Ban Biên tập: Thưa đồng chí! Xây dựng nông thôn mới là một trong những chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; đây cũng là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh đề ra hàng năm. Xin đồng chí cho biết kết quả xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh đến thời điểm hiện nay?

Đồng chí Nguyễn Văn Hằng: Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước và có nhiều yếu tố khó khăn chi phối đến quá trình xây dựng nông thôn mới chung của tỉnh. Song, đây là một trong nhiệm vụ chính trị trọng tâm được cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; nhiều nỗ lực, sáng tạo và cách làm hay ở nhiều địa phương.

f175a75dda1c1c42450d.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Hằng tham quan mô hình trồng cam sạch tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành

Kết quả xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 299 xã/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72,74%; có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 5,02% xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trên địa bàn tỉnh đã có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (thành phố Vinh, thị xã Thái Hoà và các huyện Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc); có 2 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gồm thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu.

Từ đặc thù địa bàn vùng miền núi và đồng bào dân tộc địa giới hành chính rộng, địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế của người dân khó khăn, Nghệ An đã chủ động, sáng tạo xây dựng bản nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 184 thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới (không thuộc xã đạt chuẩn nông thôn mới).

Thông qua xây dựng nông thôn mới tạo bước chuyển tích cực đến đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội, quốc phòng – an ninh khu vực nông thôn, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, lan toả thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Nghệ An thông qua xây dựng các sản phẩm OCOP với tổng 249 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên.

c1637be71aa6dcf885b7.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Hằng trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với xã Thanh Long, huyện Thanh Chương

Ban biên tập: Không thể phủ nhận những nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo và kết quả đạt được trên phạm vi toàn tỉnh, tuy nhiên xây dựng nông thôn mới hiện vẫn chưa tạo ra sự đồng đều giữa các địa phương, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đồng chí cần có những giải pháp gì để khắc phục thực tiễn này?

Đồng chí Nguyễn Văn Hằng: Giải pháp hàng đầu là vai trò chỉ đạo, cách thức tổ chức, sự định hướng và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ xã; vai trò chủ động và tích cực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Đối với các xã khó khăn, nhất là ở các địa phương có nguồn thu ngân sách tại chỗ thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương thì việc phấn đấu đạt chuẩn đủ 19 tiêu chí trong 5 năm tới là khó khả thi. Do vậy, cần xác định mục tiêu phù hợp với các xã khó khăn để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thêm nữa, cũng cần có những điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để thực sự đảm bảo vai trò chủ thể của người dân nông thôn và cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hướng tới sự phát triển hài hòa, bền vững.

Các địa phương cần triển khai thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm đạt mục tiêu chung. Như đối với các xã khó khăn, cần tập trung ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực: phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, đường giao thông đến thôn, đường lâm sinh, trường học, nước sinh hoạt. Thêm vào đó, rất cần chú trọng đến công tác rà soát, đánh giá kết quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của các chương trình đã đầu tư ở miền núi. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên tập trung là phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

a671a4f0cbb10def54a0.jpg
Xây dựng tiêu chí giao thông nông thôn ở huyện Anh Sơn

Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức khác nhau trong mọi tầng lớp Nhân dân; phổ biến cho người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng, thôn, bản trong xây dựng xây dựng nông thôn mới. Lấy nội lực là căn bản, hiểu kỹ nội dung, phương pháp, cách làm, tự tin đứng lên làm chủ, tự giác tham gia và sáng tạo trong tổ chức thực hiện với phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn”.

Các xã cần có sự chủ động trong việc ưu tiên triển khai thực hiện các tiêu chí dễ, cần ít kinh phí, không nên trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn phân bổ từ cấp trên. Cần có sự phân công rõ ràng, cụ thể cho từng cán bộ, tổ chức trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần đưa các xã miền núi khó khăn phát triển, rút ngắn khoảng cách với các xã miền xuôi trên lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần quan tâm các giải pháp triển khai, nhân rộng một số mô hình có hiệu quả giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, khuyến khích tham gia cải thiện khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Chủ động nguồn cây, con giống và trang thiết bị hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp từ các nguồn, định hướng đầu ra của sản phẩm nông nghiệp về giá cả, thị trường, tiêu thụ sản phẩm tạo ra sự an tâm, ổn định cho hộ sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, cải thiện bộ mặt khu vực nông thôn miền núi một cách bền vững.

04ab9273fc323a6c6323.jpg
Thông qua xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu sạch - đẹp hơn

Ban Biên tập: Bên cạnh vấn đề nêu trên, hiện nay yêu cầu tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo quy định mới của Chính phủ cao hơn và độ khó lớn hơn, cho nên để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao cho cả nhiệm kỳ và trước mắt là nhiệm vụ của năm 2022 đặt ra thêm những phần khó. Vậy, giải pháp như thế nào cho vấn đề, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Hằng: Đúng như vậy! Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 (có hiệu lực từ ngày 8/3/2022) với nhiều nội dung được bổ sung và yêu cầu độ khó cao hơn. Bởi vậy, giải pháp đặt ra là cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần tập trung, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo hơn trong chỉ đạo, đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo lộ trình.

- Tranh thủ tối đa nguồn lực Trung ương hỗ trợ, tăng cường lồng ghép đồng bộ, chặt chẽ nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương. Tiếp tục đa dạng hoá nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới theo hướng xã hội hoá; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với công trình có khả năng thu hồi vốn; tăng cường hình thức hợp tác công tư và xã hội hoá để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hoá - thể thao; công khai các khoản đóng góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện. Tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi; kêu gọi sự chung tay góp sức từ doanh nghiệp, cộng đồng và từ các đối tác phát triển, phát huy nội lực của từng địa phương.

14de612bfa6a3c34657b.jpg
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng Nông thôn mới.

- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong xây dựng Nông thôn mới, chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện Chương trình, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, sự giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới, biển, đảo, vùng khó khăn...

- Duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng Nông thôn mới”, khen thưởng kịp thời và xứng đáng cho các tập thể làm tốt, các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực, hiệu quả cho Chương trình.

Ban Biên tập: Xin chân thành cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Phương Anh (ghi)