Đáp ứng mong mỏi của người lao động
Nghị quyết 11/NQ-CP nêu rõ, trong 2 năm 2022 - 2023 sẽ hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.
Thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ như: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng nguồn vốn tối đa 10 nghìn tỷ đồng; cho vay cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…, tổng nguồn vốn tối đa 15 nghìn tỷ đồng; tiếp tục cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động.
Cần giảm bớt những điều kiện gây khó cho người lao động Nguồn: ITN
Cùng với đó, Chính phủ sẽ đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động; xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp…
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, các chính sách này đáp ứng được một phần mong mỏi của doanh nghiệp và người lao động. Tương tự, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, các doanh nghiệp đang vào giai đoạn phục hồi sản xuất và hầu hết người lao động đã quay lại làm việc. Trong bối cảnh như vậy, các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 11 giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí và người lao động yên tâm làm việc.
Nên hỗ trợ qua doanh nghiệp
Chính sách đã có, điều quan trọng là triển khai thực hiện ra sao để nguồn lực hỗ trợ tới với người lao động nhanh chóng và kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chính quyền các cấp, đặc biệt là phường, xã phải hết sức tạo điều kiện để người lao động tiếp cận các chế độ an sinh xã hội. Nếu lỏng lẻo sẽ thất thoát tiền của Nhà nước, nhưng làm chặt thì tiền lại không đến được tới tay người dân, doanh nghiệp. “Cần đơn giản hóa các thủ tục, cắt bớt những tiêu chuẩn rườm rà, gây cản trở cho những người lao động và phải công khai, minh bạch mọi thủ tục, mọi đối tượng, tiêu chuẩn được nhận. Ví dụ, công nhân ở trọ được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà thì những người đứng tên hợp đồng thuê nhà hay chủ nhà trọ hưởng? Nhận hỗ trợ ở phường hay ở đâu? Nếu các điều kiện không rõ ràng sẽ rất mất thời gian và người lao động không nhận được hỗ trợ kịp thời”, ông Bé nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đề xuất giải pháp để triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động. Theo đó, với những lao động làm việc trong doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp sẽ lên danh sách đối tượng thụ hưởng. Nhà nước có thể trực tiếp hỗ trợ qua số tài khoản của người lao động mà doanh nghiệp đã cấp. Như vậy, doanh nghiệp có thể tham gia giám sát, tránh bỏ sót đối tượng, tránh hỗ trợ cả những lao động đã nghỉ việc. Với lao động tự do, chính quyền và địa phương cùng kiểm soát. Trong thời gian công nhân nghỉ để tìm việc, nếu ở trọ thì chủ nhà trọ, chính quyền địa phương sẽ lên danh sách để theo dõi và hỗ trợ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội, hỗ trợ người lao động nên thực hiện thông qua doanh nghiệp để bảo đảm chính xác. Trường hợp hỗ trợ thông qua chính quyền địa phương phải có những cam kết lâu dài về nơi thực hiện, xác định đúng đối tượng, kế hoạch rõ ràng mới đúng và sâu sát.