Chi trả hỗ trợ học phí trực tiếp cho người học
Những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt đối với trẻ em và học sinh, đã có nhiều chính sách miễn, giảm học phí đối với người học ở cơ sở giáo dục công lập; hỗ trợ học phí đối với người học ở cơ sở giáo dục ngoài công lập. Như Luật Giáo dục đã quy định học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí; trẻ em mầm non 5 tuổi các địa bàn khác và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình của Chính phủ. Nhà nước trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo…
Hiện cũng đã có 10 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh, thành phố, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và Vĩnh Phúc.

Vì thế, Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân là cần thiết, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo dự thảo Nghị quyết, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Điều này bảo đảm tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.
Về phương thức chi trả hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm đối tượng này theo phương thức cấp trực tiếp cho người học và thể hiện trong nghị định hướng dẫn chi tiết. Chính phủ đã tiếp thu, cho biết, trong quá trình hướng dẫn tổ chức thực hiện, sẽ căn cứ tình hình, điều kiện thực tế để có phương thức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm không để trục lợi chính sách, giảm thiểu thủ tục hành chính cho người thụ hưởng và các đơn vị có liên quan.
Sẽ hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách
Theo Tờ trình số 203/TTr-CP của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện miễn học phí và hỗ trợ học phí từ năm học 2025 - 2026 cho các đối tượng theo dự thảo Nghị quyết ước tính khoảng 31,4 nghìn tỷ đồng/năm học (trong đó, khối công lập là 28,7 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1,9 nghìn tỷ đồng). Hiện nay, tổng ngân sách nhà nước đã và sẽ thực hiện miễn, hỗ trợ tiền đóng học phí kể từ ngày 1/9/2025 theo quy định pháp luật hiện hành là 22,4 nghìn tỷ đồng. Như vậy, số ngân sách nhà nước phải bảo đảm thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết này là khoảng 9 nghìn tỷ đồng/năm học. Mức ngân sách cần bảo đảm ở từng địa phương phụ thuộc vào quy định đóng học phí của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Vì vậy, Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác vào tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện miễn và hỗ trợ học phí từ năm học 2025 - 2026 cho các đối tượng theo dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 đối với các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với việc triển khai Nghị quyết.
Tiếp thu ý kiến này, Điều 3, dự thảo Nghị quyết quy định: kinh phí thực hiện chính sách do Ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.