
Chuyện cây cầu gãy và người giữ bản đồ
Cách đây ít lâu, trong một chuyến công tác vùng sâu, tôi đi cùng một anh cán bộ xã trẻ tuổi. Đường vào một bản nhỏ có một cây cầu gỗ bị mục, mưa kéo trôi đi nửa khúc. Anh dừng lại, bối rối, rút điện thoại ra xem bản đồ vệ tinh.
Tôi hỏi: "Cháu xem gì vậy?".
Anh đáp: "Dạ, con kiểm tra xem người dân đi vòng đường nào ngắn hơn, có lội được suối không".
Rồi anh mở tiếp dữ liệu dân cư, nói nhỏ: "Bản này có 38 hộ, nhưng 12 hộ người già neo đơn. Nếu họ không đi được chợ bên kia, tụi con phải tính cấp lương thực mấy ngày".

Cán bộ thực chiến là người gần dân, hiểu dân nhất (Ảnh minh họa: Hoài Sơn).
Nhìn cậu cán bộ xã, tôi không chỉ thấy một cán bộ. Tôi thấy một người giữ bản đồ phát triển. Một người không chỉ nhớ nghị quyết, mà dùng nghị quyết để chạm tới từng bước chân người dân. Đó là hình ảnh tôi gọi là "cán bộ thực chiến".
Không gian mở rộng, tư duy cũng phải mở
Việc hợp nhất các đơn vị hành chính không chỉ là bài toán tổ chức lại bộ máy. Đó còn là phép thử lớn với đội ngũ cán bộ cơ sở. Khi ranh giới hành chính được xóa mờ, không gian quản lý rộng hơn, dân số đông hơn, vấn đề phức tạp hơn, kỳ vọng cũng cao hơn. Và trong không gian mới ấy, không thể đi bằng tư duy cũ, cách làm cũ.
Nhiều cán bộ từng quen với vùng mình, người mình, "ngành mình", nay cần học cách làm việc trong mạng lưới liên xã, liên ngành, liên chủ thể. Không chỉ giải quyết công việc trong xã, mà phải kết nối cho cả vùng phát triển. Không gian phát triển không chỉ là nơi ta đứng, mà là nơi ta nhìn tới.
Không gian mới không phải là diện tích thêm vài chục cây số vuông, mà là sự tích hợp. Tích hợp những giá trị sinh thái cần được bảo tồn. Tích hợp những cơ hội kinh tế cần được khai phá. Tích hợp những bản sắc văn hóa cần được nuôi dưỡng, và những mối liên kết cộng đồng cần được làm mới. Muốn vậy, cán bộ cơ sở phải hiểu biết về kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm lý và hành vi con người.


Chúng ta không thể quản lý một tương lai rộng lớn bằng những công cụ lạc hậu. Muốn làm tốt điều đó, cán bộ không chỉ cần lòng nhiệt thành. Cần cả tư duy hệ thống, kỹ năng tích hợp, khả năng phản biện và nhất là sự khiêm tốn học hỏi không ngừng.
Bác Hồ từng nhắc nhở: "Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ".
Cán bộ thực chiến
Cán bộ nghị quyết thuộc lòng văn bản, nhưng có thể lúng túng khi gặp một cụ già hỏi về đường đi ra chợ khi cây cầu bị gãy. Cán bộ thực chiến không chỉ "thuộc" mà còn "hiểu", không chỉ "hiểu" mà còn "hành động". Cán bộ cơ sở phải là cán bộ hành động, là cán bộ thực chiến.
Cán bộ thực chiến có thể biến báo cáo thành ngôn ngữ dễ hiểu cho người dân, biến bản đồ hành chính thành bản đồ sống về sinh kế, dòng chảy thương mại, những điểm nghẽn kết nối, biến chủ trương thành cuộc đối thoại chân tình với bà con, nơi người dân được nghe, được góp ý, được đồng hành.
Bác Hồ từng căn dặn: "Tôi khuyên các bạn là chớ có đặt những chương trình mênh mông, đọc lên nghe sướng tai nhưng không thực hiện được".
Và trong thời đại dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, cán bộ cần có thêm một kỹ năng mới: biết đọc dữ liệu như đọc lòng người. Cấp cơ sở là cấp gần dân nhất, sống trong lòng dân, cùng làm việc và kiến tạo phát triển với người dân.
Cấp cơ sở là cấp gần dân nhất, sống trong lòng dân, cùng làm việc và kiến tạo phát triển với người dân.


Không cần phải biết lập trình, nhưng cần biết đặt câu hỏi đúng, sử dụng bản đồ số, đọc chỉ số phát triển kinh tế - xã hội để biết vùng nào còn khó khăn, hộ nào cần trợ giúp, tài nguyên nào đang bị bỏ phí, và sáng kiến nào đang âm thầm nở hoa trong cộng đồng. Chúng ta cần hiểu sâu sắc rằng trí tuệ nhân tạo không thay thế cán bộ, nhưng cán bộ không hiểu trí tuệ nhán tạo sẽ bị bỏ lại sau chính người dân mà họ đang phục vụ.
Làm mới mình để dẫn dắt cái mới
Sự khác biệt giữa quản lý một địa phương và kiến tạo một không gian phát triển chính là ở chỗ: một bên là giữ cho mọi việc ổn định, một bên là tạo nên sự thay đổi tích cực. Chỉ có sự thay đổi tích cực mới tạo ra cơ hội mở ra những không gian phát triển mới, thay vì chỉ đo lường bằng quy mô sản lượng.
Không thể kỳ vọng cán bộ cơ sở phải thành chuyên gia ngay. Nhưng chỉ cần một tư thế mới, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn thì sẽ có thêm rất nhiều người như anh cán bộ trẻ bên cây cầu hôm nào, biết tra bản đồ, biết lắng nghe dân, biết kết nối mạng lưới, biết làm việc trên nền tảng số, và hơn hết, biết đặt trái tim vào từng điều nhỏ bé.
Cán bộ thực chiến biết lắng nghe từng người, mà không quên cả cộng đồng. Đi cơ sở, tôi từng nghe một cán bộ tâm sự: "Báo cáo thì có số liệu, có chỉ tiêu, nhưng đi xuống từng ấp, từng nhà, tôi mới thấy mỗi người dân có một nỗi niềm riêng. Không ai giống ai cả".
Đúng vậy. Làm cán bộ, không thể "sao y" cách tiếp cận cho mọi đối tượng. Phải biết lựa "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh".
Cán bộ thực chiến cần thẩm thấu một điều đơn giản là có người dân chỉ cần nghe một ví dụ gần gũi là hiểu; có người phải thấy người hàng xóm làm rồi mới tin; có người cần được dẫn dắt từng bước nhỏ để không bị choáng ngợp; có người từng thất bại với chính sách trước, giờ cần sự kiên nhẫn để gầy dựng lại niềm tin.
Cán bộ cơ sở cần tiếp cận con số thực thay vì tỷ lệ phần trăm, biết rõ có bao nhiêu hộ nghèo trên địa bàn, gia cảnh cụ thể ra sao, nhà ở đâu, tư liệu sản xuất thế nào… thay cho con số tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5 hay 10%.

Đó chính là tâm lý học hành vi, là biết thiết kế chính sách theo con đường mà người dân thực sự đi được, chứ không phải theo điều mà mình nghĩ họ nên đi.
Muốn người dân tin, phải đi một đoạn đường cùng bà con. Muốn dân hiểu, phải nói bằng ngôn ngữ đời thường. Muốn dân làm, phải tạo điều kiện để người dân bắt đầu từ điều nhỏ nhất.
Cá nhân hóa nhưng không cô lập
Cá nhân hóa không có nghĩa là mạnh ai nấy làm. Cá nhân hóa là hiểu từng người để dẫn dắt mọi người hòa vào sức mạnh cộng đồng. Một hộ nông dân nghèo, chưa từng trồng trọt đúng kỹ thuật thì thay vì ép bà con làm đủ tiêu chuẩn ngay từ đầu, hãy giúp bà con thử trên một liếp rau nhỏ, rồi nhân rộng ra dần. Hãy để bà con được thấy kết quả thật, cảm nhận niềm vui thật. Một hộ từng bị thương lái lừa, không muốn tham gia hợp tác xã, thay vì trách bà con "thiếu hợp tác", hãy chia sẻ câu chuyện của một người tương tự, đã vượt qua nỗi sợ và thành công. Đó là lúc chính sách không còn là con chữ, mà là sự thấu cảm.
Không ai làm nên thay đổi lớn chỉ một mình. Cán bộ thực chiến là người biết kéo từng người ra khỏi tư duy cá thể, nối từng gia đình vào mạng lưới cộng đồng, cùng sinh hoạt trong không gian cộng đồng mở thay vì trong các hội trường: một góc sân vườn, một hiên nhà, một hội quán, một góc cà phê khuyến nông v.v, . Không gian càng gần gũi thiên nhiên, bà con càng dễ mở lòng.
Cán bộ cơ sở là người gieo ý thức cho bà con: làm nông không chỉ để đủ ăn, mà để cùng nhau sống tốt hơn, mỗi hộ là một mắt xích, hợp lại thành chuỗi giá trị; mỗi lời nói hay, việc làm đúng đều là viên gạch xây niềm tin tập thể. Cộng đồng không phải là nơi ai cũng giống nhau, mà là nơi người ta chấp nhận khác biệt để cùng đi xa.

Người cán bộ thực chiến không phải là người mang sẵn giải pháp, mà là người biết gợi mở đúng vấn đề, đặt câu hỏi đúng lúc, có khả năng dẫn dắt bằng ví dụ sống động, và dám trao lại quyền chủ động cho cộng đồng. Cán bộ thực chiến không áp đặt, mà biết thiết kế hành vi và kiến tạo môi trường để người dân từng bước tới thay đổi.
Người thắp đèn cho vùng đất mới
Chính sách hay đến mấy, nếu không đi qua cánh cửa trái tim người dân thì cũng chỉ là văn bản. Người cán bộ thực chiến cần nhiều thứ: kiến thức, dữ liệu, kỹ năng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là trái tim rộng mở để thấy mỗi người dân là một thế giới, và khát vọng tập thể là một dòng sông cần được dẫn lối. Chúng ta không quản lý "dân số". Chúng ta đồng hành với con người, từng người, từng ước mơ, từng khả năng vươn lên.
Bà con không nhớ chúng ta ngồi ghế gì, mà bà con chỉ nhớ đến những người đã thắp lên ngọn đèn nào. Không gian phát triển mới cần những người cán bộ như ngọn đèn nhỏ, chiếu rọi từng ngóc ngách của đời sống, từng hi vọng thầm lặng của bà con. Nếu mỗi cán bộ học thêm một kỹ năng, dám thử một cách làm mới, biết đặt mình vào vị trí của người dân, thì nghị quyết sẽ không nằm trên giấy, mà sống trong từng trái tim và niềm tin của cộng đồng.

Ông Lê Minh Hoan đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội từ cuối tháng 2/2025 (Ảnh: Nguyễn Dương).
Tác giả: Ông Lê Minh Hoan là Phó Chủ tịch Quốc hội từ cuối tháng 2/2025. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; từng đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ 2021-2025. Ông cũng từng là Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Thời kỳ công tác tại địa phương, ông Lê Minh Hoan còn được biết đến là tác giả của nhiều bài báo với bút danh "Xích Lô", gửi gắm những trăn trở về chiến lược phát triển địa phương, về vai trò của người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa…