Ngày 18/4, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An do đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh làm trưởng đoàn có cuộc làm việc với huyện Quỳ Châu về công tác Cải cách hành chính trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2022.
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: TL
Triển khai quyết liệt
Xác định cải cách hành chính là khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 do đó huyện Quỳ Châu quan tâm triển khai quyết liệt.
Theo đó, huyện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ban hành đúng thời gian quy định, không có sai sót. Bên cạnh việc ban hành, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm được huyện quan tâm thực hiện theo kế hoạch hàng năm.
Đặc biệt, trong năm 2022, UBND huyện đã tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật do UBND huyện ban hành từ ngày 31/12/2020 trở về trước. Kết quả bãi bỏ toàn bộ 23 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu trao đổi về việc triển khai công tác cải cách hành chính của huyện. Ảnh: TL
Trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Nghệ An đã cung cấp 280 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp trên địa bàn; bao gồm 155 dịch vụ công mức độ trực tuyến một phần; 125 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận theo hình thức trực tuyến ngày càng tăng. Tổng số hồ sơ 6 tháng cuối năm 2022 là 335 hồ sơ, từ đầu năm 2023 đến 10/4/2023 tiếp nhận trực tuyến là 1.121 hồ sơ.
Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính dần được nâng lên, có sự chuyển biến tích cực theo hướng phục vụ tốt hơn, tạo niềm tin, tạo điều kiện thuận cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Phạm Thành Chung - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh trao đổi về những khó khăn trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: TL
Công tác rà soát đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức được chú trọng, các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trong 3 năm qua, huyện thực hiện tinh giản 50 người, Quỳ Châu là địa phương có số cán bộ dôi dư ít của tỉnh.
Song song, huyện Quỳ Châu đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát hồ sơ giải quyết TTHC tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu. Ảnh: TL
Đối với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính, ngân sách đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt là việc ứng dụng nhiều phần mềm tin học vào công tác quản lý thu chi ngân sách như phần mềm kế toán, phần mềm cổng thông tin điện tử, chữ ký số, dịch vụ công với Kho bạc Nhà nước… góp phần tăng tính hiệu quả và minh bạch trong công tác quản lý tài chính.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát trao đổi thảo luận liên quan đến các nội dung: Công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ; công tác chỉ đạo hướng dẫn của các sở, ngành cấp tỉnh đối với địa phương; giải pháp để khắc phục số thủ tục hành chính giải quyết chậm; công tác tuyên truyền về cải cách hành chính; việc áp dụng sáng kiến về công tác cải cách hành chính vào thực tiễn công tác; quan tâm xây dựng mô hình công tác cải cách hành chính.
Kiểm tra việc niêm yết các TTHC tại Bộ phận Một cửa của huyện Quỳ Châu. Ảnh: TL
Việc áp dụng các phần mềm chuyên ngành; khó khăn trong công tác thu ngân sách của huyện; xã hội hóa việc ứng dụng các dịch vụ công; việc kiểm tra và xử lý vi phạm trong thực hiện chế độ công vụ công chức sau kiểm tra; đánh giá việc xử lý tài sản công sau sáp nhập; khó khăn ban hành các thủ tục hành chính; việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác; tình trạng thiếu biên chế; việc phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của địa phương với các ngành dọc đóng trên địa bàn,...
Tìm giải pháp nâng cao chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính
Trao đổi những nội dung đoàn giám sát quan tâm, đồng chí Nguyễn Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu nhấn mạnh: Công tác cải cách hành chính là 1 trong 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 -2025 được địa phương triển khai quyết liệt.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Quy định về cơ chế chính sách còn bất cập chưa phù hợp với thực tiễn của huyện miền núi; quá trình phân cấp còn nhiều bất cập trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Trong khi đó, nguồn lực ưu tiên dành cho công tác cải cách hành chính còn hạn chế; khó khăn trong kinh phí để phục vụ cho công tác cải cách hành chính. Nội dung phối hợp để giải quyết thủ tục hành chính với các phòng, ban còn hạn chế,...
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận cuộc làm việc. Ảnh: TL
Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận đánh giá cao nỗ lực của huyện Quỳ Châu trong công tác cải cách hành chính. Đồng thời chia sẻ những khó khăn trong triển khai công tác cải cách hành chính của huyện miền núi Quỳ Châu về biên chế, về kinh phí, cơ sở vật chất...
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế tồn tại trong công tác cải cách hành chính liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, chỉ số hài lòng của người dân còn thấp, hồ sơ giải quyết quá hạn trên 12%, kỷ luật hành chính còn hạn chế; ứng dụng công nghệ thông tin còn yếu.
Lãnh đạo huyện Quỳ Châu tham dự cuộc làm việc. Ảnh: TL
Trao đổi về kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của huyện “tụt hạng” trong 3 năm qua (năm 2020 xếp thứ 15/21, năm 2021 xếp thứ 17/21 và năm 2022 xếp thứ 20/21). “Đề nghị huyện cần tập trung sinh hoạt trong cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, phòng ban, địa phương phân tích những mặt mạnh, điểm yếu để có giải pháp khắc phục có hiệu quả nâng cao chỉ số xếp hạng cải cách hành chính của địa phương trong thời gian tới” - đồng chí Nguyễn Như Khôi đề nghị.
Cùng đó, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ của cán bộ, công chức từ huyện đến xã hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Huyện cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp với các nhà mạng nâng cấp hệ thống đường truyền internet...
Thanh Lê