Các đồng chí: Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết 26; Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết 26; Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết 26, Tổ trưởng Tổ Biên tập đồng chủ trì Toạ đàm.Tham dự Toạ đàm có các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thường trực Tỉnh uỷ, các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương.Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập và đại diện Thường trực Thành uỷ Vinh và các huyện, thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hoà, Đô Lương, Con Cuông.

bna-img-3824-897--n2.jpg

Toàn cảnh Tọa đàm khoa học: “Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ảnh: Thành Duy

THỐNG NHẤT NHẬN THỨC, XÂY DỰNG CÁC LUẬN CỨ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 với mục tiêu: Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp.

Năm 2019, Bộ Chính trị đã sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26; đồng thời ban hành Thông báo số 55, trong đó đề ra các nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26 và tổ chức tổng kết vào năm 2023.

Phát biểu chào mừng Tọa đàm, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2022 đến nay, Tỉnh ủy Nghệ An đã dành nhiều thời gian, công sức để triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng được ưu tiên hàng đầu.

bna-quy-1278--n1.jpg

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết 26 phát biểu chào mừng Tọa đàm. Ảnh: Thành Cường

Cùng với tổng kết Nghị quyết, Tỉnh ủy Nghệ An đã tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức khảo sát thực tiễn; đặt hàng nghiên cứu chuyên sâu trên các lĩnh vực; tổ chức tọa đàm, hội thảo nhằm có thêm cơ sở khoa học cho việc đánh giá tình hình phát triển của tỉnh gần 10 năm qua và xác định quan điểm, định hướng phát triển những năm tới.

"Tọa đàm hôm nay sẽ giúp Ban Chỉ đạo Đề án và Tỉnh ủy Nghệ An nhìn nhận rõ hơn, cụ thể hơn về những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm trong 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26. Đồng thời, làm sáng tỏ hơn những vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra đối với phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là bước rất quan trọng nhằm bổ sung, hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết bảo đảm tiến độ, chất lượng để trình Bộ Chính trị đúng yêu cầu theo kế hoạch đề ra", Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo định hướng Tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, Tọa đàm nhằm thống nhất chung các nhận thức, xây dựng các luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

bna--1280--n1.jpg

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết 26 phát biểu định hướng Tọa đàm. Ảnh: Thành Cường

"Những ý kiến tại Tọa đàm là nền tảng rất cơ bản, quan trọng trên tinh thần nói thẳng, nói thật và trao đổi đi vào thực chất, có trách nhiệm để chúng ta có cơ sở cả thực tiễn và khoa học để thống nhất về quan điểm, nhận thức, phục vụ Bộ Chính trị nghiên cứu, ban hành Nghị quyết mới cho Nghệ An", đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trên cơ sở yêu cầu, mục tiêu đề ra, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW; Làm nổi bật hơn các kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong 10 năm qua; phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế và đặc biệt là phải làm rõ các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan.

bna-1-4079--n1.jpg

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Tọa đàm. Ảnh: Thành Cường

Xác định đúng vai trò của tỉnh Nghệ An trong khu vực Bắc Trung Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong tổng thể quốc gia; Thảo luận, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài và khai thông các nguồn lực tại chỗ.

Làm rõ các điểm “nghẽn” về cơ chế, chính sách và công tác phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong triển khai, thực hiện; Đánh giá về phát triển từng lĩnh vực, địa bàn trong tỉnh, tìm ra các điểm đặc thù, các lợi thế cần được khai thác; gợi mở các mô hình tốt, cách làm hay xuất phát từ thực tiễn.

NHIỀU Ý KIẾN TÂM HUYẾT, TRÁCH NHIỆM, THẲNG THẮN

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Trương Đình Tuyển - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã phân tích bối cảnh ban hành Nghị quyết số 26, gắn với đánh giá quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, ông cho rằng, sự phát triển của Nghệ An phải gắn với sự phát triển chung của thời đại, với tầm nhìn mới, phương pháp mới, có tính đột phá, đặc biệt là phải có khát vọng mới.

bna-tuyen-7036.jpg

Đồng chí đồng chí Trương Đình Tuyển - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Trương Đình Tuyển cũng nêu bật tầm quan trọng của sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện, nhất là trong việc vượt qua các thách thức nảy sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Cùng với đó là vai trò quan trọng trong việc ứng dụng thành quả Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là phải ứng dụng chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển các mô hình kinh tế mới, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực thông qua cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cải cách hành chính; đồng thời cố gắng phát huy cao hơn nữa tính cách của con người Nghệ An cho phát triển.

Sau khi đúc rút 6 kết quả đạt được, 4 hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 26, đồng chí Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã góp ý một số phương hướng cho tỉnh thời gian tới. Trong đó, đề nghị Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Nghị quyết với chủ đề: Giải phóng tư tưởng, quyết chí làm giàu, sớm đưa Nghệ An ra khỏi tỉnh nghèo; trong đó mục tiêu đến năm 2030 ít nhất là cân đối được thu chi ngân sách và đến năm 2040 không chỉ thu ngân sách đủ chi mà còn kết dư phát triển.

bna-hop-4529.jpg

Đồng chí Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Lê Doãn Hợp cũng đề nghị, sự phát triển của tỉnh cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời nhấn mạnh thêm 3 điều kiện phát triển là cần tiếp tục đoàn kết quyết liệt hơn; khai thác hiệu quả nguồn lực cả ở địa phương, Trung ương, quốc tế; đặc biệt cần phải khai thác chất xám, nguồn lực của người người Nghệ An trong và ngoài nước hiệu quả hơn.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã phân tích sâu về sự phong phú và đặc sắc của tài nguyên văn hóa, lịch sử, đặc biệt là con người Nghệ An. Trên cơ sở đó, ông đề nghị cần tăng cường tính kết nối, liên thông trong quy hoạch phát triển giữa kinh tế và văn hóa.

bna-ly-1915.jpg

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Phạm Bằng

Đóng góp ý kiến về lĩnh vực đô thị, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích, nhấn mạnh vai trò của đô thị hóa như một động lực cho sự phát triển của tỉnh, trong đó đặc biệt là vai trò của đô thị Vinh mở rộng, TX Hoàng Mai, TX Thái Hòa, Đô Lương, Con Cuông.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính đồng thời nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết phải hình thành, nâng cấp của các cơ sở hạ tầng chiến lược về mặt kinh tế như: Đường cao tốc, cảng biển nước sâu, Cảng hàng không quốc tế; cũng như các cơ sở hạ tầng xã hội, đặc biệt cần có Bảo tàng Hồ Chí Minh.

bna-chinh-4029.jpg

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Phạm Bằng

Đặc biệt quan tâm tới vấn đề nhận thức, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh tính hệ thống, tính quốc gia khi ban hành Nghị quyết mới cho tỉnh Nghệ An; phải làm rõ vai trò của Trung ương, địa phương trong việc tổng kết Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, đặc biệt là vai trò của Trung ương.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cũng gợi ý các điểm đột phá cho tỉnh phát triển trong thời gian tới là cơ sở hạ tầng chiến lược, quy hoạch nguồn lực về đất đai cho phát triển công nghiệp, phát huy giá trị văn hoá xứ Nghệ, giá trị truyền thống của đồng bào; phát huy hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực kiều hối bằng cách xây dựng chính sách phù hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính, số hoá, mạnh dạn đổi mới và thí điểm về công tác nhân sự.

bna-dung-5376.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Thành Cường

bna-ngoc-435.jpg

Đồng chí Tạ Quang Ngọc - nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản phát biểu một số nội dung xung quanh đánh giá và các giải pháp về phát triển kinh tế biển. Ảnh: Thành Cường

Đóng góp ý kiến vào dự thảo tổng kết, đồng chí Nguyễn Thế Trung - nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An cho rằng, cần phân tích cụ thể hơn các khó khăn, hạn chế, nguyên nhân trong giai đoạn phát triển 10 năm qua, đặc biệt là môi trường kinh doanh, sự quan tâm của Trung ương đối với phát triển của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thế Trung cũng cho rằng, cần xác định rõ hơn trọng tâm, trọng điểm phát triển các lĩnh vực, dựa trên các tiềm năng, lợi thế, sự quan tâm tương xứng của Trung ương cho tỉnh Nghệ An.

bna-trung-7623.jpg

Đồng chí Nguyễn Thế Trung - nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Thành Cường

Nhấn mạnh sứ mệnh quốc gia của Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đối với tỉnh Nghệ An, PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần làm rõ, sâu hơn vai trò của các bên liên quan đối với việc thực hiện mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết, nhất là những chỉ tiêu chưa đạt được. Chú trọng hơn tính khả thi, tính thực tiễn của các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra; nghiên cứu kỹ hơn về khía cạnh thể chế, thời gian, nguồn lực, hoàn cảnh cụ thể, bối cảnh mới khi ban hành Nghị quyết mới.

PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cần phải có cơ chế, thể chế ưu tiên đối với các vùng trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh Nghệ An; ưu tiên các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược; phát triển thành phố Vinh về kinh tế - văn hoá xứng tầm của vùng Bắc Trung Bộ; phát triển vùng miền Tây Nghệ An theo một phương thức mới, gắn với chuỗi giá trị công nghệ cao; chiến lược phát triển doanh nghiệp xứng tầm; tăng cường phân cấp, phân quyền, giao quyền nhiều hơn cho tỉnh Nghệ An để thực hiện sứ mệnh quốc gia trong Nghị quyết mới.

bna-thien-9661.jpg

PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Phạm Bằng

ĐỀ XUẤT BAN CHỈ ĐẠO TRÌNH BỘ CHÍNH TRỊ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT MỚI VỀ NGHỆ AN

Phát biểu kết luận tọa đàm, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Kinh tế Trung ương trong năm 2022 và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của Bộ Chính trị và đã được thông qua trong kế hoạch công tác của toàn khóa.

Một trong những yêu cầu rất quan trọng của Bộ Chính trị cũng như Ban Chỉ đạo đặt ra là phải thực hiện tổng kết một cách khách quan, toàn diện, bám sát tinh thần, mục tiêu, nội dung, cũng như các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 đã được các tổ chức trong hệ thống chính trị đề ra. Từ đó, Ban Chỉ đạo sẽ có cơ sở để xây dựng báo cáo tổng kết và dự thảo Nghị quyết mới cho phát triển tỉnh Nghệ An giai đoạn tới trình Bộ Chính trị nhằm phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh Nghệ An.

bna--1280--n2.jpg

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết 26 phát biểu kết luận Toạ đàm. Ảnh: Thành Cường

Nghị quyết mới phải bám sát các chủ trương về phát triển vùng tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; cũng như cụ thể hóa các định hướng tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; phù hợp với thực tiễn phát triển, cũng như những bài học kinh nghiệm, các vấn đề đặt ra thông qua tổng kết Nghị quyết 26 trong giai đoạn 10 năm triển khai thời gian qua.

Đánh giá cao tinh thần rất tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm các đại biểu phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Trần Tuấn Anh đã tổng kết lại một số nội dung cơ bản tại tọa đàm. Đặc biệt, trên cơ sở những kết quả đạt được, hạn chế, đề xuất, các đại biểu tham dự đều thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Nghệ An đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước; và là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu!.

bna-2-4772.jpg

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tham dự Toạ đàm. Ảnh: Thành Cường

bna-3-6536.jpg

Các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương tham dự Toạ đàm. Ảnh: Thành Cường

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW trân trọng đánh giá cao và cảm ơn các góp ý của các đại biểu tham dự tọa đàm vì sự phát triển của tỉnh Nghệ An; coi đây là một trong những cơ sở để Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW. Ban Chỉ đạo sẽ giao Tổ Biên tập chắt lọc, tổng hợp đưa vào trong Báo cáo tổng kết Nghị quyết để đảm bảo phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ tổng kết đề ra.

Đặc biệt, đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định: Báo cáo tổng kết cuối cùng của Ban Chỉ đạo sẽ phải đảm bảo sự toàn diện, đầy đủ và có tính hệ thống cả trong công tác thể chế hóa cũng như tổ chức triển khai thực hiện; để Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về Nghệ An trở thành nguồn lực, động lực phục vụ cho sự phát triển toàn diện, bền vững, nhanh của Nghệ An trong thời gian tới, để tỉnh thực sự trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ, cũng như có đóng góp xứng đáng trong phát triển của Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

bna-bi-thu-1278.jpg

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh uỷ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết 26 phát biểu tiếp thu, cảm ơn và bế mạc Toạ đàm. Ảnh: Thành Cường

Kết thúc tọa đàm, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cảm ơn Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và các đại biểu đã dành các tình cảm, tâm huyết đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An. Tỉnh ủy Nghệ An sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập Trung ương tiếp thu tối đa ý kiến tham luận trực tiếp của các đại biểu tại tọa đàm, các bản tham luận của các đồng chí chưa phát biểu, đặc biệt là ý kiến kết luận quan trọng của đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hồ sơ tổng kết của tỉnh.

Từ bây giờ cho đến thời điểm dự kiến trình Bộ Chính trị không còn nhiều, nhưng khối lượng công việc tương đối nhiều, yêu cầu cao, Tỉnh ủy Nghệ An rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập của Trung ương; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học để công tác tham mưu tổng kết Nghị quyết được thuận lợi, đạt kết quả cao.

Thành Duy - Phạm Bằng