Vài ngày trước, tỉnh Bình Dương cùng Tổng công ty Becamex IDC khánh thành khu 2 - Nhà ở xã hội Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một) và động thổ xây dựng 20.000 căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo.
Đề án nhà ở xã hội Becamex IDC với quy mô ban đầu 120.000 căn, phục vụ nhu cầu an cư của hơn 300.000 người với giá ưu đãi từ 100 - 200 triệu đồng/căn hộ (30m² sàn) kết hợp cho vay mua nhà đã thu hút hàng chục nghìn công nhân lao động, người thu nhập thấp.
Từ một tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp trên 90% đến nay cơ cấu sản phẩm công nghiệp của Bình Dương lên đến trên 60%, dịch vụ trên 35%. Tỉnh hiện có hơn 1,6 triệu lao động, lực lượng lao động này có nhu cầu rất lớn về nhà ở. Nhằm giúp người lao động “an cư” để tập trung “lạc nghiệp”, Bình Dương đã sớm phê duyệt đề án nhà ở xã hội, giúp hàng trăm nghìn công nhân, người thu nhập thấp có mái ấm ổn định cuộc sống.
Bình Dương hiện là một trong số ít địa phương phát triển được số lượng lớn nhà ở xã hội với chi phí thấp cho người lao động có thể sở hữu được. Trên bình diện cả nước, nguồn cung nhà ở xã hội vô cùng ít ỏi so với nhu cầu của người lao động. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội (gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân) với quy mô hơn 142.000 căn, tổng diện tích hơn 7,1 triệu mét vuông. Trong khi đó, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2020 cần 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Như vậy, nguồn cung hiện tại mới chỉ đáp ứng 42% nhu cầu.
Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nước ta hiện có trên 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách, tuy vậy đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Mặc dù công nhân là 1 trong 10 nhóm đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 49 của Luật Nhà ở nhưng hiện tại nhiều khu công nghiệp chưa có nhà ở cho công nhân.

Chủ đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi thực chất
Chính phủ đang triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thủ tướng cũng vừa ban hành Chiến lược Phát triển nhà ở quốc giai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đáp ứng nhu cầu với giá cả phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; đồng thời, phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp. Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu, chương trình - kế hoạch phát triển nhà ở xã hội; tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; nhu cầu vay vốn ưu đãi để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng… Bộ cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành làm việc với các địa phương ngay trong quý I về nhà ở xã hội.
Dự báo giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu về nhà ở xã hội khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Bộ đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014; trong đó, kiến nghị điều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư, bảo đảm chủ đầu tư được hưởng ưu đãi thực chất.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định về tài chính phát triển nhà ở xã hội theo hướng quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại; bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, tổ chức lựa chọn đơn vị đủ năng lực để thực hiện.
Bộ Xây dựng cho rằng, cần tách nhóm đối tượng người lao động, công nhân khu công nghiệp để có chính sách riêng và bổ sung các quy định về quỹ đất để phát triển nhà lưu trú cho công nhân trong phạm vi quy hoạch khu công nghiệp, cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong việc đầu tư nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp đó thuê. Đồng thời, cải cách, rút gọn thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cũng như trong quy trình mua - bán, xác nhận đối tượng thụ hưởng...
Vũ Quang