Hạn chế, tồn tại

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về Giải pháp để phát triển du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có 15 lượt đại biểu chất vấn.

Đánh giá về chất lượng chất vấn nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, các đại biểu nêu câu hỏi đúng và trúng, nội dung ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề. Ông giám đốc Sở Du lịch và đại diện lãnh đạo các ngành: Kế hoạch và Đầu Tư, Văn hóa và Thể thao, Lao động - Thương binh và Xã hội Công thương đã nắm chắc vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của mình, đã trả lời đầy đủ, khá thẳng thắn các vấn đề chất vấn, tranh luận của đại biểu.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - phát biểu kết luận chất vấn

Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh trong quá trình hoạch định, triển khai phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh ta luôn xác định Du lịch là một thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên phát triển: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 khẳng định: “ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, du lịch biển, nghỉ dưỡng,... mang tầm khu vực và quốc tế”; Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã định hướng phát triển du lịch Nghệ An “trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của cả nước”. Tỉnh đã ban hành nhiều chiến lược, kế hoạch, chính sách cụ thể để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Ban Thường vụ Ban hành Chương trình hành động số 68 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2030, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2020 về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1439/QĐ-UBND về Phê duyệt Chiến lược phát triển Du lịch Nghệ An đến năm 1930, tầm nhìn 2035…

 Nghệ An là tỉnh có tiềm năng để phát triển du lịch với nhiều tài nguyên du lịch về tự nhiên và văn hóa phong phú, hấp dẫn: Nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng; nhiều di tích, di sản. Đặc biệt là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và Nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, mang giá trị toàn cầu, độc quyền dưới góc độ tiếp cận về du lịch.

 Thời gian qua du lịch Nghệ An có bước phát triển khá tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Đã xây dựng, định hình được nhiều sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương: du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hoá lịch sử tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch khám phá ẩm thực; Thu hút được sự tham gia của nhiều công ty lữ hành uy tín (Viettravel saigontourist; các nhà đầu tư lớn về sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch (Mường Thanh, Vingroup; T&T…); Thị trường khách du lịch từng bước được mở rộng; doanh thu chiếm tỷ trọng khá lớn; Nhân lực về du lịch tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng phục vụ, giai đoạn cao nhất lên đến trên 10.300 người.

Toàn cảnh phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; vai trò “mũi nhọn” trong nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, cụ thể: Sản phẩm du lịch tuy đã cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng cho du lịch Nghệ An; sản phẩm du lịch ít được đổi mới, còn trùng lặp với địa phương khác dẫn tới sức cạnh tranh còn thấp; thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm để tăng thời gian lưu trú, mức chi tiêu của du khách; tính mùa vụ còn cao; chưa thu hút được các dòng khách quốc tế lớn, ổn định; kết cấu hạ tầng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch; liên kết phát triển du lịch còn yếu; tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, thiếu hụt; văn hóa du lịch chưa phát triển xứng tầm, đặc sắc, chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm của người dân trong công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, văn hóa ứng xử; công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa thực sự bao quát; sự quan tâm vào cuộc phối hợp của ngành du lịch, các ngành, địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thiếu tính chủ động.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trên cơ sở nội dung chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu tại Kỳ họp và những tồn tại đang đặt ra, để ngành du lịch thực sự trở thành “kinh tế mũi nhọn”, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ:

Một là: Cần thống nhất nhận thức đúng và có quyết tâm chính trị cao để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn:

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng; phát triển du lịch liên quan đến trách nhiệm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do vậy, để phát triển du lịch không thể mỗi ngành du lịch làm được mà cần có trách nhiệm và sự vào cuộc đồng bộ các cấp, các ngành trong tỉnh (Các ngành cần xác định đúng nhiệm vụ được phân công trong chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ chính trị);

Dòng người về thăm quê Bác

 Cần xây dựng một triết lý, bộ nhận diện rõ ràng, tầm nhìn dài hạn, quy hoạch và quản lý quy hoạch bài bản, tổng thể, hiệu quả cho du lịch của tỉnh. Thực tế hiện nay, địa phương đang tự làm, mạnh ai nấy làm, vai trò định hướng, quản lý của các cơ quan Nhà nước về du lịch chưa rõ, dẫn đến khó kết nối, thiếu chuyên nghiệp;

Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tổ chức quản lý nhà nước về du lịch: Nâng cao năng lực tham mưu quản lý du lịch ở cấp tỉnh, các địa phương, nhất là địa phương trọng điểm phát triển du lịch;

Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị, các đơn vị kinh doanh về du lịch vị trí, vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế hỗ trợ có tính đột phá hơn, mạnh hơn để phát triển du lịch, trong đó tập trung các nhóm ưu tiên như: (1) khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; (2) phát triển sản phẩm du lịch (hiện nay tỉnh mới có Nghị quyết số 07/2020 về hỗ trợ du lịch cộng đồng; đón đầu xu thế hiện nay, có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ các đoàn khách du lịch quốc tế; sự kiện thể thao quốc tế...); (3) nhóm nghiên cứu, phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch; (4) nhóm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...

Ba là, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch

Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tại các địa bàn có tiềm năng; đầu tư hạ tầng giao thông kết nối phục vụ du lịch thuận lợi. Trước mắt cần tập trung hoàn thiện các công trình hạ tầng tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như Cửa Lò, Nam Đàn, tuyến đường N5 kết nối với đường Hồ Chí Minh, mở rộng Quốc lộ 7A, các tuyến đường ở miền Tây để đón đầu và kịp thời triển khai thu hút, đón khách du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Vinh; xúc tiến dự án cao tốc Hà Nội  - Viêng Chăn, đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh; tiếp tục thu hút, đầu tư các cơ sở dịch vụ: Khách sạn, y tế, ăn uống, vui chơi giải trí…thuận lợi, đẳng cấp;

Bãi biển Cửa lò

Đầu tư phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng tiêu chuẩn du lịch quốc tế, du lịch nội địa cao cấp, du lịch bình dân gắn với bảo tồn, phát huy vai trò các di tích lịch sử, các điểm đến và khu du lịch; chương trình OCOP…;

Tăng cường thanh tra, kiểm tra; quản lý chặt chẽ các loại dịch vụ phục vụ du khách, xóa bỏ tư tưởng làm du lịch theo mùa, chộp dật.

Bốn là, Chú trọng xây dựng môi trường du lịch nhân văn, văn hóa du lịch giàu bản sắc, tính khác biệt cao: Ứng xử văn minh, thân thiện với du khách. Chú trọng bảo vệ môi trường tự nhiên trong lành; môi trường xã hội an toàn cho du khách. Đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu (trang bị cho nhân lực du lịch những kiến thức về ngoại ngữ, nghiệp vụ du lịch, am hiểu thị trường, văn hóa, luật pháp quốc tế…).

Năm là, tăng cường liên kết, kết nối, phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch:

Chú trọng ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội, các website về du lịch để tuyên truyền quảng bá du lịch; thực hiện số hóa các điểm đến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và tăng trải nghiệm du lịch mới cho khách du lịch;

Tăng cường hợp tác, liên kết với các tổ chức trong nước và quốc tế; các hãng hàng không và lữ hành lớn để thực hiện các chương trình, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch tại chỗ và tại các thị trường trọng điểm quốc tế. Quan tâm đăng cai các sự kiện du lịch có quy mô lớn; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; các sự kiện, hội nghị, hội thảo tại các khu, điểm du lịch của tỉnh;

Tăng cường định hướng liên kết du lịch giữa các địa phương, các vùng miền; gắn các địa điểm du lịch với các tua, các tuyến du lịch. Xây dựng mỗi địa phương, mỗi địa điểm du lịch có đặc điểm riêng để thu hút du khách trải nghiệm.

Thường  trực  HĐND  tỉnh,  các Ban  của  HĐND tỉnh,  các  Tổ đại  biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc tiếp thu, giải trình và thực hiện cam kết tại phiên chất vấn./.