Giải pháp đã được kiểm chứng

DDCI là Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh. Khảo sát DDCI trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần hình thành các giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm; đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.

1--toan-canh-kcn-vsip-nghe-an--anh-thanh-cuong.jpg
Toàn cảnh KCN VSIP Nghệ An. Ảnh Thành Cường

Tại Hội thảo đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới do UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua, một trong các khuyến nghị được ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đưa ra cho tỉnh là: Thực hiện việc đánh giá thực thi của sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã một cách thường xuyên, thực chất và khoa học.

Mục tiêu của việc thực hiện DDCI nhằm đánh giá khách quan năng lực điều hành của lãnh đạo chính quyền địa phương và sở, ban, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư; đồng thời qua đó cũng tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành. Từ đó, cải thiện chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công và nâng cao chất lượng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Quảng Ninh là địa phương liên tiếp dẫn đầu Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh trong 5 năm qua. Và một yếu tố quan trọng giúp địa phương này vươn lên mạnh mẽ chính là đã quyết liệt triển đánh giá và công bố Chỉ số DDCI từ năm 2016 đến nay. Bà Vũ Thị Kim Chi - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Song song với dành nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, Quảng Ninh đã lựa chọn làm sao tập trung vào các yếu tố mềm, tức là nâng cao năng lực điều hành của các cơ quan ban, ngành để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

2--cac-doi-tac-han-quoc-trao-doi-voi-cac-doi-tac-tai-nghe-an--anh-thanh-duyjpg.jpg
Các đối tác Hàn Quốc trao đổi với các đối tác tại Nghệ An. Ảnh Thành Duy

Ở Quảng Ninh, các chỉ số thành phần của DDCI dựa trên PCI để lựa chọn những chỉ số phù hợp với tính chất của sở, ban, ngành và yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, qua đó giúp cho lãnh đạo tỉnh biết sở nào, ngành, địa phương nào còn chưa tốt; lãnh đạo, cán bộ của từng sở, ngành, địa phương cũng biết mình đang chưa tốt ở đâu?. “Tất nhiên có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình vận hành ban đầu”, bà Kim Chi nói, tuy nhiên “qua 6 năm thực hiện cho thấy, DDCI là giải pháp rất hay, tạo sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành và địa phương”.

Để triển khai DDCI, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh là cơ quan tham mưu, đồng thời thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, hiểu về doanh nghiệp để thực hiện, qua đó tạo sự thuyết phục, đảm bảo công khai minh bạch. Một yếu tố khác từ Quảng Ninh cũng cho thấy là cần sự vào cuộc thực sự của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đánh giá thì mới mang lại chất lượng.

Sẽ đánh giá và công bố Chỉ số DDCI tại Nghệ An

Tại Nghệ An, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Đánh giá năng lực cạnh tranh của Chính quyền địa phương và Sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025 (DDCI - Department and District Competitiveness Index) vào tháng 7/2021. Trên cơ sở nghiên cứu các chỉ tiêu của bộ chỉ số PCI, các bộ chỉ số đánh giá của các tỉnh, thành khác, cũng như qua kết quả khảo sát thí điểm đánh giá năm 2019, 2020 tại tỉnh Nghệ An và góp ý từ các sở, ban, ngành, các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn, Bộ chỉ số DDCI của tỉnh Nghệ An gồm có 8 chỉ số thành phần cho các sở, ban, ngành gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của sở, ban, ngành; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; vai trò người đứng đầu.

Cũng với đó, Bộ chỉ số DDCI của tỉnh Nghệ An ban hành 10 chỉ số thành phần cho chính quyền địa phương gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của chính quyền địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; vai trò người đứng đầu; tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh; đào tạo lao động.

3--Doan-khao-sat-cua-HDND-tinh-khao-sat-tai-KCN-VSIP.jpg
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh khảo sát tại KCN VSIP

Đối tượng được khảo sát, đánh giá DDCI ở Nghệ An là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh và có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công. Đối tượng được đánh giá là nhóm các sở, ban, ngành và cơ quan ngành dọc trực thuộc cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh gồm 21 đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông và Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Ban quản lý KKT Đông Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh. Nhóm chính quyền địa phương gồm 21 huyện, thành phố và thị xã.

Với việc ban hành Đề án đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An, cũng như vừa qua UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo đánh giá chỉ số PCI tỉnh Nghệ An năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI trong giai đoạn tới; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An và VCCI Chi nhánh Nghệ An đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về việc triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) tiếp tục thể hiện quyết tâm, thông điệp mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh trong công cuộc cải cách hành chính của tỉnh nhà đối với việc cải thiện chỉ số PCI và môi trường đầu tư, kinh doanh của Tỉnh. Tại hội thảo này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định, Tỉnh sẽ thực hiện đánh giá và công bố năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) trên tinh thần khách quan, trước hết là năm 2022.

Thành Duy