Qua Báo cáo, Đoàn đã chỉ rõ những kết quả đạt được, nổi bật trên tất cả các nội dung của Chương trình, cụ thể: trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kết quả triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kết quả thực hiện các Chương trình chuyên đề; kết quả thực hiện một số nội dung cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kết quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện Chương trình.
Đồng thời, qua quá trình nắm bắt thực tiễn tại các địa phương, đơn vị Đoàn đã giám sát trực tiếp, cùng với Báo cáo của 20 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh; 20 Báo cáo của các sở, ngành, đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ của Chương trình, Đoàn đã chỉ ra được 10 tồn tại trong mục tiêu thực hiện Chương trình; 02 hạn chế trong việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Đối với việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến xây dựng nông thôn mới, qua giám sát, Đoàn đã chỉ ra được tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Để giải quyết được những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo, Đoàn giám sát đã đưa ra 12 giải pháp mang tính trọng tâm, thiết thực, tổng quát nhất, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính bền vững, có chiều sâu, hoàn thiện để đáp ứng được các tiêu chí nông thôn mới các cấp độ ngày càng cao.
Thứ hai, rà soát các văn bản, chính sách có liên quan để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp với các văn bản của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, chỉ đạo rà soát lại một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp, tham mưu HĐND tỉnh sửa đổi bổ sung các Nghị quyết về chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng có trọng tâm, tạo động lực phát triển và đảm bảo cân đối nguồn lực thực hiện.
Thứ ba, soát các loại quy hoạch như quy hoạch vùng, quy hoạch huyện, quy hoạch xã, quy hoạch rừng, quy hoạch đất,... để có sự đồng nhất với quy hoạch tỉnh; có phương án xử lý, điều chỉnh phù hợp giữa các quy hoạch, nhất là các quy hoạch mới được phê duyệt.
Thứ tư, quan tâm nâng cao chất lượng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí về thu nhập, lao động, tổ chức sản xuất và và phát triển kinh tế nông thôn. Tập trung khuyến khích, xây dựng các xóm, thôn, bản nông thôn mới, đặc biệt là đối với vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để làm nền tảng để xây dựng các xã nông thôn mới bền vững, hiệu quả. Đồng thời, rà soát các chỉ tiêu với các quy định mới về xây dựng xã, huyện, đô thị đạt chuẩn nông thôn mới với chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đến hết năm 2025 để có giải pháp, lộ trình đạt và vượt chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới các cấp độ. Giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã được công nhận.
Thứ năm, chú trọng đầu tư các cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống, cây con, các loại cây có lợi thế trên địa bàn; đồng thời, tập trung quản lý thị trường giống, thị trường phân bón các loại để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp.
Thứ sáu, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Hợp tác xã nông nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; có các chính sách phù hợp, hỗ trợ, khuyến khích Hợp tác xã có cơ hội tiếp cận, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thứ bày, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu, đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm; chủ động tích cực tìm kiếm đầu ra (cả thị trường trong và ngoài nước) cho các sản phẩm OCOP.
Thứ tám, nâng cao chất lượng thẩm định, lấy ý kiến, công nhận đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới; có kế hoạch thẩm định lại các đơn vị đã đạt chuẩn nông thôn mới các cấp độ, thẩm định lại chất lượng các sản phẩm OCOP theo quy định để đảm bảo mục tiêu bền vững trong quá trình thực hiện Chương trình.
Thứ chín, năng cường công tác quản lý tài sản công, khuyến khích Nhân dân phát huy hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa xã, xóm, nhất là nhà văn hóa tại các khối, xóm sau sáp nhập; không để xảy ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất văn hóa, lãng phí nguồn lực của nhà nước và Nhân dân.
Thứ mười, sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh quy trình, thủ tục thực hiện các dự án nhà máy xử lý rác, nhà máy cấp nước sạch đã nộp hồ sơ như: Nhà máy xử lý rác ở Đô Lương, Nhà máy nước Bắc Diễn Châu...
Mười một là, cần có phương án giải quyết tình trạng hỗ trợ xi măng chậm cho các xã trong quá trình thực hiện nông thôn mới; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan phối hợp, nghiên cứu, xem xét, sửa đổi Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 để phù hợp với tình hình thực tế, mở rộng phạm vi cho phép các xã sử dụng xi măng, ngoài để làm đường giao thông nông thôn còn được sử dụng vào các mục đích khác.
Mười hai là, chỉ đạo nâng cao công tác phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó, chú trọng phối hợp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của Chương trình; chỉ đạo các mô hình nông thôn mới có hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.
Có thể thấy, công tác xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ xuyên suốt, đòi hỏi mục tiêu ngày càng cao và yêu cầu tính bền vững, có chiều sâu. Những giải pháp trên là tổng thể những nhận định, đánh giá và định hướng của Đoàn giám sát để toàn tỉnh nói chung và ngành nông nghiệp cùng các địa phương, đơn vị nói riêng có “chìa khóa” tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; giải quyết các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình, phấn đấu đạt và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 hiện nay và những giai đoạn tiếp theo.