Để du lịch nông nghiệp, nông thôn “cất cánh”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, với những mục tiêu cụ thể.
Những tín hiệu tích cực
Xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch: hệ sinh thái đa dạng, núi non hùng vĩ và là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, có làng nghề truyền thống và có nền ẩm thực đặc sắc... Trong lộ trình xây dựng NTM (phấn đấu về đích năm 2024), hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống đường bê tông hoá; đường vào làng, vào bản được mở rộng, phong quang, sạch sẽ; công trình nước sạch, vệ sinh môi trường đảm bảo; đời sống bà con được nâng cao đã tạo điều kiện để xã Tiên Kỳ đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.
Theo đó, xã đã chọn 8 gia đình có nhà sàn, bổ sung các hạng mục liên quan để đón khách du lịch như sàn ngủ, cảnh quan vườn nhà… để hỗ trợ, khuyến khích bà con tham gia vào hoạt động du lịch gắn với chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị phi vật thể, đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa ở các xóm. Mặt khác, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình như văn hóa ẩm thực, không gian sống, không gian cồng chiêng; tập huấn văn hoá ứng xử với du khách…
Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm có hàng trăm đoàn khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và lưu trú tại xã Tiên Kỳ. Mặc dù, doanh thu từ du lịch vẫn còn khiêm tốn nhưng đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn ở xã miền núi này. Ông La Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) cho biết: “Ngày càng đông du khách nội tỉnh và trong nước đến với Tiên Kỳ. Ngoài tham quan các thắng cảnh trên địa bàn, du khách được trải nghiệm ẩm thực, văn hoá của đồng bào Thổ. Các dịch vụ như lưu trú, kinh doanh ăn uống, các mặt hàng như thổ cẩm, rươụ cần… nhờ thế cũng khởi sắc. Từ đó, tạo việc làm, thu nhập cho người dân; mặt khác, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, chuyển dịch theo hướng thương mại, dịch vụ của xã”.
Triển khai thực hiện Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025” huyện Nam Đàn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khơi dậy sự đồng thuận của người dân, đến nay, huyện đã xây dựng được một số mô hình du lịch, sản phẩm du lịch mới từ các trang trại, vườn đồi với cảnh quan thiên tạo hoặc nhân tạo bước đầu thu hút được du khách tìm đến và trải nghiệm. Đó là mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm của hộ gia đình ông Phạm Ngọc Lợi tại xã Nam Nghĩa; mô hình trang trại hoa của hộ gia đình ông Phạm Trung Kiên tại xã Kim Liên; mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm Eo Gió tại xã Nam Giang; mô hình hình du lịch homestay của 4 hộ gia đình tại xóm Sen 3, xã Kim Liên; điểm du lịch vườn hồng tại xã Nam Anh. Ông Hồ Văn Thế, một hộ dân có vườn hồng ở Nam Anh cho biết: “Mấy năm trước, mỗi mùa hồng cũng có khoảng trên dưới mười đoàn khách đến tham quan, chụp ảnh. Mình không bán vé, nhưng mỗi đoàn đến đều có tiền bồi dưỡng chủ vườn. Với lại, còn bán thêm cho họ được chục trứng, con gà, bó chè, bó rau trong vườn nữa, không mất công đi chợ… vừa có thêm nguồn thu, vừa được nhiều người biết đến vườn hồng của gia đình, biết đến đặc sản hồng Nam Anh nên chúng tôi vui lắm”.
Theo thông tin từ UBND xã Nam Anh cung cấp, hiện trên địa bàn xã có 3 hộ đã được các cá nhân mua lại vườn hồng để phục vụ cho việc phát triển du lịch. Đó là hộ ông Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Đình Bá (xóm 8), Hồ Đức Dũng (xóm 6). Ngoài ra, bà con có vườn hồng đẹp cũng đã mở cửa đón các đoàn khách đến tham quan. Nhờ đó, họ có thêm nguồn thu từ bán vé, trông giữ xe, bán các nông sản khác như: gà, vịt, trứng gia cầm, bột nghệ, bột sắn dây, hoa quả, rau trong vườn… cho khách.
Cùng với đó, huyện cũng đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP gắn với phục vụ du lịch. Đến nay, toàn huyện đã có 69 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, có nhiều sản phẩm trở thành quà lưu niệm phục vụ du lịch như: Các sản phẩm chế biến từ sen của HTX Sen Quê Bác (Kim Liên, Nam Đàn), hồng dẻo Nam Anh, Nam Xuân… Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch. Đồng thời, huyện cũng tiến hành khảo sát đầu tư thêm các tuyến đường kết nối các điểm di tích trên địa bàn để phát huy giá trị hệ thống các điểm du lịch này.
Tạo sinh kế bền vững cho nông dân
Với tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và nỗ lực, cố gắng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, HTX… hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh có những khởi sắc, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM bền vững. Song qua thực tế cho thấy, tổng thể bức tranh du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đó là, nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp; số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn khiêm tốn; hệ thống hạ tầng hỗ trợ thiếu tính đồng bộ; các dịch vụ tại các điểm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu dẫn đến tính hấp dẫn của du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa cao. Do đó, các điểm du lịch chưa thực sự thu hút được lượng khách du lịch lớn, đặc biệt là lượng khách du lịch lưu trú dài ngày.
Với mục đích đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, ngày 3/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, có 7 - 10 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu có 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn có ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu có 70% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch. Phấn đấu đến năm 2025 có thêm 10 điểm du lịch nông thôn.
Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Văn Hằng – Phó Chánh Văn phòng NTM tỉnh cho biết: Trên cơ sở kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh, Văn phòng NTM tỉnh đã tham mưu chọn huyện Nam Đàn làm điểm và sắp tới sẽ triển khai ở các địa phương khác theo kế hoạch. Nguồn vốn thực hiện các mô hình được bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ngân sách tỉnh, huyện, xã và nguồn vốn xã hội hóa; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác. Văn phòng NTM tỉnh sẽ phối hợp với các sở ngành và chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả nhất”.