Thành phố Hà Nội hiện đang quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với hơn 800.000 người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và một số đối tượng hưởng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có gần 82.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, có nhiều chính sách cao hơn mức của Trung ương để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công, gia đình chính sách.

Có thể kể đến như chủ trương cấp thẻ xe buýt miễn phí cho người có công, người khuyết tật; trợ cấp hằng tháng cho cựu thanh niên xung phong sống cô đơn, không nơi nương tựa và cán bộ hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày có hoàn cảnh khó khăn...

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện đa số người có công với cách mạng tuổi cao, sức khỏe yếu, hơn 90% người có công là người cao tuổi, mắc các bệnh mạn tính và bệnh hiểm nghèo do thương tật, bệnh tật, cần được chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên.

Mặt khác, số lượng người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hằng tháng trung bình mỗi năm giảm hàng nghìn người do qua đời. Chỉ tính riêng trong năm 2020, giảm gần 2.000 người; năm 2021, giảm gần 3.000 người.

Để tiếp tục chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, người có công, tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 đã thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công của thành phố Hà Nội.

Theo đó, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Hội đồng nhân dân thành phố thông qua 2 chính sách đặc thù gồm:

Thứ nhất, hỗ trợ tiền khám sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng khi thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Mức chi hỗ trợ (bằng tiền mặt) 1 triệu đồng/người/năm.

Thứ hai, hỗ trợ tiền mai táng phí khi người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng từ trần (ngoài mức kinh phí theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội).

Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 114 tỷ đồng/năm (tăng so với năm 2022 khoảng 99,7 tỷ đồng), từ nguồn ngân sách thành phố và ngân sách quận, huyện, thị xã theo phân cấp.

Cũng tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán; kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu.

Theo đó, thành phố Hà Nội giữ nguyên đối tượng và tăng mức tặng của thành phố tới các đối tượng.

Cụ thể, hỗ trợ kinh phí hoạt động của các ban liên lạc tù chính trị Hà Nội, mức hỗ trợ 500.000 đồng/hội viên/năm. Hỗ trợ kinh phí hoạt động của các ban liên lạc tù chính trị tổ chức kỷ niệm vào các năm chẵn và năm tròn: Mức hỗ trợ 500.000 đồng/hội viên (ngoài mức hỗ trợ hằng năm cho hoạt động của các hội viên Ban liên lạc tù chính trị).

Thành phố cũng quy định nội dung và mức tặng quà tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu: Mức quà gồm 2 mức cho các đối tượng (bằng tiền mặt) 2 triệu đồng và 1 triệu đồng. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố và ngân sách quận, huyện, thị xã theo phân cấp.

Nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và ngày Tết Trung thu, thành phố sẽ tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; các cơ sở trợ giúp xã hội công lập có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Mức tặng quà: 500 nghìn đồng/em/ngày với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…