Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua. Điều đó cho thấy, trong quá trình sử dụng tài sản công vẫn còn có sự lãng phí, trong đó có trụ sở bỏ không sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021" cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn này cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả.

Có nhiều lý do dẫn đến việc xử lý tài sản công sau sắp xếp gặp khó. Đó là khi chuyển các tài sản công này cho các cơ quan, đơn vị, thì nhiều cơ quan, đơn vị ở các địa bàn khác nhau không có nhu cầu. Ngoài ra, khi muốn chuyển tài sản công, muốn định giá để bán tài sản công này cũng khó để tìm được các cơ quan định giá và trong điều kiện trầm lắng cũng khó bán được tài sản công này. Trong khi đó, chuyển tài sản này sang mục đích khác để định giá thì những trụ sở này phải được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch và phải làm một loạt các thủ tục khác. Vì vậy, “sẽ khó trong vấn đề này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Cũng bởi có những cái khó này mà một số địa phương còn ngại ngần khi thanh lý, bán đấu giá trụ sở. Có thể do có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, nhưng cũng có thể vì chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn để địa phương đủ tự tin làm mà không sợ sai, không sợ gánh trách nhiệm.

Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án. Các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý, trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trụ sở để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp. Chính quyền địa phương các cấp chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

Để thúc đẩy tiến độ thực hiện, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện về việc rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan và các địa phương. Tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt này, trong thời gian tới, sẽ không còn xảy ra tình trạng trụ sở sau sắp xếp bị bỏ không, gây lãng phí.