bna-bieu-do-chi-diem-so-pci-nghe-an-tu-nam-2006-den-nam-2022-5639.jpg Điểm số PCI của Nghệ An từ năm 2006 đến năm 2022. Ảnh: Thành Duy

Quan sát điểm số PCI của Nghệ An từ năm 2006 đến năm 2022, khách quan đánh giá thì điểm tuyệt đối trên thang điểm 100 cơ bản đều được cải thiện, đặc biệt, từ năm 2015 đến năm 2022, điểm tuyệt đối của tỉnh liên tục tăng qua từng năm. Cụ thể, PCI Nghệ An lần lượt là 58,47 (2015), 59,45 (2016), 63,52 (2017), 64,08 (2018), 64,64 (2019), 64,73 (2020), 64,74 (2021), 66,6 (2022).

Tuy nhiên, ở hệ quy chiếu khác, xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2022 so với 63 tỉnh, thành trên cả nước lần lượt là: 32 (2015), 25 (2016), 21 (2017), 19 (2018), 18 (2019), 18 (2020), 30 (2021), 23 (2022) lại không hề ổn định.

bna_br_bna-xep-chi-so-pci-cua-nghe-an-so-voi-63-tinh-thanh-cau-ca-nuoc-tu-nam-2006-den-2022-2007--n1.jpg Xếp PCI của Nghệ An so với 63 tỉnh, thành của cả nước từ năm 2006 đến năm 2022. Ảnh: Thành Duy

Câu hỏi đặt ra là trong giai đoạn nêu trên, vì sao điểm tuyệt đối của Nghệ An qua từng năm đều tăng, song thứ hạng của tỉnh so với cả nước “trồi sụt”? “Bắt mạch” vấn đề này có thể thấy, dưới con mắt đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại Nghệ An, chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh dù được quan tâm cải thiện, có sự chuyển biến, nhưng chưa thực sự rõ nét, mạnh mẽ. Cho nên, dù điểm tuyệt đối có tăng qua từng năm, song nhiều tỉnh, thành khác không đứng lại, mà họ còn tăng nhanh hơn chúng ta.

Từ tổng thể đi vào cụ thể các chỉ số thành phần của PCI Nghệ An cũng chỉ ra nhiều vấn đề. Chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực chính trong điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp.

chi-so-thanh-phan-2021-copy-1689.jpg

Điểm 10 chỉ số thành phần PCI Nghệ An trong các năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021. Ảnh: Thành Duy

Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh, trật tự được duy trì.

Tuy nhiên, so sánh 10 chỉ số thành phần của Nghệ An trong năm 2021 và 2022, có thể thấy sự không ổn định ở nhiều chỉ số. Ví dụ, điểm số trên thang điểm 10 của một vài chỉ số tương ứng trong năm 2022 giảm so với năm 2021 thể hiện rõ điều đó, như: Chỉ số gia nhập thị trường là 6,77 điểm và 6,99 điểm; chỉ số tiếp cận đất đai là 6,69 và 6,94; chi phí thời gian là 7,05 và 7,54; đào tạo lao động là 5,05 và 5,82.

diem-so-xep-hang-10-chi-so-thanh-phan-cua-pci-nghe-an-so-voi-63-tinh-thanh-ca-nuoc-598.jpg Điểm số, xếp hạng 10 chỉ số thành phần PCI Nghệ An năm 2022 trong 63 tỉnh, thành phố cả nước. Ảnh: Thành Duy

Phân tích cụ thể vào 10 chỉ số thành phần của PCI Nghệ An năm 2022 cũng cho thấy, chính những chỉ số tụt điểm trên có thứ hạng khá thấp so với 63 tỉnh, thành của cả nước như: Gia nhập thị trường đứng thứ 46/63; tiếp cận đất đai 45/63; chi phí thời gian 42/63; đào tạo lao động 48/63.

Điểm sáng của Nghệ An trong năm 2022 chính là Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành; Chỉ số tính năng động của chính quyền cũng có sự cải thiện lớn về mặt điểm số từ 6,27 năm 2021 lên 6,82 năm 2022, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành.

Nhìn vào điểm số và thứ hạng các chỉ số thành phần PCI Nghệ An năm 2022 cơ bản chỉ đang ở mức khá; thậm chí là những chỉ số cụ thể được chỉ ra như trên còn ở vị trí tương đối thấp so với yêu cầu, cho chúng ta cảm nhận rằng, vẫn còn đâu đó những vướng mắc, rào cản, khoảng cách giữa quyết tâm cải thiện chính sách và chất lượng điều hành với hiệu quả thực tế mà doanh nghiệp cảm nhận được, hay có thể nói hiệu quả thi hành trong thực tiễn.

Có lẽ vấn đề ở đây là các cấp trung gian của bộ máy công vụ trong quá trình thực thi, chuyển hóa các chính sách, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh đi vào cuộc sống vẫn chưa đạt yêu cầu.

Vấn đề hiện nay phải đẩy mạnh cụ thể hóa trách nhiệm một cách cụ thể với quan điểm: “Rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm”. Nếu ở đâu đó có vấn đề, thì cần quy định trách nhiệm và có giải pháp dứt khoát, đặc biệt là về công tác cán bộ. Đây là những định hướng mà lãnh đạo tỉnh đang quyết tâm cụ thể hóa rõ hơn trong môi trường hành chính công.

so-snh-ngh-an-vi-cc-tnh-6525.jpg

Điểm số PCI Nghệ An so với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ trong các năm 2021, 2022. Ảnh: Thành Duy

Vừa qua, Nghệ An đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh cho thấy quyết tâm chính trị rất cao. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính với phương châm hành động “3 tăng” (tăng tính công khai minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng; tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp), “2 giảm” (giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính); và “2 không” (không gây phiền hà, sách nhiễu; không trễ hẹn).

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp được yêu cầu tiếp tục nâng cao đạo đức công vụ theo phương châm “5 có, 3 không”, gồm: “Có trách nhiệm cao với công việc được giao; có kiến thức, kỹ năng trong thực hiện nhiệm vụ; có tính sáng tạo, làm việc khoa học, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có ý thức tổ chức kỷ luật tốt; có tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng” và “không quan liêu; không có hành vi, thái độ tiêu cực trong thi hành công vụ; không chủ nghĩa cá nhân, thực dụng”.

Thành Duy