z4801926076910_858b34a507420f997fcf154a1f215f7e.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Minh Trang

Đây là nhận định của nhiều đại biểu tham dự Phiên họp thứ 7 Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - một trong những dự luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu tới đây.

Cần thiết giảm số năm đóng bảo hiểu xã hội tối thiểu

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm. Nhất trí với nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng bảo hiểm xã hội hưu trí là cần thiết.

Phân tích rõ hơn, Trưởng Bộ môn Lao động và An sinh xã hội, Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm cho biết, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, một trong những điều kiện để hưởng bảo hiểm hưu trí hàng tháng là người lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm. Có thể thấy, điều kiện 20 năm đóng để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là khá dài, đặc biệt là đối với những người tham gia thị trường lao động muộn hoặc làm công việc không ổn định. Điều kiện để hưởng chế độ hưu trí này cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người lao động phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt, nản lòng trong quá trình đóng góp cho hệ thống bảo hiểm xã hội để được hưởng hưu trí khi về già.

Theo bà Trần Thị Thúy Lâm, đây là một trong những lý do dẫn đến việc nhiều người lao động đã dừng lại, không theo đuổi việc đóng bảo hiểm để hưởng bảo hiểm hưu trí. Cùng đó, nếu so sánh với pháp luật của một số nước thì mức thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng bảo hiểm hưu trí của Việt Nam cũng được xem là khá dài.

Tán thành với quan điểm nêu trên, PGS.TS Lê Thị Hoài Thu - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ, trong dự thảo Luật, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí đã được sửa đổi linh hoạt cùng với điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, đóng hưởng và có sự chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm. Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí hàng tháng sẽ hạn chế tối đa các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng cơ hội cho nhiều người lao động tham gia, nhất là lao động trong khu vực phi chính thức.

Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít

Giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là “một trong những giá trị lớn nhất về an sinh xã hội mà việc sửa đổi Luật lần này mang lại”. Nhấn mạnh ý nghĩa của nội dung này, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ khẳng định, điều này cũng chính là để thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Thậm chí, theo ông Đinh Dũng Sỹ, có thể nghiên cứu giảm xuống còn 10 năm ở ngay lần sửa đổi này. Nếu giảm như vậy, tư duy xây dựng chính sách về bảo hiểm xã hội cũng cần phải thay đổi, chuyển tư duy từ lâu nay rằng “lương hưu phải bảo đảm mức sống tối thiểu” của người nghỉ hưu sang tư duy “đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít” và “tham gia bảo hiểm xã hội không bao giờ là muộn”. Theo đó, có thể nghiên cứu, quy định trong dự thảo Luật theo hướng: Những người tham gia bảo hiểm xã hội từ trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, thì điều kiện hưởng lương hưu là 15 năm đóng bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc thông lệ từ trước tới nay là lương hưu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sau ngày Luật sửa đổi lần này có hiệu lực, thì điều kiện hưởng là 10 năm đóng bảo hiểm xã hội, và mức trả bảo hiểm sẽ theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.

Đồng tình với nội dung sửa đổi như dự thảo Luật là hợp lý vì giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí hàng tháng không chỉ tạo cơ hội cho nhiều người được hưởng lương hưu mà còn khuyến khích người lao động tham gia đóng bảo hiểm, song, bà Trần Thị Thúy Lâm cho rằng, để tiến tới giảm xuống 10 năm cần phải có lộ trình và các giải pháp đồng bộ khác để tránh tính trạng “lách” luật.

Về trợ cấp hưu trí xã hội, đây cũng là nội dung mới được đưa vào dự thảo Luật nhằm hình thành tầng hưu trí xã hội trong hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng theo Nghị quyết của Trung ương. Nội dung này nhận được sự đồng tình cao của đối tượng thụ hưởng chính sách, các nhà nghiên cứu, xây dựng chính sách và nhận được sự đồng thuận trong xã hội. Khi thực hiện hàng triệu người được hưởng lợi, góp phần tăng thêm độ bao phủ và thực hiện tốt hơn Công ước số 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tuy nhiên, các ý kiến cũng nhìn nhận, chính sách này phụ thuộc rất lớn vào khả năng ngân sách nên cần có đánh giá cụ thể.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, trợ cấp hưu trí xã hội không hẳn là chính sách hoàn toàn mới mà được hình thành trên cơ sở kế thừa trợ cấp xã hội nhưng được mở rộng đối tượng áp dụng, nâng mức trợ cấp, quy định chi tiết hơn và đổi tên từ trợ cấp xã hội (quy định tại khoản 2 điều 17 Luật Người cao tuổi năm 2009 và Nghị định 06/2011NĐ-CP ngày 14.1.2011; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15.3.2021 của Chính phủ) thành trợ cấp hưu trí xã hội và thiết kế trong dự thảo Luật thành Chương III: Trợ cấp hưu trí xã hội, từ Điều 20 đến Điều 24.

Ngoài ra, do liên quan đến Luật Người cao tuổi nên các đại biểu lưu ý, các quy định trong hai luật cần bảo đảm tính đồng bộ, tránh sự xung đột chính sách. Bên cạnh đó, có ý kiến băn khoăn, có nhất thiết phải chuyển quy định từ Luật Người cao tuổi sang dự thảo Luật này hay không, vì người cao tuổi ngoài trợ cấp còn nhiều các chính sách khác và là chính sách do ngân sách nhà nước chi trả, không phải dựa trên hệ đóng hưởng như tầng bảo hiểm xã hội cơ bản.