Chiều 1/4, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 3. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh;…

bna-img-0904-9580.jpg.webp
Quang cảnh phiên họp thường kỳ tháng 3/2024 của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận thống nhất nội dung phiên giải trình 6 tháng đầu năm 2024.

Trước đó, thực hiện yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh, để lựa chọn nội dung giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh 6 tháng đầu năm 2024, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã tổng hợp 20 nội dung các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đề xuất.

Sau khi xem xét các nội dung đã được HĐND tỉnh chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh họp giải trình; HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh giám sát, khảo sát nhiệm kỳ 2016 - 2021 từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã hội ý thống nhất nội dung: Giải trình về việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề.

Đơn vị trả lời là lãnh đạo các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế. Ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị liên quan như: Sở Công Thương, UBND cấp huyện cùng tham gia trả lời những vấn đề liên quan. Phiên giải trình dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 5/2024.

Theo lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh, việc đề xuất lựa chọn nội dung này xuất phát từ thực trạng hiện có những khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề sử dụng lao động chưa chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động cho người lao động.

Trong quá trình làm việc, nhiều lao động không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện an toàn lao động.

Đồng thời, với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như hiện nay, việc tổ chức phiên giải trình nội dung này góp phần thúc đẩy các giải pháp phục vụ quá trình phát triển bền vững của các loại hình này cũng như góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

baba-220-6238.jpeg.webp
Công nhân mắc bụi phổi silic đang được giám định thương tật ngày 26/3. Ảnh tư liệu: T.H

Công tác chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề hiện đang là vấn đề đặt ra.

Điển hình là Công ty trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến có trụ sở tại Khu Công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Long (Nghi Lộc). Năm 2017, công ty chính thức đi vào sản xuất với dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm bột đá và đá silic. Trung bình có từ 20-25 lao động làm việc hàng ngày tại công ty.

Từ năm 2017 đến nay, công ty đã tuyển dụng tổng số 137 lao động. Sau khi có một số trường hợp lao động từng làm việc tại đây tử vong và đã được Bệnh viện Phổi Trung ương chẩn đoán mắc bệnh bụi phổi silic, các cơ quan của ngành Y tế Nghệ An đã tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 101 người lao động từng làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến.

Qua kết quả khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp, có 62 lao động đã và đang làm việc tại đây mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, trong đó: 5 người chết liên quan đến bệnh bụi phổi silic, 1 trường hợp tử vong chưa xác định nguyên nhân cụ thể, 19 người lao động bị mắc bệnh bụi phổi silic nặng, 25 người mức độ mắc bệnh trung bình, 13 người mức độ tổn thương trên phổi cần theo dõi và 20 trường hợp khám đợt 3 chưa có kết quả.
Tháng 5/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra tại công ty này. Kết quả cho thấy, công ty có hàng loạt sai phạm. UBND tỉnh sau đó đã xử phạt công ty hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã thu thập hồ sơ, làm rõ vụ việc.

Thành Duy