tao-dong-luc-cho-bac-si-bv-cong.png

Ngày 23/8, khi làm việc với Đoàn Giám sát thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đề xuất tỉnh, Trung ương có cơ chế đặc thù để bệnh viện sớm trở thành hạng đặc biệt.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hương – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đề xuất “Trong quá trình xây dựng Bệnh viện tuyến cuối Bắc Trung Bộ, để hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức và đáp ứng tốt hơn với nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An xin được sự đồng ý của UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ban, ngành cho phép bệnh viện thành lập khoa Ung bướu y học hạt nhân. Đồng thời, tỉnh và Sở Y tế cần tạo điều kiện tốt nhất cho đơn vị khi trở thành đơn vị tự chủ nhóm I. Hỗ trợ bệnh viện trong công tác thanh quyết toán bảo hiểm y tế, có cơ chế đặc thù để xây dựng Bệnh viện xứng tầm bệnh viện khu vực và sớm trở thành Bệnh viện hạng đặc biệt”.

Trước đó, ngày 25/3/2021, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã được Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định công nhận và giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh khu vực Bắc Trung Bộ tại Quyết định số 1670/QĐ-BYT. Cùng với đó, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là đơn vị vệ tinh của rất nhiều bệnh viện tuyến Trung ương. Và có thể khẳng định, đây vẫn là cơ sở khám, điều trị có chuyên môn tốt nhất hiện nay tại Nghệ An.

Vậy bệnh viện hạng đặc biệt là gì? Cần đáp ứng những điều kiện nào.

Bệnh viện hạng đặc biệt hiểu một cách đơn giản và khái quát là cần đáp ứng những tiêu chí “cứng” như: Có bề dày truyền thống, đáp ứng các tiêu chí về quy mô giường bệnh, số lượng khoa, phòng, trung tâm; đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ y tế có trình độ cao, tay nghề giỏi chuyên sâu; là cơ sở y tế triển khai thực hiện tốt, làm chủ các yêu cầu kỹ thuật cao trong y tế. Đến nay, cả nước có 6 cơ sở y tế được công nhận là bệnh viện hạng đặc biệt, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Quân y 108 và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

tao-dong-luc-cho-bac-si-bv-cong-a1-1.png

Cái mong muốn trở thành bệnh viện hạng đặc biệt của lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh là đúng rồi, chuẩn rồi, phù hợp với xu thế rồi. Nhưng trước khi điều đó trở thành hiện thực thì cũng cần đặc biệt coi trọng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Tại sao lại nói điều này? Là bởi lâu nay không riêng gì ở Nghệ An mà tình trạng chung cả nước là xuất hiện ngày càng nhiều bác sĩ, cán bộ y tế có trình độ tay nghề giỏi, chuyên sâu, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm chuyển công tác từ khu vực công sang cơ sở y tế tư nhân.

Tại diễn đàn Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh đã không khỏi quan ngại khi cho biết, từ năm 2021 đến nay Nghệ An có 119 cán bộ y tế xin thôi việc, trong số đó có gần một nửa là bác sĩ. Nguyên nhân đầu tiên là do chế độ đãi ngộ. Giám đốc Sở Y tế tỉnh cũng cho rằng, có Nghị định 56 của Chính phủ về chế độ đặc thù cho cán bộ y tế sau 10 năm thực hiện nay không còn phù hợp nữa. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế công lập không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Cũng bởi vậy, nên chính sách, chế độ đãi ngộ của bệnh viện công đối với bác sĩ, nhân viên y tế là quá thấp. Ví dụ được người đứng đầu ngành Y tế Nghệ An đưa ra là, một bác sĩ mới ra trường vào bệnh viện công lập tuyến tỉnh, thu nhập chỉ từ 5-7 triệu đồng/tháng. Trong khi, bệnh viện tư trả từ 15-20 triệu đồng/tháng. Đối với bác sĩ nội trú, ngay khi ra trường, bệnh viện công lập trả từ 15-20 triệu đồng/tháng, còn bệnh viện tư nhân trả từ 70-100 triệu đồng/tháng.

Chúng ta luôn dành cho người thầy thuốc những mỹ từ như: y đức, lương y, mẹ hiền. Vâng! Bất luận trong thời đại nào, giai đoạn phát triển nào, các giá trị đạo đức đó đều không thay đổi, được cả xã hội tôn vinh. Tuy nhiên, dân gian cũng có câu thành ngữ được tổng kết như một phạm trù của triết học, rằng: “Có thực mới vực được đạo”. Xã hội không thể đòi hỏi một bác sĩ luôn phải nêu cao y đức, làm việc tận tâm, tận lực, không ngừng cống hiến, sáng tạo nếu không trả công cho họ một cách xứng đáng. Để có thể trở thành một bác sĩ, điều kiện tiên quyết đầu tiên là người đó phải học giỏi, xuất phát điểm các môn học chuyên ngành phải xếp hạng hạng ưu; phải trải qua 7 năm đào tạo trong trường đại học, sau đó còn phải mất vài ba năm học chuyên khoa, chuyên ngành hoặc nội trú. Một bác sĩ để làm nghề được tính ra cũng mất 10 năm đào tạo. Và có vẻ như chính điều này khiến nhiều bác sĩ sau khi ra trường vừa mong muốn thể hiện khả năng của mình, vừa muốn có cơ hội thu nhập để bù đắp quãng thời gian vất vả trước đó. Nhưng các bệnh viện công thì không dễ để giúp họ thoả mãn được cả hai nhu cầu đó. Nhất là với chế độ lương thưởng, thu nhập. Cách đây chưa lâu, một bác sĩ trẻ làm việc tại cơ sở y tế Nhà nước chia sẻ với tác giả, ở bệnh viện, tiền trực đêm của bác sĩ “chỉ tính tiền chục, không có trăm”. Lương và các khoản thu nhập khác của bác sĩ so với mặt bằng chung ở bệnh viện thì có vẻ cao, nhưng thực ra so với xã hội chẳng đáng gì.

tao-dong-luc-cho-bac-si-bv-cong-a2.png

“Nhưng tại sao bác sĩ giàu thế?” – nhiều người đặt câu hỏi. Là vì họ làm chân trong – chân ngoài. Họ mở phòng khám tư hoặc tham gia hoạt động của các bệnh viện, phòng khám tư sau khi kết thúc công việc ở cơ quan. Thậm chí nhiều bác sĩ còn dành tâm sức cho cơ sở y tế tư nhân hơn là nơi họ đang chính thức làm việc. Đó là một thực tế!

Một bác sĩ chuyên khoa Mắt mới đây cho biết, sau 10 năm làm việc cho bệnh viện số một của tuyến tỉnh, anh đã chuyển ra bệnh viện tư nhân ở Hà Tĩnh. Lý do ư? Đều vì thu nhập cả. Ra ngoài làm việc mỗi tháng anh nhận trên dưới 50 triệu đồng, thời gian rảnh còn tăng nguồn thu từ phòng khám của cá nhân. Trong khi đó, như bác sĩ này nói: Ở bệnh viện Nhà nước mình không có “đất diễn”, anh em đôi khi giành nhau từng ca tiểu phẫu, thủ thuật. Vài cái phong bì của bệnh nhân cũng dễ đẻ ra thói hư.

Nghệ An được xem là tỉnh trung tâm của khu vực Bắc miền Trung. Tỉnh cũng được Trung ương xác định tập trung đầu tư, xây dựng, quy hoạch để trở thành trung tâm y tế của khu vực. Thực tế, nếu không tính đến số bệnh viện, cơ sở y tế công lập thì hiện tại Nghệ An có 16 bệnh viện tư nhân. Ngoài ra, còn có rất nhiều phòng mạch, cơ sở khám, điều trị do các bác sĩ lập nên. Đây quả là điều rất đáng mừng đối với người dân. Bệnh nhân có nhiều cơ hội lựa chọn các cơ sở y tế phù hợp với điều kiện của mình để thăm khám, điều trị. Tuy nhiên, phần lớn các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo rất muốn được điều trị, thăm khám tại bệnh viện công vì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Tuy vậy, người ta cũng lo lắng một nghịch lý, đó là dịch vụ y tế tại bệnh viện Nhà nước hiện nay vẫn chất lượng thấp, trong khi vẫn còn tồn tại nhiều ì xèo xung quanh chuyện kê đơn, kê toa, phong bì, phong bao. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng lo lắng về việc các bác sĩ không đủ động lực để dành cho họ sự quan tâm tốt nhất.


Hình ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Tư liệu

tacgiasuyngam-daotuan.jpg