1. Cử tri khối 1, thị Trấn Mường xén, huyện Kỳ Sơn kiến nghị mở rộng cống thoát nước đoạn nhà ông Minh Hường đến sông Nậm Mộ, hiện nay cống nhỏ nước tràn qua đường quốc lộ 7A làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông của người dân.
UBND tỉnh trả lời:
Theo báo cáo của Khu Quản lý đường bộ II: Hiện trạng, vị trí cống cử tri phản ảnh nằm tại Km202+900/QL.7, thuộc địa bàn thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, là cống bản có kích thước 1,5mx 2,0m. Phía hạ lưu cống bản có đoạn rãnh dẫn xả nước qua cống D150 rồi đổ nước ra sông. Phía đuôi rãnh dẫn xả nước phía hạ lưu có kè bê tông sát mép sông Nậm Mộ và có cống thoát nước qua kè bê tông với khẩu độ D150, khoảng cách từ sân hạ lưu cống đến kè bê tông là 40m (công trình nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ của QL.7).
Thời gian qua, có tình trạng nước tràn qua đường tại vị trí trên khi có mưa lũ xảy ra nguyên nhân là do hai bên phía rãnh dẫn và rãnh xả của thượng, hạ lưu nhà dân sinh sống san sát, thường xuyên xảy ra tình trạng bồi lấp, lấn chiếm gây ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của cống. Mặt khác, cống thoát nước phía hạ lưu do địa phương xây dựng đã lâu (cách QL.7 khoảng 40m, nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ QL.7) qua kè bê tông có khẩu độ khá nhỏ (D150) đã ảnh hưởng đến khả năng thoát nước tại khu vực.
Để tăng cường khả năng thoát nước và hạn chế tình trạng bị bồi lấp cống khi có thiên tai, mữ lũ xẩy ra, UBND huyện Kỳ Sơn và UBND thị trấn Mường Xén tăng cường làm việc, tuyên truyền các hộ dân dân sinh sống hai bên khu vực rãnh dẫn xả nước tại vị trí cống Km202+900 QL.7 không lấn chiếm thu hẹp rãnh dẫn xả nước làm thu hẹp dòng chảy. Đồng thời có biện pháp mở rộng khẩu độ cống (hiện tại là cống D150) phía hạ lưu qua kè bê tông sát sông Nậm Mộ, để đảm bảo khả năng thoát nước cho khu vực.
2. Cử tri huyện Kỳ Sơn kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Nghệ An xem xét giảm lãi suất vay ngân hàng cho những hộ gia đình bị thiệt hại về nhà cửa, phải di dời khẩn cấp do cơn bão số 3, 4 gây ra.
UBND tỉnh trả lời:
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Nghệ An: Hiện nay, các hộ dân đang vay vốn với mức lãi suất 8,25%/năm đến 11%/năm là mức thấp so với mức lãi suất cho vay trung, dài hạn thông thường (từ 11,5%/năm - 12%/năm. Trong bối cảnh Nhà nước đang tập trung điều hành các giải pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống, những hỗ trợ trên là nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng.
3. Cử tri xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tôn tạo, nâng cấp đài tưởng niệm liệt sĩ xã Chiêu Lưu.
UBND tỉnh trả lời:
Trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Kỳ Sơn, Sở Lao động – TB và XH đã tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động – TB và XH xem xét cấp kinh phí thực hiện cải tạo, nâng cấp nghĩa trang, nhà bia tượng niệm các cấp trên địa bàn tỉnh theo quy định (trong đó, có công trình cải tạo, nâng cấp, đài tưởng niệm liệt sĩ xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) trong năm 2023.
Sau khi được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt, cấp kinh phí từ, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cấp kinh phí để thực hiện theo quy định.
4. Cử tri xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm Thổ cẩm đã được công nhận làng nghề; đồng thời có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm sau học nghề.
UBND tỉnh trả lời:
- UBND tỉnh chỉ đạo tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm Thổ cẩm đã được công nhận làng nghề
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện triển khai đồng bộ các giải pháp có liên quan nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tỉnh Nghệ An nói chung và sản phẩm thổ cẩm nói riêng, như:
+ Triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035; trong đó, đặc biệt gắn phát triển, tiêu thụ sản sản phẩm du lịch trong Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.
+ Xây dựng và đưa vào vận hành các Điểm bán hàng Việt Nam, Phòng giới thiệu và trưng bày sản phẩm lưu niệm, Gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... Đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 04 Điểm bán hàng Việt Nam (TP Vinh, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Quế Phong), 03 Phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP (TP Vinh, TX Hoàng Mai), 01 Phòng giới thiệu và trưng bày sản phẩm lưu niệm (Quế Phong).
+ Năm 2022, các sở, ngành cấp tỉnh đã tổ chức 41 cuộc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại nhằm thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa của tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành phố trong nước. Trong đó, sản phẩm dệt thổ cẩm và sản phẩm đặc sản các địa phương được lựa chọn, ưu tiên tham gia các sự kiện này.
+ Tại Hội chợ Xuân 2023 (tổ chức từ 08-14/01/2023) tại thành phố Vinh, hỗ trợ miễn phí 03 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm thổ cẩm và sản phẩm đặc sản vùng miền của các huyện: Kỳ Sơn (xã Na Loi tham gia), Tương Dương và Quỳ Châu.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sản phẩm thổ cẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 307/UBND-KT ngày 13/01/2023 về việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm cho các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm sau học nghề
Hiện nay, các chính sách hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia học nghề, để giải quyết việc làm được thực hiện lồng ghép trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chính sách miễn, giảm học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/7/2021 của Chính phủ và Chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học trình độ cao đẳng, trung cấp theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, UBND tỉnh đã có Quyết định số 66/2021/QĐ-UBND ngày 22/12/2021 ban hành chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cho học sinh, sinh viên con em trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 49/2022/QĐ-UBND ngày 04/11/2022 phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức hỗ trợ chi phí đào tạo cụ thể đối với từng đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh… . Vì vậy, đề nghị UBND huyện Kỳ Sơn chỉ đạo UBND xã Na Loi rà sát nhu cầu học nghề của người lao động báo cáo cấp có thẩm quyền để có kế hoạch đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề trong thời gian tới.
Trong những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là giải quyết việc làm cho người sau khi học nghề luôn được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm, tập trung triển khai thực hiện. Cùng với các giải pháp về cơ chế, chính sách đã ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp phối hợp tổ chức Ngày hội việc làm, Chương trình kết nối, giới thiệu việc làm cấp huyện tại cơ sở, các phiên giao dịch việc làm; các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập nghề, thực hành, tham quan thực tế tại các cơ sở, doanh nghiệp để học sinh, sinh viên tiếp cận môi trường lao động...Vì vậy, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo hàng năm tăng lên (năm 2022 đạt trên 80,7%).
5. Cử tri các bản: Văng Phao, Huồi Khí, Huồi Khói, Phà Nọi, xã Mường Típ; Huồi Phuôn 1, Huồi Phuôn 2, Hạt Tà Vén, Quyết Thắng, Huồi Lê, Kèo Cơn, xã Keng Đu; các bản: Xốp Lâu, Nha Nang, Xốp Xăng, Trạm y tế, UBND xã, Đồn Biên phòng xã Mường Ải, Trường tiểu học, Trường Mầm non xã Mường Ải; các bản: Piêng Hòm, Xắn, Huồi Nhúc, Phà Khốm cụm 2, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn kiến nghị hỗ trợ kinh phí làm lại công trình nước sinh hoạt cho nhân dân đã bị hư hỏng, đứt đoạn nên người dân không có nước sinh hoạt.
UBND tỉnh trả lời:
Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn từ ngân sách trung ương đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình nước sinh hoạt ở miền núi, cụ thể:
- Xã Phà Đánh: Bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tại Bản Piêng Hòm, với số tiền 971 triệu đồng;
- Xã Keng Đu: Bố trí vốn xây dựng mới 1 công trình tại Cụm Huồi Phó- bản Huồi Xui, số tiền 800 triệu đồng; cải tạo 1 công trình tại Bản Huồi Phuôn 1, số tiền 500 triệu đồng.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Kỳ Sơn trên cơ sở ngân sách trung ương đã bố trí tại Nghị quyết 45/NQ-HĐND ngày 12/10/2022 của HĐND tỉnh khẩn trương triển khai xây dựng, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tại 2 xã Keng Đu và Pà Đánh trong năm 2023 để giải quyết được nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là vào mùa hạn hán, thiếu nước. Ngoài ra, tổ chức khảo sát, đánh giá xác định cụ thể và lập danh sách các công trình cấp nước sinh hoạt đã hư hỏng, xuống cấp mà chưa được sửa chữa, nâng cấp ở các vùng mà người dân và cử tri phản ánh; từ đó xác định công trình ưu tiên đầu tư sửa chữa, cải tạo trong thời gian tới báo cáo, tham mưu trình cấp thẩm quyền xem xét, đầu tư sửa chữa, nâng cấp theo đúng quy định, nhằm đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân sử dụng.
6. Cử tri bản Xốp Thặp, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn kiến nghị đầu tư xây kè chống sạt lở đất cho 10 hộ dân ở bản Xốp Thặp, xã Hữu Lập do ảnh hưởng cơn bão số 4 vừa qua.
UBND tỉnh trả lời:
Trong những ngày đầu tháng 9/2022, do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ với lưu lượng lớn đã gây ra lũ quét tại địa bàn các xã: Chiêu Lưu, Bảo Nam, Hữu Kiệm và Hữu Lập. Lũ quét đã làm hư hỏng rất nặng tuyến đường từ xã Hữu Lập đi xã Bảo Nam, đất đá sạt lở làm ảnh hưởng đến 10 hộ dân bản Xốp Thặp, xã Hữu Lập sống rải rác 2 bên đường. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân dọn dẹp bùn đất, ổn định lại cuộc sống. Do các hộ dân sống rải rác, địa hình, địa thế phức tạp … nên việc đầu tư xây dựng kè chống sạt lở là không khả thi. UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo UBND xã Hữu Lập tiến hành kiểm tra, khảo sát địa điểm mới để có kế hoạch di dời tái định cư đến nơi an toàn cho các hộ dân nói trên đồng thời lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, UBND huyện Kỳ Sơn đã có kiến nghị lên cấp trên bố trí kinh phí để sửa chữa tuyến đường giao thông Hữu Lập – Bảo Nam.
7. Cử tri khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn kiến nghị sớm triển khai xây cống thoát nước đoạn từ cổng Nhà văn hóa Việt – Lào xuống cổng Trường Tiểu học thị trấn Mường Xén (cũ), khi mùa mưa nước tràn ngập đường và nhà dân.
UBND tỉnh trả lời:
Vị trí cống thoát nước đoạn từ cổng Nhà văn hóa Việt – Lào xuống cổng trường Tiểu học thị trấn Mường Xén (cũ) mà cử tri đề xuất đầu tư xây dựng thuộc Km201+790 QL.7. Trên cơ sở đề xuất của Khu Quản lý đường bộ II, ngày 18/01/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã có Công văn số 437/CĐBVN-KHĐT về kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho phép chuẩn bị đầu tư sửa chữa đột xuất các hư hỏng trên QL1, QL7, QL9 và QL45, trong đó có hạng mục bổ sung cống thoát nước tại vị trí Km201+790 QL.7.
Khu Quản lý đường bộ II sẽ tổ chức khảo sát, lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình ngay sau khi có Quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền để công trình sớm được triển khai thi công tại hiện trường.
8. Cử tri bản Huồi Cáng 1, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn kiến nghị nâng cấp, tu sửa và làm mới Cầu tràn tại Km 364 (H2) Quốc lộ 16, đoạn đường qua bản Huồi Cáng 1 để đảm bảo cho người, phương tiện qua lại.
UBND tỉnh trả lời:
Tại Km364+200, Quốc lộ 16 là cống hộp 3x3 m được bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 9/01/2014. Hàng năm do ảnh hưởng của mưa, bão dẫn đến cống bị bồi lấp ảnh hưởng đến khả năng thoát nước. Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo đơn vị quản lý tuyến đường thực hiện công tác nạo vét, khơi thông cống đảm bảo thoát nước, đến nay không còn tình trang nước chảy tràn mặt đường. Do điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn hạn chế, nhiều vị trí mặt đường trên tuyến Quốc lộ 16 còn hư hỏng nên hiện đang ưu tiên đầu tư sửa chữa mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy, đối với đề xuất làm mới cầu tràn của cử tri, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tiếp thu và sẽ triển khai đầu tư xây dựng khi đảm bảo điều kiện về nguồn lực.
9. Cử tri xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn phản nhà công vụ Trường THCS dân tộc bán trú; nhà bếp ăn của học sinh bán trú Trường tiểu học Mỹ Lý 1, Mỹ Lý 2 không đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn; một số thiết bị của Trường THCS dân tộc bán trú, Trường tiểu học Mỹ Lý 1, 2 còn thiếu. Đề nghị quan tâm, hỗ đỡ kinh phí xây dựng và trang cấp các công trình, thiết bị này.
UBND tỉnh trả lời:
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4969/BGDĐT-GDDT ngày 29/10/2021 về việc báo cáo thực trạng, nhu cầu đầu tư cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú phục vụ công tác phân bổ kinh phí theo Quyết định 1719/QĐ-TTg, trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn rà soát thực trạng, xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường PTDTNT, PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú giai đoạn 2021-2025, nhằm tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền phân bổ nguồn ngân sách theo quy định.
Qua đó, tại Tiểu dự án 1 của Dự án 5 về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDTNT, PTDTBT, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025 UBND huyện Kỳ Sơn đã đề xuất 9 danh mục đầu tư xây dựng, trong đó có danh mục xây dựng trường PTDTBT THCS Mý Lý, đã được Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận thông qua tại Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 12/10/2022. Hàng năm được UBND tỉnh bố trí phân bổ nguồn ngân sách đầu tư xây dựng, vì vậy, đề nghị UBND huyện Kỳ Sơn sắp xếp bố trí hợp lý nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho trường PTDTBT THCS Mỹ Lý. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế về nguồn vốn, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, nhà bán trú học sinh và trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho các hoạt động bán trú của nhà trường.
Đối với trường PTDTBT TH Mỹ Lý 1, Tiểu học Mỹ Lý 2 đề nghị UBND huyện Kỳ Sơn lồng ghép nguồn lực từ chương trình mục tiêu về giáo dục, các chương trình, dự án trên địa bàn và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động bán trú tại các trường.
10. Cử tri xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn đề nghị hỗ trợ thêm phụ cấp cho Công an viên, dân quân tự vệ, dân quân Thường trực và đội ngũ cán bộ bán chuyên trách.
UBND tỉnh trả lời:
- Chế độ phụ cấp cho Công an viên và cán bộ không chuyên trách cấp xã đã được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 23/2021/NQ HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An. Theo đó, kinh phí hỗ trợ đã được thực hiện ở mức tối đa, đảm bảo không vượt quá mức khoán của Trung ương (Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ) và tình hình ngân sách địa phương.
- Chế độ phụ cấp cho Dân quân tự vệ, dân quân thường trực thực hiện theo Quy định tại Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.