cdhht.jpg

Chân dung Hà Huy Tập trong hồ sơ của mật thám Pháp

Tuy nhiên, hiện nay đang có những thông tin khác nhau về việc Hà Huy Tập bị cách chức và sa thải khỏi trường Tiểu học Pháp- Việt mang tên Cao Xuân Dục ở Vinh. Một số tài liệu cho rằng lí do ông bị cách chức và sa thải là do tham gia lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. “Tháng 3/1927 trong lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh do Phục Việt tổ chức tại Vinh, ông đứng lên diễn thuyết, kêu gọi nhân dân đấu tranh”[1]. Hoặc: “Vốn là giáo viên trướng tiểu học Vinh, từ năm 1926 ông tham gia nhóm Phục Việt (sau đổi là Tân Việt). Vì tham gia truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ông bị cách chức”[2].

Vậy thực chất việc Hà Huy Tập dạy học và bị cách chức, sa thải ở trường Tiểu học Pháp - Việt mang tên Cao Xuân Dục, ở Vinh như thế nào? Tài liệu công báo của chính quyền bảo hộ và báo chí đương thời có thể trả lời câu hỏi này.

  1. Hà Huy Tập ở NhaTrang

Trường Tiểu học Pháp- Việt ở Nha Trang cũng như trường Tiểu học Pháp – Việt ở Vinh đều là trường công lập, được chính quyền lập ra vào năm 1899[3]. Chính vì vậy, giáo viên cũng như các viên chức khác của nhà trường đều do chính quyền, mà cụ thể là do Khâm sứ Trung Kỳ tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển hoặc cách chức, sa thải.

Theo đó, ngay sau khi tốt nghiệp Quốc Học Huế, Hà Huy Tập đã được bổ nhiệm làm giáo viên tạm thời tại Nha Trang. Tại Nghị định ngày 8/9/1923 của Khâm sứ Trung Kỳ, Hà Huy Tập được bổ nhiệm làm giáo viên tạm thời (Instituteur temporaire) tại trường tiểu học Nha Trang, thay thế cho một giáo viên khác là Dô Van Xang[4].

st1.jpg

Sau hơn sáu tháng, tại Nghị định ngày 29/4/1924 của Khâm sứ Trung Kỳ, Hà Huy Tập được nâng từ giáo viên tạm thời (Instituteur temporaire) lên là giáo viên tập sự (instituteur stagiaire), tại trường Tiểu học Nha Trang[5]

st2.jpg

Như vậy, qua sự thăng tiến đó cho thấy Hà Huy Tập là một giáo viên trẻ có năng lực.

Trong thời gian Hà Huy Tập dạy học tại Nha Trang, ngày 14 tháng 7 năm 1925, Hội Phục Việt được thành lập ở Vinh. Những người chủ trương và tham dự cuộc hội nghị thành lập Hội Phục Việt là Lê Văn Huân, Trần Phú, Trần Đình Thanh (còn gọi là Trần Mộng Bạch), Tôn Quang Phiệt, Ngô Đức Diễn và Nguyễn Hào. Sau đó, Hội Phục Việt đã phát triển lực lượng của mình ở một số địa phương khác. “Ở Nam Trung Kỳ, Ngô Đức Diễn đã kết nạp Hà Huy Tập (giáo học tại Nha Trang) vào Hội”[6]. Trong các hoạt động của Hội Phục Việt, nổi bật có cuộc đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh. Hà Huy Tập đã viết bài cho báo Nhà Quê của nhà cách mạng Nguyễn Khánh Toàn đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu[7]. Tại Nha Trang Hà Huy Tập đã cùng một số giáo viên khác mở lớp dạy chữ cho người lớn tuổi, đồng thời trích tiền từ đồng lương ít ỏi của mình lập một tủ sách miễn phí cho bạn đọc[8].

Ngày 24/3/1926 cụ Phan Chu Trinh từ trần. Cái chết của nhà ái quốc đã gây chấn động lớn trong mọi tầng lớp Nhân dân. Hầu như tất cả các tỉnh thành trong cả nước đều tổ chức lễ truy điệu Cụ. Tại Nha Trang lễ truy điệu được tổ chức vào ngày 4/4/1926, tại nhà ông Vương Gia Bát. Sách Quốc gia huyết lệ tường thuật: “Hành lễ vào hồi 6 giờ chiều hôm 4 Avril. Ông Trần Thái Long là đàn anh trong cuộc truy điêu đứng chánh bái. Ông đốt hương khấn và lạy, song ông Hà Huy Tập vào lạy rồi rồi quỳ một bên hương án, đọc một bài lịch sử cụ Tây Hồ cho các người dự lễ nghe, ai cũng lấy làm cảm động xót xa, âu sầu nét mặt”[9].

Như vậy, việc Hà Huy Tập tham dự và đọc điếu văn trong lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh là có thật, nhưng sự kiện này diễn ra ở Nha Trang, ngày 4/4/1926, chứ không phải tháng 3/1927 ở Vinh. Dịp tháng 3 năm 1927 là lễ Tiểu tường (giỗ đầu) của cụ Phan Chu Trinh, ở Vinh cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm sôi nổi, được tường thuật trên “Thực nghiệp Dân báo”, nhưng không thấy nhắc đến Hà Huy Tập. Có thể thời điểm này ông đã chuyển vào Sài Gòn.

st3.jpg
Bài trong sách Quốc gia huyết lệ
  1. Hà Huy Tập ở trường Tiểu học Pháp – Việt, Vinh

Sau sự kiện lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh ở Nha Trang bốn tháng, Hà Huy Tập được thuyên chuyển ra Vinh, để dạy trường Tiểu học Pháp - Việt[10]. Theo Nghị định ngày 9/8/1926, Hà Huy Tập được điều ra Trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh, để hoán đổi cho một giáo viên khác tại đây là Hoang Ngoc Quyêt.

st4.jpg

Tại thời điểm Hà Huy Tập chuyển đến, trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh đã được tách ra làm hai trường. Và, từ năm 1925, trường giành cho nam sinh mang tên Cao Xuân Dục, trường giành cho nữ sinh mang tên Nguyễn Trường Tộ.

st5.jpg

Trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh, nơi thầy Hà Huy Tập dạy học (1926-1927)

Vinh lúc bấy giờ vẫn là cái nôi của Hội Phục Việt, lúc này đã đổi tên thành Hội Hưng Nam. Tại trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh, Hà Huy Tập tiếp tục cùng với Trần Văn Tăng và các giáo viên khác mở lớp dạy chữ Quốc ngữ ban đêm, miễn phí cho người lớn[11]. Về việc này, Thực nghiệp Dân báo viết: “Một điều đáng mừng cho đảng lao động. Từ nửa năm ngoái lại bây giờ, ở trường Pháp- Việt Cao Xuân Dục Vinh, ông Đốc giáo cùng các giáo viên có tổ chức mở lớp học tối dạy từ 7 giờ đến 9 giờ. Lớp này chuyên dạy cho người vì thế tình bức ép không thể theo học được phải ra làm ăn. Các giáo viên không lấy tiền, mà dạy dỗ thì hết sắc chăm lo”[12]

st6.jpg
Bài trên Thực nghiệp Dân báo, số ra ngày 28/2/1927

Những sự kiện sau này đã chứng tỏ rằng tại trường Vinh, Hà Huy Tập là thầy giáo giỏi, có uy tín với học sinh và phụ huynh. Thế nhưng, chỉ bốn tháng sau ngày ra Vinh, một lần nữa Hà Huy Tập lại bị thuyên chuyển. Tại Nghị định ngày 9/1/1927 của Khâm sứ Trung Kỳ, Hà Huy Tập được điều động và bổ nhiệm quản lý trường sơ đẳng Kẻ Bọn, thay thế cho một giáo viên khác là Vo Van Ky[13].

st8.jpg

Kẻ Bọn là địa danh cổ chỉ huyện Quỳ Châu hiện nay. Vào thời kỳ đó Kẻ Bọn là nơi lam sơn chướng khí, “trường sơ đẳng Kẻ Bọn” chỉ là một điểm trường nhỏ, vô cùng thiếu thốn, khó khăn.

  1. Cuộc bãi khóa của học sinh trường Tiểu học Pháp- Việt Vinh

Ngay lập tức, việc điều chuyển Hà Huy Tập lên Kẻ Bọn đã gây chấn động lớn đối với học sinh trường Tiểu học Pháp- Việt Vinh. Một cuộc bãi khóa lớn đã nổ ra.

Báo Tiếng vọng An Nam (L'Écho Annamite ) đã đưa tin và bài về vụ Hà Huy Tập trên ba số báo ra ngày 21, 24 và 25 tháng 2 năm 1927. Trong số ra ngày 25/2/1927, dưới đầu đề “Chi tiết về vụ Hà Huy Tập”, bài báo cho biết:

st9.jpg
Bài “Chi tiết vụ Hà Huy Tập” trên báo Tiếng vọng An Nam, số ra ngày 25/2/1927

“Thứ 6, ngày 14 tháng 1 năm 1927, vào 10g35, khi Hà Huy Tập đang dạy ngữ pháp An Nam cho học sinh thì một nhân viên bàn giấy của trường Vinh đến và mang theo cho ông thông tin về việc thuyên chuyển ông đến công tác tại Kẻ Bọn, vùng quê nghèo có người Mường sinh sống.

Người thầy giáo, bình thường rất vui và chiều học sinh, bỗng chốc trở nên buồn bã và im lặng, trong khi toàn bộ học sinh thì òa khóc như mưa.

Buổi chiều cùng ngày, tất cả học sinh của lớp cơ bản A, không hỏi ý kiến của thầy, mà đồng loạt rời trường để phản đối.

Họ đã gửi cho ông hiệu trưởng trường Vinh, cho công sứ Nghệ An, Trưởng bộ phận giáo dục ở Huế, Khâm sứ Trung Kỳ và ngài Toàn quyền những bức thư và điện báo để xin giữ thầy Hà Huy Tập ở lại Vinh.

Hà Huy tập đã đến chất vấn ông Công sứ Nghệ An[14] về lý do bị thuyên chuyển. Công Sứ đã tiếp ông rất lịch thiệp và trong gần 2 giờ ông đã nói về các sự kiện trên thế giới, về các học thuyết xã hội khác nhau (tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa…)

Và dưới đây là tóm tắt các điểm quan trọng trong cuộc nói chuyện này.

Ngài công sứ bắt đầu: “Ông Hà Huy Tập thân mến, ông đã tham gia vào vụ Nhà Quê[15]

“Người ta đã gửi cho ông 20 ấn bản của tờ báo này, tất cả đều được đóng dấu bưu điện và tất cả hiện đang nằm ở Tòa công sứ”.

Khi Phan Bội Châu bị bắt, ông đã gửi cho ông Phan Văn Trường một bức điện báo và nó được đăng trong tờ Nhà Quê, một tờ báo chống chính quyền, với lời bình luận của ông”.

Từ khi ông bắt đầu thư từ qua lại với ông Phan Văn Trường và ông Nguyễn Khánh Toàn, những nhà cách mạng chống Pháp, ông đã bị chính quyền xem là cùng hội với họ.”

“Hơn nữa, từ lâu ông đã là cộng tác viên của tờ Annam[16], điều này không phù hợp với chức năng của một giáo viên.”

“Theo báo cáo, ông còn thường kể những câu chuyện chống Pháp trong lớp học và cả trong các buổi học dành cho người lớn.”

“Người tiền nhiệm của tôi, ông Thibandeau[17], cũng đã nhận ra rằng ông là người có tinh thần kém. Ông luôn tận dụng mọi cơ hội mà ông có để lăng nhục những người bản xứ tận tâm ủng hộ nền bảo hộ.”

“Bây giờ chúng tôi sẽ chuyển ông đến vùng dân tộc Mường để ông khỏi phải làm chính trị nữa”.

“Nhưng ông bạn thân mến. Đây là những lí do mà tôi nghĩ. Vì không phải tôi là người ra quyết định thuyên chuyển ông.”

Ông Louis Marty tiếp tục: “ Đúng vậy, bây giờ ông đã trở thành người chống Pháp nổi tiếng. Tuy nhiên, chỉ cần ông hứa danh dự với tôi là từ nay sẽ cắt đứt các mối quan hệ với các phần tử cách mạng để cho những nghi ngờ này được xóa bỏ. Khi đó, thay vì phải nhận các hình phạt thì ông sẽ được nhận các ân huệ. Tôi sẽ thu xếp với ông Khâm sứ để ông được tiếp tục ở lại Vinh hoặc bố trí cho ông bất cứ vị trí công việc nào mà ông lựa chọn”

“ Mặc dù tôi là người Pháp, nhưng tôi cũng rất xem thường những người An Nam không có tinh thần yêu nước. Tôi đánh giá cao ông. Vậy thì hãy tiếp tục làm chính trị vì những người mà không chăm lo đến các công việc của đất nước mình thì không xứng đáng làm công dân”.

“Nhưng tôi khuyên ông đừng làm chính trị đấu tranh. Chính trị tốt nhất hiện nay ở bán đảo Đông Dương này là sự xích lại gần nhau giữa Pháp - Annam . Người Pháp và người An Nam cần phải xem nhau như những người anh em bởi vì trong một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, người Pháp sẽ trả lại đất nước cho người An Nam”.

“Những đồng bào của ông sẽ không còn chịu sự đô hộ của người Pháp nữa. so với sự tồn tại của đất nước ông (hơn 4000 năm) thì 65 năm bị đô hộ chỉ như là một phút trong cuộc sống của dân tộc”.

“Hãy kiên nhẫn, bạn tôi ạ. Cứ xem hiện tại ông như đang sắp bị ngã và tôi đã đưa tay ra nắm lấy vai ông để giữ ông lại. Trọng lượng này cũng khá nặng, nhưng có thể chịu được vì nếu được giúp đỡ như thế này thì ông sẽ không bị ngã nữa. Và với dân tộc của ông cũng vậy. Họ đang tự chuẩn bị, dưới sự bảo hộ của người Pháp hào phóng, một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và sau khi chúng tôi rời đi, các ông có thể tự chèo lái đất nước mình một cách suôn sẻ mà không gặp nhiều khó khăn”.

“Ông Tập, ông thấy đấy, sẽ thực sự vô ích và liều lĩnh khi chuẩn bị cuộc cách mạng. Nước Pháp hùng mạnh đã dành chiến thắng trước người Đức, sẽ không để cho người An Nam chiến thắng đâu. Hơn nữa các ông làm gì có tiền để chiến đấu với chúng tôi, Chúng tôi đã vét hết tiền của các ông rồi”.

“Các đồng bào của ông đừng bắt chước cộng sản Nga, vì ở đó, chế độ tư bản sẽ phục hồi một cách mạnh và sẽ tàn bạo hơn”.

“Tôi cũng thú nhận với ông rằng hồi trẻ tôi cũng là người theo chủ nghĩa xã hội, nhưng sau đó, tôi đã thay đổi và giờ đây ông thấy quan điểm của tôi rồi đó”.

“Đồng bào của ông cũng không nên bắt chước người Trung Quốc vì họ cũng sắp đi đến hồi thất bại”.

“Khi ông có sự do dự trong công việc, hãy đến gặp tôi để trao đổi, tôi sẽ đón tiếp ông như một người bạn bất cứ lúc nào”.

Sau khi nghe xong những lời đó, Hà Huy Tập đã trả lời: “ Tôi sẽ không bao giờ làm điều mà tôi chưa bao giờ làm”.

Sau lời đó, cuộc nói chuyện kết thúc.

Và cả ngày hôm sau cuộc bãi khóa của các học sinh lớp cơ bản A vẫn tiếp tục. Tối hôm đó, quyết định của Công sứ về việc cách chức của Hà Huy Tập đã được đưa ra.

Ngày thứ hai sau đó, 500 học sinh của hai trường Nguyễn Trường Tộ và Cao Xuân Dục đã tổng bãi khóa và cùng kéo nhau về trường College[18] rồi về Tòa Công Sứ để yêu cầu giữ Hà Huy Tập ở lại Vinh. Tuy nhiên họ đã nhanh chóng bị giải tán bởi 6 người Pháp (Công sứ, Hiệu trưởng trường College, 2 cảnh sát và 2 sỹ quan quân đội), cùng lính bảo an và nhân viên cảnh sát và cả phu xe kéo được tuyển dụng để giữ trật tự, tất cả đều được trang bị gậy gộc.

Tất cả học sinh bị rượt đuổi phải chạy qua sông. Một trong số họ đã suýt chết đuối nếu không được những người đánh cá trên sông cứu.

Thành phố được bảo vệ bởi một đội lính bảo an, cảnh vệ, dưới sự sững sờ của người dân. Tối thứ sáu tuần đó, ngài Công sứ đã thể hiện sự tức giận đối với Hà Huy Tập, ông thay đổi thái độ so với hôm thứ 2 và đe dọa sẽ trục xuất Hà Huy Tập khỏi thành phố ngay lập tức. Ông ta đã ra lệnh cho các quan lại trong tỉnh triệu tập Hà Huy Tập đến văn phòng để điều tra về những sự việc này.

Sáng 19 tháng 1, rất nhiều nữ học sinh đã rời lớp học để thể hiện sự đoàn kết đối với các học sinh của trường nam sinh.

Cùng ngày, họ cũng đã gửi cho tờ Annam một bức điện báo để họ công bố cho công chúng biết là biểu tình vẫn còn tiếp tục.

Những học sinh của lớp học miễn phí dành cho người lớn mà Hà Huy Tập dạy đã gửi hai yêu cầu tập thể đến chính quyền để yêu cầu giữ Hà Huy Tập ở lại.

Đây là sự việc tại Vinh mà chúng tôi đã tường thuật lại một cách gắn gọn.

L.B.D”[19]

Ngay trong ngày 17/1/1927 Khâm sứ Trung Kỳ đã ký quyết định sa thải Hà Huy Tập[20]:

st10.jpg

Cũng số báo trên, tiếp tục tường thuật về vụ Hà Huy Tập, báo viết:

“Sa thải Hà Huy Tập, bắt giữ một số người biểu tình:

Ngày 19 tháng 1, quyết định sa thải Hà Huy Tập đã được đưa ra, kèm theo một văn bản của Tòa Khâm sứ quy kết Hà Huy Tập xúi dục học sinh biểu tình.

Các nhân viên cảnh sát người Pháp, cải trang như những người An Nam, lính Pháp ăn mặc như người nhà quê hay các thợ máy đi khắp thành phố để dò xét các hoạt động của người biểu tình. Rất nhiều người biểu tình, trong đó nổi bật là Trần Quang Khương đã bị bắt giữ và giam tại nhà tù trung tâm thành phố”

Báo cũng đăng thư của Hà Huy Tập, ngày 22/1/1927, gửi Tòa báo. Trong đó cho biết: Đã có 600 học sinh bãi khóa để phản đối quyết định điều động Hà Huy Tập của chính quyền. Ba học sinh dẫn đầu là Khương, Bảo và Hào đã bị bắt giữ. Học sinh tiếp tục gửi đơn kiến nghị đòi thả những người bị bắt và phục hồi công việc cho Hà Huy Tập. Để dẹp yên cuộc bãi khóa, Công sứ Vinh đã ra lệnh thả ba học sinh bị bắt giữ, đồng thời hứa sẽ đề nghị cấp trên phục hồi công việc cho Hà Huy Tập. Sau hơn một tuần bãi khóa, ngày 22/1/1927 học sinh đã trở lại trường.

Thế nhưng, sau khi học sinh trở lại trường, nhà cầm quyền vẫn thực hiện quyết định sa thải Hà Huy Tập, đồng thời xử lý đuổi học đến 128 nam học sinh của trường Tiểu học Pháp- Việt Cao Xuân Dục. Thực nghiệp Dân báo số ra ngày 14/4/1927 cho biết: “Tin Trung Kỳ. Vinh. 128 cậu học trò bị đuổi. Nguyên tháng chạp năm ngoái, ở trường Pháp- Việt Vinh có một ông giáo Hà Huy Tập phải đổi đi Kẻ Bọn là chỗ lam sơn chướng khí, độc nước dữ ma, dầu đàn ông ta lên đó, cũng không ai là khỏi to bụng. Khi được tin thầy Tập phải đổi như thế, hơn mấy trăm học trò vừa nam ban vừa nữ ban đồng nhau ra xin cho thầy Tập”.

st11.jpg
Tin trên báo Thực nghiệp Dân báo, số ra ngày 14/4/1927

Sau khi bị sa thải, Hà Huy Tập rời Vinh. Ngày 17 tháng 3 năm 1927, anh đi Sài Gòn trên chuyến tàu khởi hành lúc 17g 47p từ ga Nha Trang. Tại Sài Gòn, Tạ Thu Thâu đã bố trí cho anh một vị trí tại trường tư thục An Nam Học đường[21]. Từ đây, Hà Huy Tập lại bắt đầu một chặng đường hoạt động mới.

Gần 100 năm đã trôi qua, hy vọng qua những tư liệu trên đây, hoạt động yêu nước của Hà Huy Tập, cùng với nhân cách và bản lĩnh của anh trong thời gian ngắn ngủi ở Vinh sẽ được sáng tỏ thêm.

[2] Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế, NXB Văn Hóa, 1999

[3] Phạm Xuân Cần, Một số tư liệu mới phát hiện về trường Tiểu học Pháp – Việt Vinh, đặc san KHXH&VN Nghệ An, số ra tháng 2 năm 2022.

[4] Bulletin administratif de l'Annam. 1923-09-01

[5] Bulletin administratif de l'Annam. 1924-05-01

[6] Lịch sử Nghệ An, tập I, NXB CTQG, 2012

[7] L'Écho annamite : organe de défense des intérêts francoannamites / directeur propriétaire Vo-Van-Thom. 1927-02-25

[8] L'Écho annamite : organe de défense des intérêts francoannamites / directeur propriétaire Vo-Van-Thom. 1927-02-25

[9] Sách Quốc gia huyết lệ, cuốn thứ nhì, Thịnh Quang thư quán Sài gòn, 1926

[10] . Bulletin administratif de l'Annam. 1926-08-01.

[11] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Vinh (193-2005), NXB CTQG, 2010

[12] Thực nghiệp dân báo, số ra ngày 28/2/1927

[13] Bulletin administratif de l'Annam. 1927-01-01

[14] Công sứ Nghệ An lúc này là Louis Marty

[15] Một tờ báo có xu hướng chống Pháp, do nhà cách mạng Nguyễn Khánh Toàn sáng lập, xuất bản ở Sài Gòn năm 1926. Tuy nhiên, ngay sau số đầu tiên đã bị đình bản.

[16] Le Annam: Một tờ báo có xu hướng chống Pháp, do luật sư Phan Văn Trường chủ trương, Nguyễn Khánh Toàn làm chủ bút, nhưng cũng sớm bị đình bản.

[17] Leon Thibaudeau: Công sứ Nghệ An năm 1924- 1926, tiền nhiệm của Louis Marty

[18] College de Vinh: Trường Quốc học Vinh

[19] L'Écho Annamite , số ngày 25/2/1927, bài Les details de Ha Huy Tap, bản dịch của Trần Đông Giang

[20] Bulletin administratif de l'Annam. 1927-01-15.

[21] Cảnh sát Đông Dương (Nam Kỳ) gửi Khâm sứ Trung Kỳ và Toàn quyền Đông Dương, ngày 24/3/1927 (Tài liệu lưu trữ tại Cục Hồ sơ An ninh, Bộ Công An)