Theo chương trình dự kiến, thời gian làm việc của Kỳ họp thứ Năm là 22 ngày. Thời gian không dài nhưng rất nhiều vấn đề quan trọng được đặt lên bàn nghị sự để Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định tại kỳ họp này. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết. Trong đó, có Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28.11.2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về 9 dự án luật.

Quả thực, nhìn vào khối lượng công việc lập pháp, với 17 dự án luật, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật và cho ý kiến với 9 dự án luật trong khuôn khổ thời gian chỉ gói gọn trong 22 ngày là một nhiệm vụ rất nặng nề đặt ra tại Kỳ họp này. Trong đó, việc cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi dự án luật vừa được lấy ý kiến nhân dân là một trong những “điểm nhấn” lập pháp của kỳ họp. Là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước, do đó, việc sửa Luật Đất đai được xác định trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Việc sửa Luật Đất đai liên quan đến khoảng 100 luật khác nhằm khắc phục những bất cập của luật hiện hành, giải quyết được những điểm “vênh” trong các quy định liên quan đến đất đai, giảm được khiếu nại, khiếu kiện cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai. Nhiệm vụ nặng nề này đòi hỏi các đại biểu Quốc hội phải thật sự phát huy trí tuệ, trách nhiệm để thảo luận thấu đáo đối với từng nhóm chính sách, góp phần hoàn thiện dự thảo luật để khi được Quốc hội xem xét thông qua, Luật bảo đảm tính khả thi, phát huy được hiệu quả của nguồn lực đất đai đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng với công tác lập pháp, Quốc hội cũng tiến hành xem xét các báo cáo, trong đó có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022... Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Đồng thời, Quốc hội cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn...

Đây là những vấn đề lớn được đưa vào chương trình kỳ họp này. Việc thành công của kỳ họp hay không phụ thuộc rất lớn vào đóng góp hoạt động của mỗi cá nhân đại biểu Quốc hội. Chỉ khi phát huy trách nhiệm cá nhân, thể hiện được bản lĩnh, đưa tiếng nói, nguyện vọng của cử tri, của nhân dân vào diễn đàn Quốc hội qua từng góp ý đối với dự thảo luật, với các nhóm chính sách cần thảo luận thì đại biểu Quốc hội mới thể hiện được trách nhiệm trước cử tri. Với trách nhiệm của mình, đại biểu cần thẳng thắn chỉ rõ được những ưu điểm, hạn chế trong quản lý điều hành, đặc biệt là đưa ra những hiến kế giải pháp. Qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước, giúp Chính phủ nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, giúp Quốc hội đưa ra các quyết đáp kịp thời.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nhấn mạnh “lấy chất lượng kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian”. Từ những thành công của các kỳ họp trước, với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của các cơ quan của Quốc hội, với sự đổi mới không ngừng của Quốc hội, và trách nhiệm trước cử tri của mỗi đại biểu Quốc hội, tin rằng, Kỳ họp thứ Năm sẽ hoàn thành được khối lượng lớn công việc đã đề ra, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Song Hà