Nỗ lực ngăn chặn mua bán bào thai

Những ngày này, cán bộ và người dân xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn), theo dõi rất sát sao Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Bởi kỳ họp này đang thảo luận một vấn đề liên quan trực tiếp đến chính quyền cũng như người dân nơi đây. Đó chính là ý kiến của những đại biểu Quốc hội về quy định mới trong Dự thảo Luật Phòng, chống mua, bán người, trong đó có quy định mới về hành vi mua, bán bào thai.

“Chúng tôi ở đây ai cũng theo dõi rất kỹ. Chúng tôi rất mong quy định này sớm được ban hành”, ông La Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm nói.

Xã Hữu Kiệm chính là điểm nóng của vấn nạn mua bán bào thai, đỉnh điểm là giai đoạn năm 2018 và năm 2019. Đặc biệt là tại những bản có đông đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống như bản Đỉnh Sơn 1 và bản Đỉnh Sơn 2. Đây cũng là những bản khó khăn nhất của xã. Thời điểm cuối năm 2018, tại đây có hàng chục phụ nữ mang thai bị các đường dây mua, bán người lôi kéo sang Trung Quốc sinh rồi bán con. Mỗi đứa bé vừa sinh ra được bán với giá từ 40 - 80 triệu đồng. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về “bào thai là con người hay không phải con người”, nên hành vi bán bào thai của những người này không thể xử lý.

ban-dinh-son-2-la-diem-nong-ve-mua-ban-bao-thai..jpg
Bản Đỉnh Sơn 2 là điểm nóng về mua, bán bào thai. Ảnh: Tiến Hùng

Để ngăn chặn từ sớm, từ đầu năm 2019, chính quyền địa phương đã phải thành lập "Tổ phòng, chống mua bán bào thai và mua bán người", hay còn được gọi với cái tên ngắn gọn: “Tổ canh bào thai”. Theo ông La Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, tổ có khoảng 10 thành viên, bao gồm lãnh đạo UBND xã và các lực lượng như công an, quân sự, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là các trưởng bản.

Công việc của tổ là thường xuyên vận động, tuyên truyền để ngăn chặn hành vi mua bán người nói chung và mua bán bào thai nói riêng. Cụ thể, họ sẽ phải nắm bắt tình hình, lên danh sách những phụ nữ trên địa bàn đang mang thai để theo dõi, yêu cầu ký cam kết không đi bán con. Hàng tuần, các thành viên trong tổ sẽ đến từng nhà để theo dõi, tuyên truyền, vận động.

Ông Cụt Văn Thuận (44 tuổi) – Trưởng bản Đỉnh Sơn 2 cho biết, công việc nghe qua có vẻ nhẹ nhàng, nhưng quá trình làm việc cũng rất gian nan. Bản này có gần 100 hộ dân người Khơ Mú, đa số không biết chữ, gia cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế, dễ bị kẻ xấu lôi kéo.

“Thời gian đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân gia đình tôi còn bị kẻ xấu trả thù bằng việc chém nhiều trâu, bò chăn thả trong rừng. Nhiều con bị nặng, đành phải làm thịt bán rẻ”, ông Thuận kể và cho hay, là thành viên trong tổ giữ vai trò trưởng bản, ông có nhiệm vụ tiền trạm, nắm thông tin những người đang mang bầu để báo cáo lên cấp trên lập danh sách giám sát.

Chính vì thế, ông Thuận thường xuyên phải đến các gia đình trong bản hỏi thăm về chuyện mang thai của các phụ nữ. “Nhiều người chưa hiểu, thấy tôi cứ suốt ngày hỏi thăm việc mang thai nên cứ nghĩ tôi có tình ý gì với người phụ nữ ấy. Thậm chí có người còn nổi nóng, nghi ngờ vợ không chung thủy, gian díu với trưởng bản. Dù tôi có giải thích, nhiều người cũng phản ứng, vì cho rằng, tôi "lo chuyện không đâu, việc đẻ con rồi bán là việc của họ, không được can thiệp”, ông Thuận lắc đầu ngao ngán.

Theo ông Thuận, thời gian đầu, "Tổ canh bào thai" làm rất quyết liệt, sau khi lên danh sách người mang thai, tổ sẽ đến từng gia đình yêu cầu ký cam kết không rời nơi cư trú cho đến khi sinh con. Việc này gặp phải nhiều phản ứng từ bà con trong bản, đặc biệt là những kẻ nằm trong đường dây chuyên lôi kéo phụ nữ sang Trung Quốc bán con để hưởng tiền môi giới.

"Họ nhận thức rất hạn chế. Một số người còn bắt đền tôi. Họ bảo gia cảnh khó khăn, đi bán bào thai cũng được 70-80 triệu đồng, có tiền trang trải cuộc sống. Giờ lỡ có bầu đẻ ra không biết lấy tiền đâu nuôi", ông Thuận kể. Vượt cạn xong, nhiều bà mẹ gọi điện bắt ông chịu trách nhiệm, yêu cầu mua sữa, quần áo cho đứa bé vì nhà không có tiền. Sau khi kể chuyện với vợ, ông Thuận mua quà đến thăm sản phụ.

to-canh-bao-thai-trong-mot-lan-tham-hoi-thai-phu-trong-ban-dinh-son-2..jpg
Tổ canh bào thai trong một lần thăm hỏi thai phụ trong bản Đỉnh Sơn 2. Ảnh: Tiến Hùng

Thế khó của trưởng bản

Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm La Văn Hà kể rằng, trước đây khi đến tuyên truyền, nhiều phụ nữ nói thẳng "ở nhà không có gì ăn, phải đi kiếm tiền". Đôi khi tổ công tác phải dọa, làm nghiêm một tý thì họ mới lắng nghe. Xác minh đúng trường hợp một người mang bầu, anh sẽ ghi cụ thể tên tuổi, số tháng thai kỳ, khi nào họ mẹ tròn con vuông thì đánh dấu đưa ra khỏi danh sách giám sát. Ngoài phối hợp với cán bộ phụ nữ, Đoàn thanh niên, trưởng các bản, Công an xã Hữu Kiệm còn cử luôn một số cán bộ là người Khơ Mú, trực tiếp nằm vùng tại các bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 để nắm thông tin, hiểu tâm tư người dân. Nếu thấy người lạ nào đến bản vận động phụ nữ bán bào thai thì cán bộ tiếp cận, yêu cầu họ ra khỏi khu vực. Mỗi tuần 2 lần, tổ công tác đến nhà thai phụ nắm tình hình, hỏi thăm sức khỏe.

“Vì luật chưa có quy định cụ thể về cấm hành vi bán bào thai, nên các bản ở đây đã đưa vào hương ước. Theo đó, hương ước quy định rõ việc cấm hành vi này, nếu ai vi phạm sẽ bị khiển trách công khai trước toàn bộ người dân trong bản. Đồng thời, phải đóng tiền phạt 10 triệu đồng”, ông La Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm nói và cho hay, kể từ khi quy định được đưa vào hương ước và "Tổ canh bào thai" được thành lập, vấn nạn này đã giảm đáng kể. Tổ cũng đã ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp có dấu hiệu lén lút, nghi vấn đang trên đường đi bán bào thai.

Ông Hà cho rằng, mặc dù "Tổ canh bào thai" làm việc rất hiệu quả, giúp nâng cao nhận thức cho người dân, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, cần phải bổ sung quy định cấm vào luật. Vì dù tổ có giám sát chặt đến đâu cũng có lỗ hổng.

"Người dân ở đây thường đi làm ăn xa. Nhiều người đi cả gia đình cả năm mới về. Nếu trường hợp nào có ý định bán bào thai, họ đi khỏi nơi cư trú để làm ăn xa, rồi mang thai, sau đó sang Trung Quốc sinh và bán con thì tổ cũng không thể kiểm soát được. Vì khi họ rời đi thì chưa phát hiện đã mang thai, về địa phương thì đẻ xong rồi. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn quy định được ban hành để xử lý người bán bào thai thì mới răn đe được”, ông Hà nói thêm.

ong-cut-van-thuan-gap-khong-it-phien-phuc-trong-nhung-nam-qua..jpg
Ông Cụt Văn Thuận gặp không ít phiền phức trong những năm qua. Ảnh: Tiến Hùng

Tương tự, Trưởng bản Cụt Văn Thuận cũng mong muốn, quy định mới này sớm được ban hành. Bởi khi đó, công việc của ông cũng như các thành viên trong tổ sẽ nhẹ nhàng hơn. “Trong những năm qua, tôi gặp không ít phiền phức vì công việc này”, ông Thuận nói và kể rằng, có nhiều lần, nhận tin thai phụ đang đi ra biên giới gặp đối tác để ra nước ngoài bán bào thai, ông phải lái xe máy vượt hàng chục km trong đêm, tiếp cận và yêu cầu người này về bản. Thai phụ ban đầu vùng vằng, trưởng bản phải dọa nếu không thực hiện sẽ đề nghị Nhà nước cắt trợ cấp hàng tháng mỗi khẩu 5 kg gạo thì họ mới miễn cưỡng nghe. Đến nay, ông Thuận đã ngăn 3 thai phụ trốn đi trong đêm.

Tuy nhiên, nhiều người vượt biên bất thành đã nói xấu chính ông Thuận khuyên bán bào thai, sau đó về chia tiền. Những đối tác xúi giục thai phụ bất thành thì sinh hận thù. Trâu, bò của gia đình ông Thuận thường bị tấn công, có con bò bị chém 3 lần. "Tôi phải đứng mũi chịu sào thôi, nhiều người giận nhưng đến nay đã hiểu, sinh con thành công thì quay lại cảm ơn. Vợ tôi đôi lúc nghe điều tiếng, thấy chồng luôn bị nói xấu không cho làm nữa, nhưng tôi bảo là trưởng bản phải lo cho dân", ông Thuận kể.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương, 65 điều, giảm 1 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội kỳ trước, bỏ 4 điều, bổ sung 3 điều, chỉnh lý, sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 2 điều. Tại phần thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình thống nhất với những nội dung của dự thảo luật. Đặc biệt là quy định xử lý hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai.

Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết, mua bán bào thai là một thủ đoạn mới của bọn tội phạm mua bán người và mới xuất hiện gần đây. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý. Đối tượng phạm tội thường tìm đến những phụ nữ người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để dụ dỗ việc ra nước ngoài sinh con bán lấy tiền hoặc đổi bằng các hiện vật khác. Việc thỏa thuận này bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em, tuy nhiên, việc xử lý rất khó khăn, vì trong quy định của Bộ luật Hình sự chưa có.

Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi trẻ em thì việc bổ sung quy định tại Khoản 2, Điều 3 nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai trong dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 8 lần này là hết sức cần thiết và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Quy định này sẽ góp phần trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ và phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đó là bảo vệ trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ.