Trên lòng hồ thủy điện Hủa Na rộng lớn, chúng tôi ghé thăm khu vực chăn nuôi của ông Lương Văn Thắng ở bản Mường Hinh, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong. Hiện ông có 12 lồng cá, nuôi chủ yếu các loại cá leo, cá trắm cỏ.

bna_2792-d6fa451e42c1239e6a49c8396c6edf52.jpg
12 lồng cá của ông Lương Văn Thắng cho thu nhập ổn định mỗi năm hàng chục triệu đồng. Ảnh: TP

Ông Thắng bộc bạch, để nuôi được cá trên lòng hồ thủy điện phải thức khuya, dậy sớm. Cá trắm thường ăn các loại rau, lá cây, củ, quả nên cách 1 ngày là phải đi hái. Còn cá leo cần có thức ăn đạm là các loại cá nhỏ. Vì vậy, mỗi hộ nuôi cá leo cần phải có 1 bộ đăng để đánh bắt cá nhỏ làm thức ăn cho cá nuôi lồng.

“Hàng ngày, từ 2h sáng, khi trời còn tối đen, tôi cũng như các hộ khác bắt đầu chèo bè ra các khu vực đặt đăng, đó, cắm đèn điện năng lượng mặt trời để thu hút cá đi vào và kéo lên thu hoạch. Hôm nào nhiều thì được 50-70 kg cá, thậm chí có khi thu được cả tạ cá con, đủ cho mấy lồng cá leo ăn trong nhiều ngày. Song lượng cá con ngày càng ít, vì ngày nào cũng có hàng chục hộ nuôi cá đánh bắt...” - ông Lương Văn Thắng cho biết.

bna_2799-525c084a5717b4b2fa5b02ab3c80f074.jpg
Ông Lương Văn Thắng (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với cán bộ UBND xã Đồng Văn cách chăn nuôi cá lồng bè. Ảnh: HT

Sau khi đã thu lưới, kéo đăng, ông Thắng lại chèo bè đưa về lồng cho cá ăn. Ngoài đánh bắt cá hàng ngày, vợ chồng ông Lương Văn Thắng còn phải lên rừng, lên nương rẫy của gia đình ở ngọn núi bên mép lòng hồ để hái lá sắn, hái cỏ voi, lá rừng về phục vụ 7 lồng cá trắm.

Còn vợ ông thì đảm nhận “nhiệm vụ” đun nấu củ sắn, rau cỏ cho đàn lợn và đàn bò, thêm vài chục con gà đang nuôi ở gia trại trên bờ, gần khu vực lồng cá. Ông Thắng thường xuyên túc trực ở bè cá, còn bà vợ thì ở trên chòi canh nương rẫy, nấu nướng. Khi có việc, ông lại vào trung tâm xã để họp, sinh hoạt. Từ khu vực nuôi cá lồng đi vào bờ để họp hành, sinh hoạt Chi bộ bản nếu đi bằng thuyền gắn máy thì mất khoảng 30 phút.

bna_2817-b70a7b9d64f0746bf70665606617e25d.jpg
Ông Lương Văn Thắng cho cá ăn. Ảnh: HT

Ông Lương Văn Thắng được kết nạp Đảng khi đã 42 tuổi, vào năm 2003. Từ đó đến nay, ông vẫn tham gia đều đặn sinh hoạt Chi bộ, các hoạt động của thôn, bản.

Nói thêm về sự gương mẫu, chỉn chu của đảng viên Lương Văn Thắng, ông Lương Văn Thương - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Văn cho biết, ông Thắng gắn bó với chăn nuôi, trồng trọt và nhiều năm liền đảm nhận vai trò là phó bản, trưởng bản, công an viên. Nay ông đã hơn 60 tuổi, tuy không tham gia ban cán sự bản, song vẫn luôn tiên phong gương mẫu và ủng hộ nhiệt tình các hoạt động của cộng đồng, đặc biệt là trong phong trào phát triển kinh tế.

ban_dang-do-tren-long-ho.jpg
Khu vực thả đăng và vó để đánh bắt cá trên lòng hồ của ông Lương Văn Thắng. Ảnh: TP

Hiện nay, cơ ngơi của ông Lương Văn Thắng ngoài 12 lồng cá còn có đàn bò 6 con, đàn lợn đen hơn chục con, vùng rừng hơn 4.000 cây quế bản địa cùng 3 ha keo, lùng. Mỗi năm, gia đình ông Thắng thu hoạch từ 3-4 lứa cá lồng, mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, thu nhập từ bán lợn đen, bán lùng, keo mỗi năm cũng “ngót nghét” trăm triệu đồng tuỳ theo giá thị trường.

Nói về việc chăn nuôi, trồng trọt của mình, đảng viên Lương Văn Thắng cho hay, trước hết là phải trăn trở, nỗ lực tạo cho mình nguồn thu nhập để "dưỡng già", sau đó là tạo cho con cái thói quen, nếp suy nghĩ có làm thì mới có ăn. Và dù mỗi người đều có cuộc sống của mình, phải tự lo cho bản thân và gia đình, song không thể tách ra khỏi cộng đồng, mà cần gắn bó, ủng hộ xây dựng bản làng, cộng đồng thêm vững mạnh.

bna_ong-luong-van-thang-4cda2e22a00845bc66605dc5f567277d(1).jpg
Ông Lương Văn Thắng trao đổi về những nỗ lực, khó khăn của bản thân và người dân vùng lòng hồ thuỷ điện Hủa Na trong trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: HT

“Đây cũng là những chỉ đạo của Chi bộ đảng mà mỗi đảng viên đều thấm nhuần, thực hiện và cho thấy hiệu quả đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực” - ông Lương Văn Thắng bộc bạch.