để biết cách khai thác hợp lý. “Thực chất, rươi có quanh năm. Rươi chỉ sinh trưởng, phát triển tốt ở khu vực có độ mặn trên dưới ba phần nghìn. Quá trình nổi của rươi thực chất là quá trình sinh sản. Khi ấy, con rươi chỉ nhỏ như đầu tăm, dài có khi đến nửa mét, dồn toàn bộ dinh dưỡng lên đầu rồi tự đứt đoạn, sau đó, từ dưới lòng đất nổi lên mặt nước. Trong phần đầu của chúng chứa trứng, gặp nước mặn chúng tự vỡ, trứng rươi hoà vào bọt nước, quay lại ao đầm tiếp tục một chu kỳ sinh trưởng mới. Mùa rươi tập trung vào tháng 9-11 âm lịch nhưng các tháng khác trong năm vẫn có, chỉ là lượng ít hơn, mỗi tháng vào mồng một âm lịch và Rằm, hai lần nước lên thì vẫn đón được rươi. Lúc này, rươi ít hơn nhưng lại được giá”.

Phát triển rươi hàng hoá, xây dựng rươi thành sản phẩm OCOP

Theo dự định của anh Ngọc Anh, sắp tới, sau khi hoàn thành việc cải tạo đầm nuôi thì sẽ đưa các giống lúa thơm ngon vào trồng hữu cơ, vừa tạo nguồn thu từ lúa, vừa tạo thức ăn cho rươi. Cũng từ ruộng rươi, sẽ có thêm nguồn thu từ tôm, cá bống, cáy, rạm… “Điều quan trọng nhất là phải tuân thủ nguyên tắc hoàn toàn hữu cơ vì rươi là giống “quái sản”, mẫn cảm với chất hoá học. Để giữ rươi, chỉ có cách duy nhất là làm nhà cho rươi ở như đắp bờ quây bãi, cải tạo đáy đầm, làm mặt ruộng tơi xốp và đoạn tuyệt hẳn với thuốc trừ sâu cũng như các loại phân bón hoá học. Con rươi ngày càng vắng trên các chân ruộng là do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu”, anh Anh cho biết.

Kiểm tra rươi

Và để bãi bồi hoang hoá này trở thành vùng nuôi rươi trù phú thì đầu ra cho con rươi cũng rất quan trọng. Do đó, ngoài bán rươi tươi thương phẩm cho các đầu nậu thì anh đang hoàn thiện nhà xưởng để chế biến con rươi thành các loại đặc sản như: Mắm rươi, chả rươi, nước mắm cáy, chả cáy khai thác được từ ruộng rươi. Mặt khác, đăng ký xây dựng thành sản phẩm đạt sao OCOP, kết nối tiêu thụ ở thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.  “Rươi là thực phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng, lại chế biến được nhiều món ngon. Giá bán cao, giá trị kinh tế đem lại cao, lại bảo vệ được môi trường sinh thái. Phát triển con rươi hàng hoá là hướng đi nhiều triển vọng. Thế nhưng, việc đầu tư tiền tỷ vào cánh đồng rươi theo nhiều người vẫn coi là “mạo hiểm”. Bởi, diện tích bãi bồi ngoài đê này là đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích do xã quản lý (đất 5%), được cho thuê với hình thức đấu thầu (thời gian tối đa 5 năm theo quy định). Trong khi đó, thời gian cải tạo đất, xây dựng vùng nuôi rươi mất đến 2 năm với chi phí lên đến 4-5 tỷ đồng. Do đó, nếu chỉ khai thác trong 3 năm thì rất khó để có lãi, nếu trời không thuận thì coi như đổ bể.

Những ô thửa nuôi rươi

Anh Phan Ngọc Anh tâm tư: “Rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện thuê đất lâu dài bằng cách gia hạn thời gian để những người nuôi rươi như chúng tôi yên tâm đầu tư kinh phí dài hơi để phát triển nghề nuôi rươi. Ngoài bảo tồn một giống thuỷ sản đặc hữu cho địa phương, phát triển thành đặc sản, thành hàng hoá thì chính nghề nuôi rươi sẽ phát huy được lợi thế vùng bãi bồi, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương. Nay, để duy trì đầm rươi này, mỗi ngày vẫn phải thuê 15-20 lao động với mức tiền công 350.000 đồng/ngày”.

Và về lâu dài, Ngọc Anh còn ấp ủ dự định về du lịch sinh thái từ đầm rươi, vừa tạo nguồn thu, vừa là cách quảng bá nét đặc sắc ẩm thực, đặc sản vùng bãi bồi sông Lam. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) cho biết: “Quan điểm của xã là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Tuy nhiên, việc thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải tuân thủ nghiêm theo quy định của pháp luật”.