Nằm ở khu vực trung du miền núi với diện tích đất tự nhiên 352.200ha, Thái Nguyên trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư “đại bàng” như Samsung, Masan... Đó là bởi địa phương có môi trường đầu tư minh bạch, cùng những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chi phí, nguồn nhân lực...

Điển hình, năm 2023, Tập đoàn Samsung đã rót tiếp 2 tỷ USD để xây dựng khu Tổ hợp Công nghệ cao tại Thái Nguyên. Đến nay, số vốn đầu tư của Samsung cho các dự án tại địa phương được nâng lên khoảng 7,5 tỷ USD.

Theo thống kê của tỉnh Thái Nguyên, lũy kế đến tháng 1/2025, trên địa bàn tỉnh có 223 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 11,3 tỷ USD.

Nhờ đó, quy mô kinh tế của tỉnh bứt phá mạnh mẽ trong thời gian qua, vươn lên và nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu về GRDP và xuất khẩu hàng hóa.

Theo số liệu của Cục Thống kê, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cách đây 10 năm (2015) của tỉnh Thái Nguyên chỉ là 66.356 tỷ đồng, đến năm 2024 tăng mạnh lên 162.105 tỷ đồng và xếp thứ 15 cả nước.

GRDP của tỉnh này duy trì đà tăng trong suốt 10 năm qua. Theo đó, quy mô GRDP của tỉnh năm 2024 so với năm 2015 tăng 144,3%, tức gấp gần 2,5 lần.

Tương tự, GRDP bình quân đầu người của Thái Nguyên từ 51 triệu đồng/người/năm (năm 2015) vọt lên mức 119 triệu đồng/người/năm vào năm 2023.

Như vậy, trong 10 năm, GRDP bình quân đầu người của địa phương này đã tăng 68 triệu đồng (trung bình mỗi năm tăng 6,8 triệu đồng), tương đương mức tăng 133,3%.

Với đà tăng này, Thái Nguyên những năm gần đây luôn nằm trong nhóm các địa phương có GRDP bình quân đầu người ở mức khá của nước ta.

Về xuất khẩu, 6 năm trở lại đây, Thái Nguyên nằm trong nhóm địa phương có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao nhất cả nước.

Cụ thể, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh này đạt gần 27,8 tỷ USD, là 1 trong 3 tỉnh thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao nhất và chiếm 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Xuất khẩu hàng hóa của Thái Nguyên bất ngờ sụt giảm còn 24,4 tỷ USD vào năm 2020 và nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2021 khi đạt 29,09 tỷ USD - mức kỷ lục của tỉnh.

Năm 2022, Thái Nguyên duy trì được con số tương đương năm trước đó, ở mức 29,88 tỷ USD, nhưng tụt xuống vị trí thứ 4 và chiếm 10,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, đến năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh lại sụt giảm còn 25,69 tỷ USD và hồi phục lên 27,34 tỷ USD vào năm ngoái, xếp vị trí thứ 6 trong số các địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước.

Hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu của Thái Nguyên bất ngờ vọt lên top 3 cả nước khi đạt 5,6 tỷ USD, chỉ xếp sau TPHCM và Bắc Giang.

Về thu ngân sách nội địa của Thái Nguyên luôn theo xu hướng tăng trong suốt 10 năm qua, từ gần 5.900 tỷ đồng năm 2015 vọt lên 17.567 tỷ đồng vào năm 2023, tăng gấp gần 3 lần.