cht-van1-1711082753647.jpg
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 18.03. Ảnh: Lâm Hiển

Xác định nội dung chất vấn phù hợp với đòi hỏi thực tiễn

Trước hết, những đổi mới của phiên chất vấn lần này, cụ thể là việc xác định những nội dung cần chất vấn phù hợp với yêu cầu thực tại (với những gì cần tháo gỡ, cần thúc đẩy để tiếp tục phát triển).

Như chúng ta đã biết, Bộ Tài chính là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách, bao gồm ngân sách, ngân quỹ nhà nước; nợ công; thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác... Còn Bộ Ngoại giao là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại gồm, công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác về cộng đồng người Việt ở nước ngoài, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện ở nước ngoài và hoạt động của các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam... Nói chung, đây là hai bộ có phạm vi và nội dung hoạt động rất rộng lớn, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất khéo léo đưa những "lát cắt" gọn ghẽ với 4 nhóm vấn đề để chất vấn từng bộ, phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Bo-truong-Bo-Tai-chinh-Ho-Duc-Ph-1711082872949.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đó là: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; cấp phép các hoạt động của công ty liên quan đến tài chính, việc thực hiện pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh có thưởng; hoạt động của hải quan; công tác quản lý giá... Đối với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đó là: Công tác quản lý và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoại tại Việt Nam; việc triển khai các thỏa thuận song phương và đa phương, thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế; xúc tiến và quảng bá du lịch; công tác bộ máy và cán bộ của ngành...

Đây là những vấn đề rất cấp thiết có yêu cầu phải tháo gỡ những vướng mắc, những khó khăn cho thông thoáng để tiếp tục phát triển cả hiện tại và cho thời tương lai.

Thứ hai, trong 2 Bộ trưởng đăng đàn lần này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lần đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu. Ngay trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ rõ: “Đây là lần đầu tiên lĩnh vực ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được lựa chọn để chất vấn và trả lời chất vấn”.

Bo-truong-Bo-Ngoai-giao-Bui-Than-1711083008170.jpg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thực tiễn cho thấy, lâu nay các vấn đề kinh tế - xã hội trong công cuộc đổi mới (đặc biệt là trong giai đoạn bước đi ban đầu lên chủ nghĩa xã hội) đã xuất hiện vô số các vấn đề cần được giải đáp nên được “ưu tiên” chất vấn nhiều Bộ trưởng phụ trách các vấn đề “nội quốc”, “nội giao”. Nay, sau một quá trình “mở cửa” hội nhập khu vực và quốc tế cũng đã có nhiều vấn đề được đặt ra cần có “lời giải” để tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn nữa với thế giới, đem lại hiệu quả cao hơn, do đó, việc chất vấn "tư lệnh ngành" ngoại giao nhà nước là một yêu cầu thực tiễn. Đổi mới này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, vừa đáp ứng đúng nguyện vọng của cử tri cả nước.

Thứ ba, từ Quốc hội khóa XIV trở về trước, chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hầu như chỉ trong phạm vi Ủy ban Thường vụ Quốc hội với có sự tham gia của đại diện các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ Quốc hội khóa XV, vừa là đổi mới, vừa là điều kiện công nghệ thông tin cho phép, vừa là “cái khó, ló cái khôn” trong đại dịch Covid-19, chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được kết nối đến các Đoàn đại biểu Quốc hội của 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (riêng Đoàn Hà Nội trực tiếp tham gia tại điểm cầu Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội). Đổi mới này làm cho phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “bề thế” và “rôm rả” hơn, tạo sự phấn khích, sôi nổi hơn. Bởi, diễn ra với phạm vi rộng nên số lượng chất vấn nhiều hơn, đầy đủ, toàn diện hơn, trong đó có nhiều chất vấn sắc sảo, không khác chất vấn tại kỳ họp Quốc hội...

Chất lượng phiên chất vấn được nâng lên một cấp độ mới

Kết quả phần trả lời chất vấn cho thấy, cả hai Bộ trưởng đều bao quát được phạm vi điều hành hoạt động của mình, nắm chắc tình hình, nội dung công việc và mức độ đạt được, cũng như thiếu sót, khuyết nhược điểm tồn tại, cùng với việc chịu trách nhiệm của mình.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói đến đâu, có số liệu minh họa, làm bằng cứ đến đó. Ví như về nhóm vấn đề kinh doanh bảo hiểm, Bộ trưởng đáp: Cả nước hiện có 82 doanh nghiệp kinh doanh, trong đó có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ, 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Các công ty đã đóng góp cho nền kinh tế xấp xỉ 700 nghìn tỷ đồng. Nhưng doanh thu của năm 2023 đã giảm 8% so với năm 2022, trong đó bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 13%, bảo hiểm phi nhân thọ giảm khoảng 3%. Năm 2023, qua thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy 96,8% doanh thu bảo hiểm nhân thọ thông qua kênh ngân hàng. Trong 19 công ty bảo hiểm nhân thọ chỉ có 2 công ty trong nước, 17 công ty liên doanh với nước ngoài hoặc hoàn toàn của nước ngoài. Cũng qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, có tình trạng nhân viên công ty tư vấn sai cho khách hàng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm...

Cac-dai-bieu-du-Phien-Chat-van-2-1711083088034.jpg
Các đại biểu dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Từ đây, Bộ trưởng cho biết, năm 2024 sẽ phối hợp với Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm. Bởi, khi thanh tra các hoạt động của các ngân hàng thương mại, thì chỉ Thanh tra Ngân hàng Nhà nước mới có thẩm quyền hạn đầy đủ, còn Thanh tra Tài chính chỉ có thẩm quyền trong thanh tra việc bán bảo hiểm...

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn lại có cách trả lời điềm tĩnh, ngắn gọn, đủ ý, súc tích (đây có thể coi là ưu điểm nổi trội của người lần đầu tiên trả lời chất vấn mà không mấy người có được). Trong phát biểu kết luận phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, “... với tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, các Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng, rành mạch, thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn và đã làm rõ thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp đối với vấn đề chất vấn”.

Cũng trong phiên chất vấn, hai Bộ trưởng đã trả lời hết, đầy đủ 86 câu chất vấn và 5 ý kiến tranh luận của các đại biểu. Qua đó, xác định tương đối rõ những ưu điểm đạt được của các nhóm vấn đề chất vấn và từ những tồn tại mà rút ra vấn đề cần được quan tâm xử lý trong thời gian tới.

Cac-dai-bieu-du-Phien-Chat-van-1-1711083132870.jpg
Các đại biểu dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Đối với Bộ Tài chính, sau chất vấn trong 5 khối công việc phải lưu ý có 3 vấn đề đặc biệt phải quan tâm: Một là, phải công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm; thực hiện nghiêm quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm theo những sản phẩm của ngân hàng. Hai là, phải nâng cao chất lượng thẩm định cấp giấy phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính. Ba là, phải hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng, đến năm 2025 phải hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06 năm 2017 của Chính phủ.

Đối với Bộ Ngoại giao cũng có 5 khối công việc phải lưu ý, trong đó có 4 việc phải đặc biệt quan tâm. Một là, phải chú trọng đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư. Hai là, phải tích cực, chủ động trong hợp tác song phương và đa phương về du lịch, gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế; góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư du lịch. Ba là, phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài. Bốn là, phải khẩn trương xây dựng dự án Luật quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Có lẽ đây là lần đầu tiên một phiên chất vấn đạt được yêu cầu cao “hỏi ngay, đáp liền” (hỏi một phút, đáp 3 phút theo quy chế) được thực thi suốt trong cả thời gian diễn ra hoạt động chất vấn. Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí nghiêm túc, cầu thị, chân thành, cởi mở, cùng tìm các giải pháp thúc đẩy công việc quốc gia đại sự.

Kết quả của phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này là cơ sở góp phần hoàn thiện thêm một bước về quy trình hoạt động chất vấn ở cả Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sở dĩ đạt được những kết quả nói trên, ngoài nguyên nhân hai Bộ trưởng nắm vững thực trạng các lĩnh vực mình quản lý, điều hành, còn có việc các Bộ trưởng ghi chép khá đầy đủ, hiểu rõ nội hàm, yêu cầu của các câu chất vấn. Hầu hết các đại biểu chỉ hỏi một câu (rất ít đại biểu hỏi 2 câu, không có đại biểu chất vấn 3 câu). Tuyệt đại bộ phận các câu hỏi đều ngắn gọn, rõ ý, rõ nội dung, bớt hẳn kể lể tình hình, mà hỏi trực diện vấn đề luôn. Các đại biểu đã tư duy logic, gói gọn tình hình trong nội hàm câu chất vấn.

Song quan trọng hơn nữa, Chủ tọa điều hành nhất mực “định hình” từ đầu đến kết thúc chỉ mời mỗi lần 3 đại biểu chất vấn, do đó đa phần “mỗi loạt” đều trong khuôn khổ “hỏi 3 phút, đáp 9 phút" đúng như quy định.

Từ đây cho ta suy nghĩ: cải tiến hay đổi mới có lẽ cũng không phải lúc nào cũng đòi hỏi "đao to búa lớn", mà đôi khi chỉ là thực hiện theo đúng những gì mà ta đã có, đã quy định. Trong trường hợp này, đổi mới chính là kiên quyết, kiên trì thực thi theo đúng quy chế.

TS. Bùi Ngọc Thanh

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội