Vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua giám sát, bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân, phân loại, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì Đoàn giám sát cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các cấp, các ngành như việc tổ chức tiếp công dân có nơi vẫn chưa thực hiện được đầy đủ theo quy định của pháp luật, việc ủy quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân vẫn còn diễn ra khá nhiều ở các cấp, các ngành, chiếm tỷ lệ khoảng 40%; vẫn còn tình trạng phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh của công dân chưa chính xác, chưa đúng với bản chất sự việc (nội dung đơn là khiếu nại, tố cáo nhưng lại phân loại là kiến nghị, phản ánh hoặc ngược lại) nên dẫn đến việc xử lý đơn thư, giải quyết không đúng trình tự, thủ tục theo quy định; tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo một số vụ việc còn chậm, quá thời hạn; chất lượng công tác thẩm tra, xác minh, ban hành văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là lần đầu của cấp xã có nơi còn chưa cao, có sai sót nên dẫn đến vụ việc phải xem xét, giải quyết nhiều lần; việc tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công dân trong quá trình giải quyết khiếu nại ở một số nơi vẫn chưa được chú trọng… Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề ra các giải pháp, kiến nghị đối với các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương.
Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại phát hiện qua giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng như qua theo dõi công tác tiếp công dân, công tác giải quyết khiếu nại lần 2 thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, kết quả giải quyết các vụ án hành chính đã được xét xử, ngày 27/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2970/UBND-TD chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp.
Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm trực tiếp chủ trì tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Việc ủy quyền cho cấp phó chỉ được thực hiện trong trường hợp đặc biệt, không còn giải pháp khác. Việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, việc phân loại đơn phải căn cứ vào nội dung trình bày trong đơn, mục đích, yêu cầu của người có đơn, không phụ thuộc vào tiêu đề của đơn để đảm bảo việc xử lý, giải quyết đúng bản chất vụ việc, đúng trình tự, thủ tục đối với từng nội dung đơn của công dân theo quy định pháp luật.
Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có Văn bản chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết và báo cáo UBND tỉnh đúng thời hạn yêu cầu. Đối với các vụ việc có dấu hiệu quá thời hiệu, thời hạn khiếu nại theo quy định, trước khi ban hành Thông báo không thụ lý khiếu nại, Chủ tịch UBND cấp huyện cần chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ thời điểm người khiếu nại nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính; thời điểm cơ quan có thẩm quyền nhận được đơn khiếu nại (đầu tiên) của công dân; xem xét khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khiếu nại; xem xét tính đúng đắn của các quyết định hành chính được ban hành, các hành vi hành chính đã thực hiện. Đối với các vụ việc khiếu nại lần đầu đủ điều kiện thụ lý thì giải quyết đúng thời hạn theo quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại năm 2011.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau và vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chủ trì tổ chức đối thoại với người khiếu nại theo đúng quy định tại Điều 30 Luật Khiếu nại năm 2011.
Ngoài ra, UBND các huyện phải kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu, phân công người có thẩm quyền để làm việc với sở, ngành, đơn vị, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh giao tham mưu giải quyết các vụ việc khi có yêu cầu.
Trách nhiệm của Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh
Cũng tại Công văn số 2970/UBND-TD giao trách nhiệm cho Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh trong việc cử lãnh đạo và cán bộ tham gia đầy đủ các phiên tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh đúng thành phần theo Giấy mời và xử lý các vụ việc khiếu nại được Chủ tịch UBND tỉnh giao chủ trì xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại lần 2. Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc, chủ động xác định mức độ phức tạp của vụ việc khiếu nại, đối với các vụ việc không phức tạp thì Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì phải chủ động trực tiếp tổ chức đối thoại với người khiếu nại theo quy định; đối với các vụ việc phức tạp thì Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì có văn bản báo cáo và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đối thoại.
Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai mà kết quả kiểm tra, xác minh đã phát hiện việc giải quyết lần đầu không đúng quy định pháp luật, không giải quyết đầy đủ nội dung đơn của công dân, vi phạm trong quá trình giải quyết thì phải chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan và đề xuất mức độ xử lý kỷ luật theo quy định.
Trách nhiệm của Thanh tra tỉnh, Ban Tiếp công dân tỉnh
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho Thanh tra tỉnh trong việc phối hợp với các ngành liên quan thống kê đầy đủ các quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu được xác định giải quyết không đúng quy định (qua giải quyết khiếu nại lần 2); các quyết định, hành vi hành chính của UBND cấp huyện bị hủy theo Quyết định hoặc theo Bản án của Tòa án nhân dân, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh chấn chỉnh, chỉ đạo xử lý trách nhiệm, chấm điểm thi đua của các tập thể, cá nhân đã để xảy ra sai phạm; Tăng cường thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, tranh chấp đất đai.
Ban Tiếp công dân tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan làm việc với UBND các địa phương có quyết định hành chính bị hủy bỏ bởi các bản án có hiệu lực của Tòa án nhân dân từ năm 2019 đến năm 2021 để làm rõ nguyên nhân xảy ra sai phạm, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan, kết quả tiến độ thực hiện các bản án nêu trên. Trên cơ sở đó báo cáo và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý trước ngày 31/08/2022./.
Quốc Thắng