Ông Hoa Phò Ngành - Dân tộc Khơ Mú, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn

bna_hoaphonganh6425815_25112021.jpgẢnh: Thành Cường

Ông Hoa Phò Ngành (Hoa Văn Lô), người dân tộc Khơ Mú, trú tại bản Xốp Lau, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn là người có uy tín tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Các con của ông nay đều thành đạt, đảm nhiệm các vai trò trong cấp ủy, chính quyền tại địa phương, người là bí thư đảng ủy xã, người là trưởng công an xã, chiến sỹ bộ đội biên phòng, giáo viên mầm non, y sĩ, y tế thôn bản.

Từng là cán bộ xã, nay đã nghỉ hưu, nhưng ông Ngành vẫn được bà con tín nhiệm cao. Ông chia sẻ: “Những năm qua, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động để bà con xây dựng mô hình nuôi gà đen, lợn đen, nuôi bò, trồng cỏ voi, đào ao thả cá… đồng thời là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của người dân tộc thiểu số đến cấp ủy, chính quyền. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, hàng năm sẽ có thêm các cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn người dân xây dựng, phát triển các mô hình chăn nuôi, cách chăm sóc, xử lý khi xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc”.

Ông Lỳ Nọ Pó - Dân tộc Mông, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong

bna_lynopo3394173_25112021--n1.jpgẢnh: Thành Cường

Là tấm gương điển hình trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ông Lỳ Nọ Pó được cộng đồng người Mông ở bản Na Niếng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong tín nhiệm bầu là người có uy tín tiêu biểu suốt nhiều năm qua.

Từng có thời gian dài xông xáo, tích cực đảm nhiệm cương vị Bí thư Chi bộ bản Pà Khốm, rồi Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Minh Châu, ông Pó còn nhạy bén, tháo vát trong phát triển mô hình kinh tế của gia đình. Hiện, gia đình ông sở hữu đàn gia súc 75 con, cho thu nhập bình quân 100-150 triệu đồng/năm. Ông Lỳ Nọ Pó thực sự là người tiên phong mở lối phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương người Mông bản địa.

Video ý kiến của ông Lỳ Nọ Pó.

Ông Pó cho biết: “Trước kia cuộc sống ở bản rất khổ cực, nhìn chung bà con chưa hiểu, chưa biết làm kinh tế. Mong muốn thoát khỏi cái nghèo, yếu kém, tôi đã đi vay ngân hàng để mua con giống, phát triển chăn nuôi trâu, bò, trồng cỏ để vỗ béo cho gia súc, chú ý tiêm phòng dịch bệnh. Giờ thấy tôi làm được, làm tốt, ai cũng muốn làm như vậy. Tôi mong muốn, Nhà nước tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ con giống cho bà con người Mông ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để phát triển kinh tế”.

Ông Trương Công Viên - Dân tộc Thổ, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn

bna_truongcongvien2870785_25112021.jpgẢnh: Thành Cường

Được bầu là người có uy tín từ năm 2011 đến nay, ông Trương Công Viên luôn quan niệm, công tác vận động quần chúng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn chặt với đặc điểm riêng của địa phương.

“Làng Trung Chính nơi tôi sinh sống là vùng dân tộc Thổ hoàn toàn, trình độ dân trí chưa cao nên đặt ra nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân biết, hiểu và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xác định rõ điều đó, tôi lựa chọn cách tuyên truyền miệng, đến tận từng hộ gia đình. Cùng với đó, phải kết hợp chặt chẽ với cán bộ làm công tác Mặt trận để đạt hiệu quả tốt nhất. Thời gian qua, dân bản tham gia tích cực hoàn thiện được hệ thống đường giao thông nông thôn, mang lại không khí phấn khởi cho bà con”.

Video ý kiến của ông Trương Công Viên.

Ông Viên cũng trăn trở, kiến nghị các cấp, ngành liên quan tiếp tục quan tâm nâng cao trình độ văn hóa cho người dân tộc thiểu số, hoàn chỉnh, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc miền Tây Nghệ An.

Bà Lương Thị Huynh - Dân tộc Thái, xã Yên Na, huyện Tương Dương

bna_luongthihuynh4922305_25112021.jpgẢnh: Thành Cường

Ở các bản làng, thông thường người có uy tín được bầu phần nhiều là đàn ông. Nhưng thực tế, cũng có không ít người phụ nữ tiêu biểu, khéo léo trong cách tiếp cận quần chúng, bằng sự tinh tế và nhạy cảm làm tốt công tác dân vận ở vùng cao, đơn cử bà Lương Thị Huynh, trú tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương.

Nói về những khó khăn và thuận lợi khi tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết, bà Huynh cho biết: “Phụ nữ vùng dân tộc miền núi dân trí thấp, cuộc sống không đủ đầy, mỗi người một hoàn cảnh, có người chồng, con rơi vào tệ nạn ma túy, cờ bạc, rượu chè… Tôi vận động các chị em phải sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, tin tưởng nhau, để phụ nữ ngày một tiến bộ, có vị thế vững chắc trong cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống”.

Video ý kiến của bà Lương Thị Huynh.

Trước thực trạng còn xảy ra các vụ việc buôn bán phụ nữ và trẻ em, đưa người vượt biên trái phép qua đường tiểu ngạch…, bên cạnh giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu biết pháp luật, không bị kẻ xấu lôi kéo, rủ rê, bà Huynh cho rằng, cần động viên, hướng dẫn cho các chị em tham gia các hội, nhóm giao lưu, giúp đỡ nhau, tìm tòi để phát triển các công việc mới ở địa phương, tạo thu nhập ổn định, chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Trong quá trình đó, điều bà con người Thái ở xã Yên Na nói riêng, Tương Dương và các huyện miền núi nói chung cần sự hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi và truyền dạy, chuyển tải kỹ thuật để thực hiện tốt các mô hình./.