Những tồn tại, điểm nghẽn

Theo kết quả công bố của VCCI năm 2022, Trong 4 chỉ số bị tụt hạng của Nghệ An, có 2 chỉ số bị tụt hạng sâu nhất là chỉ số gia nhập thị trường (từ vị trí thứ 29 xuống vị trí thứ 46) và chỉ số đào tạo lao động (từ vị trí thứ 31 xuống vị trí 48).

Chỉ số tiếp theo là chi phí thời gian từ 30 xuống 42; chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục giảm từ 40 xuống 45.

Ở chiều ngược lại, 4/10 chỉ số bị giảm điểm, tụt hạng về mức trung bình (ngoài tốp 30) là gia nhập thị trường giảm 0,22 điểm, giảm 17 bậc; tiếp cận đất đai giảm 0,25 điểm, giảm 05 bậc; chi phí thời gian, giảm 0,49 điểm, giảm 12 bậc; chỉ số đào tạo lao động, giảm 0,77 điểm, giảm 17 bậc.

Riêng chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm 0,93 điểm nhưng tăng 6 bậc.

pci-2022-6964-2268.jpg

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022.

Sự tụt hạng của các chỉ số thành phần đã mang lại hụt hẫng cho không ít người và đặt ra câu hỏi, áp lực cho các nhà quản lý trên các lĩnh vực liên quan.

anh-3-4935.jpg

Các đơn vị tuyển dụng tiếp xúc các học viên học nghề tại Hội nghị kết nối việc làm Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Hải

Trên thực tế, các chỉ số thành phần trên năm 2022 bị thấp không phải là điều gì quá ngạc nhiên mà thực tế đã được chỉ ra từ các cuộc hội thảo, phân tích đánh giá chỉ số PCI công bố các năm trước. Theo đó, lần lượt các chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, gia nhập thị trường hay đào tạo lao động của Nghệ An liên tục xếp ở tốp cuối trong những năm gần đây.

Cụ thể, chỉ số gia nhập thị trường năm 2019 đứng thứ 16 nhưng năm 2020 rớt xuống thứ 44, giảm 28 bậc; đến năm 2021 lên vị trí thứ 29, tăng 15 bậc nhưng năm 2022 lại xuống thứ 44, giảm 17 bậc. Tiếp đó, chỉ số tiếp cận đất đai, năm 2019 đứng ở vị trí 42, sang năm 2020 lên vị trí 35, tăng 7 bậc nhưng năm 2021 xuống vị trí 40, giảm 5 bậc và năm 2022 tiếp tục giảm 5 bậc để xuống vị trí thứ 45; chỉ số đào tạo lao động năm 2019 xếp ở vị trí thứ 23 nhưng năm 2020 rớt xuống vị trí 42, tụt 19 bậc, năm 2021 tăng 11 bậc lên vị trí thứ 31 và năm 2022 lại giảm 17 bậc để xuống vị trí 48.

Quan sát các chỉ số trong PCI trên trong 4 năm lại đây, chúng tôi nhận thấy, mặc dù tỉnh có nỗ lực cải thiện nhưng nhìn chung các chỉ số và trong số thành phần PCI Nghệ An vẫn chưa ổn định và bền vững, năm nay cải thiện một chút nhưng năm tới bị giảm và ngược lại, có chỉ số năm nay tăng cả chục bậc nhưng năm trước cũng bị tụt và không ai dám chắc năm tới cũng sẽ tụt sâu thêm.

anh-1-573.jpg

Tư vấn cho học sinh học nghề sau tốt nghiệp, hoàn thành chương trình đào tạo nghề dài hạn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải

Một chuyên gia đến từ VCCI Nghệ An thẳng thắn: Các chỉ số thành phần trên, đặc biệt là chỉ số tiếp cận đất đai hay đào tạo lao động với những hạn chế và điểm nghẽn cố hữu như doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ điều kiện để thuê đất tại các KCN được đầu tư hạ tầng hoàn thiện và không có nguồn lực để giải phóng, tìm kiếm mặt bằng sản xuất; thu nhập lao động không được cải thiện thì khó tuyển dụng lao động có tay nghề, chất lượng cao vào làm việc và ngược lại… Sắp tới, nếu tỉnh không có giải pháp căn cơ và mang tính đột phá thì rất khó cải thiện trong ngắn hạn.

Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - cơ quan được UBND tỉnh giao xây dựng tiêu chí, phương pháp đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND các huyện, thị giai đoạn đầu đã chia sẻ: Việc các chỉ số thành phần giảm không có nghĩa là địa phương hay ngành ấy không làm gì mà có thể là sự quan tâm, nỗ lực của địa phương trong lĩnh vực chưa đủ tốt; hoặc cũng có thể là do tỉnh cũng cải thiện nhưng các tỉnh bạn có quyết tâm, giải pháp cụ thể nên kết quả tốt hơn và nên đẩy các chỉ số của ta xuống thấp. Vấn đề là sau mỗi lần bị tụt hạng, tỉnh và các lĩnh vực liên quan cần đánh giá khách quan để tìm giải pháp cải thiện…

Cải thiện chỉ số đào tạo lao động theo cách nào?

Tại bảng công bố PCI năm 2022, có 4 chỉ số nhiều năm vẫn chưa cải thiện và vẫn “dậm chân tại chỗ” gồm đào tạo lao động, tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường và chi phí thời gian.

Trong số các chỉ số trên, chỉ số bị đánh giá thấp và tụt hạng rất đáng tiếc là chỉ số đào tạo lao động. Sở dĩ đáng tiếc là bởi Nghệ An có hệ thống đào tạo nghề mạnh nhất khu vực miền Trung, nhân lực lao động phổ thông dồi dào và tỷ lệ lao động qua đào tạo lớn. Thế nhưng, chỉ số đào tạo lao động (gồm các biến số nhỏ là tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giám sát có dễ hay không (%); tỷ lệ lao động tại doanh nghiệp đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có dễ dàng hay không). Với cách xếp hạng dựa vào các biến số nhỏ này, Nghệ An xếp ở thứ 48/63 và thuộc tốp cuối của cả nước và tỷ lệ điểm thấp hơn các tỉnh, thành tốp đầu từ 20-30%.

tiet-hoc-thuc-hanh-cua-thay-tro-truong-ttcn-nghe-an-anh-nguyen-hai-9864.jpg

Tiết học thực hành trên máy của thầy và trò Trường Trung cấp nghề Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Đinh Văn Phong - Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và Lao động, Khu kinh tế Đông Nam thẳng thắn: Chỉ số đào tạo lao động nhưng thực chất là nhận xét, đánh giá của các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn về tuyển dụng lao động phổ thông, lao động kỹ thuật, cán bộ quản lý, giám sát tại tỉnh ta. Về điểm này, Nghệ An có nguồn lao động dồi dào nhưng do mức lương, thu nhập quá thấp nên lao động có tay nghề, kỹ thuật nào muốn ở lại.

Trên thực tế, với mức thu nhập lương tháng chỉ bằng 70% các tỉnh và các chế độ đãi ngộ, phụ cấp thâm niên không có, các sinh hoạt phí như thuê nhà, tiền điện, nước đắt đỏ nên thời gian qua, thay vì ở lại quê hương làm việc, nhiều lao động sau khi dự phỏng vấn tuyển dụng tại các KCN đã quyết định đi ngoại tỉnh làm việc hoặc xuất khẩu lao động.

kiem-tra-san-pham-tai-may-minh-anh-do-luong-6475.jpg

Lãnh đạo Công ty kiểm tra chất lượng sản phẩm may tại Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên. Ảnh Cơ sở cung cấp

Đại diện một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN tại huyện Hưng Nguyên cho hay: Trái với kỳ vọng, các doanh nghiệp thuê đất, làm nhà máy rất khó tuyển dụng lao động Nghệ An vào làm việc. Để tìm hiểu nguyên nhân, bộ phận hành chính nhân sự đã khảo sát được biết, với mức lương cố định vùng trên dưới 7 triệu đồng/tháng, người lao động ở xa, nếu không có ký túc xá hoặc nhà riêng thì không đủ sống; các địa phương, người dân làm nhà cho công nhân thuê thì mỗi hộ một mức giá, tiền điện, nước thu khá tùy tiện mà không có ban quản lý nào giám sát.

bna-tuyen-lao-dong-det-may-tai-nhat-ban-668.jpg

Lựa chọn đi xuất khẩu lao động là xu hướng chính của lao động Nghệ An vài năm lại đây đã ảnh hưởng đến tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Hải

Cùng chung quan điểm nhưng ông Trần Phi Hùng - Trưởng Phòng việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Chỉ số PCI về đào tạo lao động nhưng chủ yếu đề cập đến việc tuyển dụng, sử dụng lao động. Vài năm gần đây, các doanh nghiệp trong KCN tỉnh cần nhiều lao động.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chỉ tuyển lao động phổ thông, lao động nữ, một vài doanh nghiệp FDI còn yêu cầu biết tiếng Trung nên khó có lao động ứng tuyển là đúng, vì lao động có chuyên môn và ngoại ngữ phải qua đại học, cao đẳng. Ngặt một nỗi, doanh nghiệp muốn tuyển lao động chất lượng cao nhưng không muốn bỏ chi phí để liên kết, phối hợp với các trường nghề để dạy tiếng cho người lao động.

bna-toan-canh-4962.jpg

Kết nối cung cầu lao động hàng năm giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp do Khu kinh tế Đông Nam phối hợp với Sở Lao động, TB&XH tỉnh tổ chức. Ảnh: Ng. Hải

Thống kê của KKT Đông Nam cho thấy, trong 3 năm từ 2020 -2022, các doanh nghiệp tại KKT tuyển gần 20 ngàn lao động nhưng chỉ có 12 lao động có trình độ cao đẳng, đại học, còn lại là lao động phổ thông, lao động nữ.

Ở khía cạnh ngược lại, do bình quân thu nhập lao động tại Nghệ An khá thấp (mức lương tối thiểu vùng 3 và vùng 4) nên cũng khó thu hút lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề kỹ thuật tốt thuộc diện chuyên gia về làm việc.

lao-dong-duoc-tim-hieu-doi-thoai-voi-don-vi-tuyen-dung-ngay-tai-hoi-cho-viec-lam-323--n1.jpg

Các lao động tham gia kết nối việc làm năm 2022 tại KCN VSIP Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Điều này khác xa với các tỉnh trọng điểm về KCN phía Bắc và phía Nam, doanh nghiệp nào cần lao động tay nghề cao và biết ngoại ngữ thì chủ động liên hệ với các trường nghề để đào tạo từ năm thứ 3 trở đi.

"Nhân lực lao động của các nhà máy trong KCN tại Nghệ An gần như để mặc cho địa phương và các cơ sở đào tạo nghề tự bơi. Chính vì thế, mỗi năm, các trường nghề ở Nghệ An đào tạo trên dưới 1000 lao động nhưng chỉ có khoảng 30% người làm việc trong tỉnh, còn lại đều được các doanh nghiệp ngoại tỉnh về đón, mời đi làm", TS. Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt – Hàn chia sẻ.

anh-2-3980.jpg

Ký kết cung ứng nhân lực lao động giữa Trường Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt – Hàn và các đơn vị sử dụng lao động. Ảnh Tư liệu Báo Nghệ An

Để cải thiện chỉ số này, theo ông Đinh Văn Phong - Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động, Khu kinh tế Đông Nam, không có cách nào khác là các doanh nghiệp phải cải thiện, nâng thu nhập hàng tháng cho lao động; quan tâm đến các chế độ về an sinh, phúc lợi xây nhà ở xã hội, ký túc xá cho công nhân, người lao động; các doanh nghiệp cần nhu cầu lao động lớn, chuyên biệt cần phải tăng cường phối hợp liên kết với các trường dạy nghề để đào tạo nguồn và tuyển dụng...

Từ đầu năm 2023, Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho các KCN tại Vinh, Hưng Nguyên và Nghi Lộc từ vùng 3- 4 (thấp nhất) lên vùng 2. Với xu thế cạnh tranh thu hút lao động hiện nay, các doanh nghiệp tại KCN tỉnh ta sẽ phải nâng dần thu nhập thì sẽ thu hút được lao động có chất lượng; đồng thời nếu điều kiện cho phép, Nghệ An sẽ đề nghị nâng mức thu nhập tối thiểu lên vùng 1. Hy vọng lúc đó chỉ số về đào tạo lao động trong PCI hàng năm của tỉnh sẽ được cải thiện vững chắc hơn.

(Đại diện Phòng quản lý Doanh nghiệp và lao động, KKT Đông Nam chia sẻ)