Chi tiêu tằn tiện
Trước năm 2020, tiền lương tối thiểu của công nhân thường được tăng mỗi năm từ 5 - 7%. Thế nhưng trong hai năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch Covi-19 nên lương tối thiểu vùng 2021 đã không tăng và được thực hiện theo mức lương công bố tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng vẫn đang được áp dụng như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.
Trong bối cảnh hiện nay khi lạm phát gia tăng, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, nhất là giá xăng tăng liên tục sau 7 lần điều chỉnh giá thì mức lương tối thiểu trên không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngày càng kéo dài khoảng cách với mức sống thấp nhất của họ. Cụ thể, theo tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn, riêng năm 2021, khoảng cách giữa lương và mức sống tối thiểu tiếp tục nới hơn 10%.
Theo khảo sát độc lập mới đây về tác động của lương tối thiểu nên việc làm và năng xuất lao động ở Việt Nam của TS. Nguyễn Việt Cường, Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, từ năm 2017 đến nay, lương tối thiểu ở nước ta có dấu hiệu giảm sút, không theo kịp với mức của cuộc sống người lao động. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, khảo sát cũng cho thấy, ngay cả trong khu vực phi chính thức, vẫn có tỷ lệ nhất định người lao động nhận lương tối thiểu còn thấp hơn so với mức lương tối thiểu theo quy định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như chất lượng sống người lao động.
Là một trong nhiều lao động bị ảnh hưởng của lạm phát, tăng giá do dịch Covid-19, trong khi lương từ 2 năm nay “giậm chân tại chỗ”, chị Nguyễn Thanh Nhàn, công nhân công ty TNHH May Hà Đông, Đan Phượng, Hà Nội cho hay, mặc dù công ty của chị chi trả lương cho công nhân theo đúng quy định của pháp luật, nhưng trong năm 2021 không có tăng lương. “Dịch Covid-19 khiến người lao động bị ảnh hưởng quá nhiều, phải nghỉ việc do giãn cách cũng làm giảm thu nhập, lương lại không tăng trong khi giá cả các mặt hàng liên tiếp tăng… khiến cuộc sống của chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn so với trước. Hầu hết muốn có thêm tiền để trang trải điện nước, nhà cửa, sinh hoạt, con cái, chúng tôi phải làm thêm, tăng ca”.
Cùng cảnh công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội, nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Giang lại nuôi 2 con nhỏ. Chị Giang chia sẻ: “Mặc dù công ty trả lương công nhân cao hơn mức lương tối thiểu, trung bình lương của 2 vợ chồng chị được khoảng 15 - 16 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này tằn tiện chi tiêu thì mỗi tháng cũng dư được 5 - 7 triệu, nhưng sang đến năm nay, từ xăng xe, hàng tiêu dùng, đến lương thực thực phẩm đều tăng, lại thêm chi phí cho phòng chống dịch như khẩu trang, thuốc men, trong khi đó lương không tăng khiến cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn để bảo đảm cuộc sống”.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho hay, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu thường xuyên giúp dự đoán sự thay đổi, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp lên kế hoạch phát triển. Nếu điều chỉnh tiền lương tối thiểu bị trì hoãn trong vài năm, khi đó bất cứ quyết định nào được đưa ra đều có thể dẫn tới tăng lương đột ngột và đáng kể, khiến doanh nghiệp khó gánh được chi phí.
Tăng lương - biện pháp kích cầu
Từ ngày 1.4, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành khảo sát khoảng 2.000 doanh nghiệp để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2023. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu năm 2022 tiếp tục không thực hiện tăng lương tối thiểu vùng thì sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của người lao động khi đã phải trải qua hai năm khó khăn. Mặt khác, việc 3 năm liên tiếp không điều chỉnh tăng lương sẽ tạo áp lực không nhỏ lên việc điều chỉnh lương tối thiểu vào năm 2023. Đồng thời, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá cả leo thang, nếu để năm 2023 mới tăng lương tối thiểu thì người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
TS. Nguyễn Việt Cường, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, tăng lương tối thiểu đa phần chỉ ảnh hưởng đến việc tăng mức đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp, không ảnh hưởng và tác động đáng kể tới việc làm và tiền lương nói chung. Vì tổng tiền lương thực chất không thay đổi. “Chắc chắn việc tăng lương tối thiểu thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng, song chủ yếu là những doanh nghiệp lớn, có lượng lao động lớn. Nhưng nếu cứ tiếp tục trì hoãn và giữ mức lương tối thiểu như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng nhiều hơn, lớn hơn đối với người lao động", TS. Nguyễn Việt Cường nhấn mạnh.
Cũng theo nhiều chuyên gia thì trong thời điểm hiện tại việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là cấp thiết. Đây được xem là biện pháp kích cầu trong mua sắm, tiêu dùng cho nền kinh tế. Quan trọng hơn là thu hút người lao động trở lại các công ty, nhà máy để tiếp tục làm việc sau thời gian phải trở về quê tránh dịch. Đồng thời, đây cũng là giải pháp tạo đà cho việc phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sau dịch bệnh.
Bài và ảnh: Hải Thanh