d0108tth-4753.jpg
Đào tạo nghề cho lao động tại Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế.

Theo Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao nhằm đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2025.

Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

Những năm qua, công tác phát triển nguồn nhân lực đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nguồn nhân lực có bước phát triển và cơ bản được sử dụng hiệu quả. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thừa Thiên Huế. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong tổng số gần 562 nghìn lao động đang làm việc tại Thừa Thiên Huế, tổng việc làm của nhóm nhân lực chất lượng cao là 80,72 nghìn lao động, chiếm khoảng 14,38% tổng việc làm toàn tỉnh. Ngoài ra, có 11,5% số lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng cao, 78,7% số lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng trung bình và 9,6% yêu cầu kỹ năng thấp.

Trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật của lực lượng lao động ngày càng được nâng lên. Đội ngũ trí thức của Thừa Thiên Huế được đánh giá đứng thứ nhất khu vực miền trung-Tây Nguyên, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng. Với đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và y tế - hai trong bốn lĩnh vực trụ cột của Thừa Thiên Huế - có gần 152 nghìn người; trong đó, có 275 giáo sư, phó giáo sư, gần 1.043 tiến sĩ, 3.936 thạc sĩ và hơn 300 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú và 37 giáo sư danh dự của khối đại học Huế.

Mới đây, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tìm hướng xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Khó khăn, bất cập cũng đã được chỉ ra là chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và quá trình hội nhập. Quy mô nguồn nhân lực qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp. Công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức. Một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn, lợi thế của tỉnh còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi. Nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ lệ thấp. Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, hoạt động thực tiễn của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ông Lê Ngự Bình, Phó Viện trưởng Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, từ năm 2019, quy mô lực lượng lao động tại Thừa Thiên Huế có xu hướng giảm. Mặc dù có tiến bộ trong trình độ học vấn, song lực lượng lao động có xu hướng già hóa, mức độ đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp ở mức trung bình. Chính những điều này đã tạo rào cản trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Theo ông Bình, về mức độ gắn kết giữa đào tạo với sử dụng người lao động chưa bảo đảm, chất lượng lẫn số lượng của lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh còn thiếu hụt. Giai đoạn 2016-2020, lao động qua đào tạo nhập cư và di cư đến Thừa Thiên Huế có xu hướng giảm, lao động qua đào tạo di cư từ Thừa Thiên Huế đến các tỉnh, thành phố khác cao hơn lao động nhập cư đến tỉnh. Quy mô và việc làm của nguồn nhân lực chất lượng cao của Thừa Thiên Huế chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lực lượng lao động. "Nguồn nhân lực chất lượng cao cho bốn lĩnh vực chủ lực của tỉnh, gồm giáo dục, văn hóa-du lịch, y tế, khoa học-công nghệ tuy có chất lượng cao hơn so với mặt bằng chung toàn tỉnh, song còn nhiều hạn chế", ông Bình cho biết.

Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, dịch vụ-du lịch chiếm tỷ trọng cao, song các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao phát triển chậm. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đặng Hữu Phúc cho rằng, việc sử dụng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan ngại khi chất lượng việc làm còn thấp, tính dễ bị tổn thương của việc làm và tỷ lệ việc làm phi chính thức còn cao. Chuyển dịch lao động theo trình độ kỹ năng còn rất chậm và năng suất lao động vẫn ở mức thấp. Đơn cử như các nhóm nghề đòi hỏi lao động có trình độ kỹ năng thấp: nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ, bán hàng, nông-lâm nghiệp-thủy sản, thợ thủ công và thợ kỹ thuật lắp ráp, vận hành máy móc thiết bị chiếm tới 76,8% tổng số lao động có việc làm. Lao động qua đào tạo di cư đến các tỉnh, thành phố khác cao gấp 1,8 lần so với lao động qua đào tạo nhập cư đến. Thu nhập bình quân đầu người tuy được cải thiện nhưng còn rất chậm, tăng 600 nghìn đồng/tháng so với năm 2016 và thấp hơn nhiều so với khu vực và cả nước.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, thực trạng nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của Thừa Thiên Huế những năm qua chưa thật sự được triển khai hiệu quả; việc xây dựng, lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ chưa bám sát với thực tiễn; thiếu các phân tích, dự báo cụ thể về nhu cầu nhân lực gắn với xu hướng biến động của thị trường lao động; trình độ phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn thấp.

Tạo nguồn nhân lực chất lượng phù hợp yêu cầu phát triển

Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 có định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở bốn trụ cột là văn hóa-du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chú trọng đến vai trò chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong cách mạng công nghiệp hiện nay. Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động tại Thừa Thiên Huế qua đào tạo đạt 70-75%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30-35%.

Thừa Thiên Huế đã xác định tám nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành kinh tế mũi nhọn cần tập trung như: văn hóa du lịch, nghệ thuật, bảo tồn di sản, thể thao; y tế chất lượng cao; khoa học-công nghệ; công nghệ thông tin; giáo viên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông; cán bộ, công chức, viên chức.

Để hạn chế tình trạng "chảy máu" nhân lực, Thừa Thiên Huế phải chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh mới. Tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu chính sách giữ chân, thu hút, đãi ngộ lao động có chất lượng cao trên các lĩnh vực thông qua chính sách tiền lương, thưởng phù hợp sự cống hiến của người lao động; có chính sách ưu tiên theo từng cấp độ khác nhau cho những trình độ và năng lực khác nhau và có chế độ ưu tiên đặc biệt cho những nhân tài đặc biệt, những chuyên gia đầu ngành để thu hút các nhân tài về Thừa Thiên Huế.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Thừa Thiên Huế nên có cơ chế hình thành, phát triển các viện, trung tâm nghiên cứu sáng tạo cấp tỉnh, kể cả viện tư nhân, nước ngoài để người lao động có nơi nghiên cứu, có việc làm. Tỉnh cần có cơ chế tự chủ cho cơ sở đào tạo; mạnh dạn sắp xếp các trường trung cấp, cao đẳng lại thành một hệ thống, nâng cao chất lượng mạng lưới giáo dục-đào tạo. Bên cạnh đó, cần thu hút nhân lực nước ngoài, đưa nhân lực y tế đi đào tạo ở nước ngoài để nâng cao trình độ. Quan tâm đến nguồn lao động ngoài khu vực công vì đây là lực lượng quan trọng, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo phải mang tính hai chiều, nhà trường phải đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Kim Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, phát triển nguồn nhân lực không quan trọng là cao hay thấp mà chất lượng lao động phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội với tầm nhìn rõ ràng. Phát triển nguồn nhân lực cần đi đôi với nhu cầu thực tế phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Có ba hướng tiếp cận trong phát triển nguồn nhân lực mà Thừa Thiên Huế cần tập trung là: phát triển nguồn nhân lực hiện đang có (đào tạo lại); phát triển nguồn nhân lực chính bản thân tổ chức, doanh nghiệp cần bổ sung, tìm kiếm; phát triển nguồn nhân lực cho thị trường lao động.

Trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đang tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực và kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức. Qua đó, đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm. Cụ thể là tập trung phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu ngành du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là đột phá và kinh tế biển là thiết yếu.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG HẬU