Chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Đề xuất bổ sung thêm 1 Phó Chủ tịch tỉnh

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 16 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý đô thị, tài nguyên rừng; tổ chức bộ máy và biên chế.

Trong đó, Chính phủ đề xuất UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch tỉnh (tăng 1 Phó Chủ tịch tỉnh so với các tỉnh khác).

Theo phân tích của Chính phủ, với đặc thù là địa phương có địa bàn vùng miền núi rộng lớn (trên 83% diện tích toàn tỉnh), địa hình chia cắt, hiểm trở nên cần bổ sung thêm 1 Phó Chủ tịch tỉnh để phụ trách chuyên về địa bàn vùng miền núi, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công việc, góp phần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An theo định hướng của Bộ Chính trị.

Chính phủ cũng đề xuất HĐND TP Vinh được thành lập 3 ban, gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội. HĐND TP Vinh có không quá 2 phó chủ tịch và không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. UBND TP Vinh có không quá 4 phó chủ tịch.

Chính sách này tương tự như đã áp dụng đối với TP Thủ Đức của TP.HCM, sẽ giúp đáp ứng toàn diện công tác quản lý nhà nước trong tình hình mới và tạo bước tiến mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển vượt trội TP Vinh.

lequangmanh-3354.jpg?width=0&s=NdweDt8gtJIghM0YD6YdNg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: QH

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng Nghị định của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND đã phần nào tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập về cán bộ, công chức cấp xã và số lượng cấp phó của các địa phương.

Tuy nhiên, đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Chính trị. Vì vậy, ông Mạnh đề nghị Chính phủ cần báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định chính sách này.

Với TP Vinh, cơ quan thẩm tra đề nghị cần quy định rõ nội dung, chức năng, nhiệm vụ được phân công tăng thêm. Từ đó, làm rõ sự cần thiết phải ban hành chính sách đặc thù này và phải báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định trước khi thực hiện.

Làm rõ thêm vai trò và sự cần thiết tăng cường bộ máy TP Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhất trí tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với đó là cần tăng cường cơ chế để sắp xếp cán bộ đặc thù hơn.

"Ví dụ ở Nghệ An, đi chỉ đạo ở vùng sâu, vùng xa phải mất vài ngày, thậm chí phải nằm vùng. Nếu chính sách đặc thù này thành công, có thể mở rộng áp dụng đối với Thanh Hóa, Sơn La, Đắk Lắk...", ông Vinh phân tích.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ liên quan đến tổ chức bộ máy.

“Vừa rồi chúng ta đã cho ý kiến, quan điểm của Đảng đoàn Quốc hội về việc cho TP.HCM thêm 1 Phó Chủ tịch UBND.

Đối với Nghệ An, chúng tôi thấy đất rộng, người đông, địa hình phức tạp và bây giờ chúng ta có cơ chế đặc thù thì đương nhiên sẽ có nhiều việc cần phải triển khai và thực hiện. Việc tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An là hợp lý”, bà Thanh nói.

nguyenthithanh-3355.jpg?width=0&s=8i-36z7ibwcC1A2Rn7H6bw
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: QH

Bà Thanh cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc TP Vinh được phân cấp, giao nhiệm vụ thêm như thế nào để lý giải cho việc thành lập 3 ban và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cơ bản đồng tình với một số chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy. Ông đề nghị Chính phủ bổ sung thêm lập luận, lý giải thuyết phục hơn nữa về vai trò, chức năng của TP Vinh đối với tỉnh Nghệ An sau khi mở rộng.

Theo ông Tùng, đây là một trong những trung tâm động lực phát triển của cả khu vực Duyên hải miền Trung, cũng đã được nêu trong nghị quyết của Bộ Chính trị, nên cần đặt trong mối quan hệ liên kết phát triển vùng để làm rõ thêm vai trò và sự cần thiết tăng cường bộ máy TP Vinh.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị rà soát, cần thiết sẽ tăng phân quyền, phân cấp cho chính quyền thành phố, bao gồm cả HĐND, UBND. Bởi vì khi tăng nhiệm vụ, quyền hạn theo logic thì tăng bộ máy sẽ thuyết phục hơn.